14:50 21/02/2011

Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp khó?

Kim Tuấn

Vẫn có những quan điểm khác nhau khi nhìn về lợi nhuận của các ngân hàng thương mại: góc nhìn xã hội và góc nhìn kinh tế

Lợi nhuận các ngân hàng chưa hẳn đã lớn khi xét theo quy mô vốn, tài sản và lực lượng nhân sự.
Lợi nhuận các ngân hàng chưa hẳn đã lớn khi xét theo quy mô vốn, tài sản và lực lượng nhân sự.
Vẫn có những quan điểm khác nhau khi nhìn về lợi nhuận của các ngân hàng thương mại: góc nhìn xã hội và góc nhìn kinh tế.

Những quan điểm đó xuất phát từ vai trò của các ngân hàng thương mại trong nền kinh tế, hoặc từ sự bình đẳng như các doanh nghiệp ở lĩnh vực hoạt động khác.

Lựa chọn góc nhìn

Đến thời điểm này hầu hết các ngân hàng thương mại đã lần lượt công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2010. Lợi nhuận là những con số thu hút sự chú ý của công chúng.

Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có lãi trong năm qua, cũng như đạt những mức tăng trưởng nhất định. Những trường hợp quy mô nhỏ, vừa chuyển đổi lên đô thị ít cũng đạt 100 - 200 tỷ đồng; một số thành viên quy mô lớn, đặc biệt ở khối quốc doanh cũng có từ 4.500 - 5.500 tỷ đồng trước thuế…

Trong báo cáo tổng kết hoạt động năm 2010, một ngân hàng thương mại đánh giá rằng hiệu quả hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại có đóng góp quan trọng trong mức tăng trưởng 6,78% của GDP, đặc là xét ở khía cạnh tiếp vốn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong một số phản hồi của bạn đọc VnEconomy thời gian gần đây, khi tiếp nhận thông tin lợi nhuận ngân hàng, có một quan điểm chung không hài lòng với những con số “lớn” được đặt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải chật vật với lãi suất vay vốn cao…

Ở quan điểm này, các ngân hàng thương mại cần chia sẻ lợi nhuận của mình, thể hiện vai trò chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, xuất phát từ đặc thù lĩnh vực hoạt động.

Những ngày gần đây, khi tỷ giá USD/VND, lãi suất và lạm phát trở nên căng thẳng, một số ý kiến từ chính lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo cơ quan Nhà nước tiếp tục đề cập đến vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cũng từ chối đưa ra bình luận về tình hình lợi nhuận năm 2010. Lý do mà ông đưa ra là “xã hội không nhiều thiện cảm với lợi nhuận các ngân hàng”, dù lợi nhuận lớn hay không không thể chỉ phản ánh ở những con số tuyệt đối.

Trong khi đó, theo vị lãnh đạo này, khi xác định chỉ tiêu lợi nhuận mỗi năm, áp lực lớn nhất mà các ngân hàng cổ phần phải tính tới là lợi ích của cổ đông, là tốc độ tăng trưởng. “Như năm 2010, chỉ tiêu lợi nhuận chúng tôi đã dự tính, nhưng khi đưa ra đại hội cổ đông buộc phải căn ke thêm 200 tỷ đồng nữa khi đặt trước áp lực đó”, đại diện ngân hàng này cho biết.

Chưa hẳn đã lớn

Năm 2010, hoạt động ngân hàng có nhiều khó khăn, đặc biệt là trước yêu cầu đáp ứng các chuẩn pháp lý mới. Không bất ngờ khi một số thành viên không hoàn thành chỉ tiêu, hoặc phải hạ chỉ tiêu lợi nhuận.

Ngược lại, năm 2010 cũng chứng kiến sự tăng tốc tại những hiện tượng như Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Quốc Tế (VIB), Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) hay Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)…

Tuy nhiên, ngay tại chính những thành viên được cho là thành công đó, con số lợi nhuận cũng chưa hẳn là quá vượt trội nếu nhìn ở góc độ kinh tế, hoặc từ các nguồn thu nhập của ngân hàng.

Tại VIB, năm 2010, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 72% so với năm 2009, cao hơn 11,2% kế hoạch 1.057 tỷ đồng đề ra; quy mô tổng tài sản đạt gần 94.000 tỷ đồng, tăng trên 37.000 tỷ đồng. Đồng ý với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt trong một năm thị trường nhiều khó khăn, nhưng đại diện VIB cho rằng cần phải nhìn nhận ở một quá trình tích lũy đầu tư trước đó.

“Một thời gian dài chúng tôi tăng cường đầu tư cho công nghệ và dịch vụ, nhân sự, mạng lưới và quản trị điều hành. Đây là thời điểm mà những giá trị đầu tư đó phát huy, chứ thu nhập không còn quá lệ thuộc ở mảng cho vay doanh nghiệp”, đại diện này giải thích.

Cụ thể trong năm 2010, hiệu quả của VIB còn đến từ cú hích của việc đổi mới hệ thống nhận diện thương hiệu, từ bước tăng mạnh vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu (4.000 tỷ đồng và 6.573 tỷ đồng), cũng như từ sự hỗ trợ mới của cổ đông chiến lược nước ngoài (CBA - Commonwealth Bank of Australia) trong việc triển khai các dự án chuyển đổi cơ cấu tổ chức, quản trị…

Hay tại OceanBank, một thành viên có bước tăng vốn rất mạnh (từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng), gắn với cộng đồng doanh nghiệp ở góc nhìn trên, Tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu cho rằng các ngân hàng cũng đã có một sự chia sẻ lớn, khi cách đây khoảng 4 - 5 năm tỷ lệ lãi biên có được khoảng 4,5%, nhưng hiện đã thu hẹp còn hơn 2,5%. “Nếu tỷ lệ này tiếp tục thu hẹp nữa thì các ngân hàng phải đối mặt với vấn đề quản trị rủi ro”, bà Thu nói.

Nếu nhìn ở khía cạnh phân tích cơ bản, năm 2010 khá nhiều ngân hàng thương mại có chỉ số ROE (chỉ số cho thấy khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông phổ thông) chỉ ở mức thấp, từ 11% - 15%, thấp hơn lãi vay ngân hàng. Hay ở góc độ lợi ích họ tạo được cho cổ đông, phần lớn cũng chỉ có từ 14% - 16% tỷ lệ cổ tức, rất ít thành viên có được trên 20%.

Hay ở một góc nhìn trực quan, ngân hàng là một ngành thâm dụng lao động, mỗi thành viên nhỏ cũng có cả nghìn cán bộ công nhân viên, những thành viên lớn như khối quốc doanh có trên chục nghìn người. Nếu “bổ” theo đầu người sẽ cho thêm góc nhìn lớn hay không về lợi nhuận…

Đặt ở áp lực với cổ đông, với quy mô vốn và nhân sự, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Và kết quả lợi nhuận những năm từ 2008 đến nay, tại nhiều thành viên hẳn chưa có được sự hài lòng.