11:29 09/04/2007

Ngân hàng cổ phần lãi lớn

Hoàng Đạt

Với kết quả kinh doanh quý I/2007, các ngân hàng cổ phần đang chứng minh khả năng sinh lợi hàng đầu trên thị trường

Một số ngân hàng dự kiến sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một số ngân hàng dự kiến sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với kết quả kinh doanh quý I/2007, các ngân hàng cổ phần đang chứng minh khả năng sinh lợi hàng đầu trên thị trường.

Đứng đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần về lợi nhuận vẫn là Ngân hàng Á Châu (ACB). Tính đến 31/3/2007, lợi nhuận trước thuế của ACB là 413 tỷ đồng, tăng gấp 3,75 lần so với cùng kỳ năm 2006. Với con số này, ACB tin rằng sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận 1.500 tỷ đồng của năm 2007 vào cuối năm nay.

Điểm đáng chú ý là ACB đang có tỷ lệ cho vay/tiền gửi thấp nhất, có mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi thấp nhất trong khối nhưng lại là ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất.

Và trong khi doanh nghiệp nhà nước đang là khách hàng ruột và chiếm tỷ trọng lớn ở hầu hết các ngân hàng, thì trong danh mục cho vay của ACB, chỉ có khoảng 10% cho vay đối tượng này; 90% còn lại chia cho khách hàng cá nhân (46.5%) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (43.4%).

Vị trí thứ hai về lợi nhuận tiếp tục thể hiện ở sự bám đuổi của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – ngân hàng có quy mô vốn điều lệ, mạng lưới hoạt động lớn nhất trong khối hiện nay.

Kết thúc quý I/2007, lợi nhuận trước thuế lũy kế từ đầu năm của Sacombank đã đạt 302 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ năm 2006. Với kết quả này, Sacombank có khả năng sẽ vượt mức 1.200 tỷ đồng lợi nhuận vào cuối năm nay; vị trí thứ hai trên thị trường khó thay đổi.

Sau ACB, Sacombank, vị trí thứ ba về lợi nhuận đang nằm trong quyết tâm giữ vững của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với mức 600 tỷ đồng trong năm nay. Còn đến 31/3/2007, phần mà Eximbank đã hoàn thành là 177 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.

Sự bám đuổi về chỉ số lợi nhuận diễn ra quyết liệt hơn ở những ngân hàng đứng ngay sau 3 vị trí trên. Ngân hàng Đông Á (EAB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), rồi đến các ngân hàng nối tiếp như Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank), Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) với lợi nhuận trong quý đầu tiên này từ 60 đến trên 100 tỷ đồng.

Dự báo vị trí của nhóm kế tiếp này sẽ có nhiều thay đổi từ nay đến cuối năm, thậm chí có sự tham gia của một số tên tuổi khác, như sự tham gia của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) khi lợi nhuận mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 400 tỷ đồng.