17:53 20/02/2008

Ngân hàng Nhà nước: Tăng lãi suất là… phù hợp

Minh Đức

Đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 20/2 trước tình trạng khan vốn VND và căng thẳng lãi suất trên thị trường

Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng ổn định - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng ổn định - Ảnh: Việt Tuấn.
Đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 20/2 trước tình trạng khan vốn VND và căng thẳng lãi suất trên thị trường.

Cuối năm 2007 đầu 2008, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt triển khai các giải pháp thắt chặt tiền tệ như tăng dự trữ bắt buộc, tăng các lãi suất chủ chốt, khống chế cho vay đầu tư chứng khoán, phát hành tín phiếu bắt buộc…

Sau hai tháng và hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nhận định những biện pháp trên đã tác động giúp cho thị trường tiền tệ tương đối ổn định, khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng được đảm bảo an toàn; các chỉ tiêu tiền tệ tiếp tục tăng trưởng phù hợp với yêu cầu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Trước diễn biến lãi suất căng thẳng trên thị trường, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đột biến, đặc biệt từ đầu tuần này, nhiều ngân hàng hạn chế cho vay ra…, nhà điều hành chính sách tiền tệ vẫn khẳng định: “Khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng được đảm bảo an toàn”.

Cụ thể, hiện có hai ngân hàng thương mại quốc doanh đang thừa vốn khả dụng là Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL; ba ngân hàng khác đảm bảo đủ vốn để thanh toán là Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công thương.

Với khối cổ phần, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tất cả các thành viên vẫn đảm bảo thanh toán. Một số thành viên thiếu hụt vốn tạm thời, đi vay trên thị trường liên ngân hàng và tham gia đấu thầu vốn trên thị trường mở để bổ sung vốn, tăng lượng huy động vốn từ thị trường, điều chỉnh cơ cấu và hạn chế tín dụng nên đáp ứng được khả năng thanh toán.

Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, liên doanh và các tổ chức tín dụng khác vẫn đảm bảo khả năng thanh toán và có dư thừa vốn huy động tạm thời.

Tuy nhiên, trong tài liệu cung cấp cho báo chí, Ngân hàng Nhà nước không đề cập đến nguồn cung vốn trên thị trường liên ngân hàng rất hạn chế, cũng như thực trạng ngừng và cho vay nhỏ giọt tại nhiều thành viên.

Về cuộc đua lãi suất đột biến từ cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước nhận định là phù hợp với các định hướng và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (không để lãi suất âm và có chính sách khác hàng để áp dụng lãi suất cho vay sao cho phù hợp với đặc thù của từng ngân hàng). Lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn khoảng 0,2 – 1%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay chưa tăng lên, nhưng một số trường hợp đã điều chỉnh tăng cục bộ đối với một số đối tượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất nhiều ngân hàng cổ phần đã có bước tăng trên 1%/năm, thậm chí trên 2% và dự báo chưa dừng lại khi một số kế hoạch điều chỉnh nối tiếp đã được thông qua để kịp ban hành vào ngày 21/2.

Trên thị trường liên ngân hàng, biến động lãi suất hiện nay cũng được cơ quan này nhận định là phù hợp với tính quy luật hàng năm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã can thiệp hỗ trợ kịp thời nên các ngân hàng đều đảm bảo khả năng thanh toán, lãi suất có xu hướng ổn định.

Hiện lãi suất trên thị trường liên ngân hàng dao động ở mức dưới 15%, cá biệt trên địa bàn Tp.HCM, một số ngân hàng cổ phần có treo giá vay ở mức cao (30%), nhưng không thực hiện vay.

Trong ngày 20/2, lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng chính thức đặt đỉnh 12% ở kỳ hạn 1 tháng của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank). Một số nguồn tin dự báo, ngay ngày mai (21/9), đỉnh cao đó sẽ bị thay thế.