10:35 02/04/2007

Ngân hàng dùng cổ phiếu giữ người tài

Hiện nhiều ngân hàng cổ phần sẵn sàng trả thu nhập rất cao cho người có tài, đặc biệt là "quyến rũ" bằng cổ phiếu ưu đãi

Tình trạng cạnh tranh nhân lực sẽ còn tăng cao hơn khi các ngân hàng nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam thời kỳ "hậu" WTO - Ảnh: Việt Tuấn.
Tình trạng cạnh tranh nhân lực sẽ còn tăng cao hơn khi các ngân hàng nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam thời kỳ "hậu" WTO - Ảnh: Việt Tuấn.
Các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng ngày càng mở ra như nấm khiến nhu cầu nhân lực của ngành này đang "nóng" hơn bao giờ hết.

Tình trạng tranh giành nhân viên giữa các ngân hàng đang diễn ra gay gắt, và cổ phiếu được dùng làm "mồi" để giữ người tài.

Hiện nay, những cán bộ, công nhân viên có năng lực của các ngân hàng quốc doanh đang là đối tượng săn lùng của các ngân hàng cổ phần, vốn có ưu thế về tiền lương hấp dẫn so với ngân hàng quốc doanh.

Ông Trần Văn Vĩnh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Tp.HCM cho biết, mỗi năm có đến khoảng 25 cán bộ chủ chốt của chi nhánh chuyển sang các ngân hàng khác.

Phó giám đốc một ngân hàng quốc doanh chi nhánh Tp.HCM cũng cho biết, một số cán bộ chủ chốt của ngân hàng này cũng bị các ngân hàng cổ phần "săn" mất, bản thân ông cũng được một số ngân hàng cổ phần mời về làm giám đốc chi nhánh với mức thu nhập cao gấp 3-4 lần so với thu nhập hiện có, khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó tổng giám đốc ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngao ngán: "Vietcombank như một cái nôi đào tạo nhân lực cho các ngân hàng khác, đặc biệt là ngân hàng cổ phần. Nhân viên của Vietcombank chuyển sang làm việc ở các ngân hàng khác ngày càng nhiều. Không phải Vietcombank không biết cách giữ người mà do bị vướng bởi cơ chế lương hiện nay".

Tình trạng cạnh tranh nhân lực sẽ còn tăng cao hơn khi các ngân hàng nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam thời kỳ "hậu" WTO.

Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, nhân lực ngành này sẽ bị lôi kéo theo quy mô hoạt động của các ngân hàng nước ngoài, và tình hình sẽ sôi động hơn từ năm 2007-2010. Hiện nhiều ngân hàng cổ phần sẵn sàng trả thu nhập rất cao cho người có tài, đặc biệt là "quyến rũ" bằng cổ phiếu ưu đãi.

Bà Đặng Thu Thủy, Giám đốc quản trị nhân lực Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cho biết: "Trong chính sách lương của ACB hiện nay có khoảng 30% dành cho đào tạo, ACB trả thu nhập cho nhân viên dựa trên công việc đạt được, mức độ đóng góp của nhân viên vào sự phát triển của ngân hàng. Tôi hy vọng từ năm 2007, khi các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam, họ trả lương cho nhân viên bao nhiêu thì ACB sẽ trả bấy nhiêu".

Song song đó, ACB cũng áp dụng chính sách bán cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên để giữ họ gắn bó lâu dài với ngân hàng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và một số ngân hàng khác cũng dùng cổ phiếu ưu đãi để giữ chân người tài.