10:47 21/01/2010

Ngân hàng tăng vốn và áp lực tỷ suất lợi nhuận

Nam Lê

Có ngân hàng chỉ trong vòng một năm (từ tháng 1/2009 đến tháng 1/2010) điều chỉnh vốn điều lệ tới hai lần

Năm 2009 có thể coi là một năm thành công của các ngân hàng, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
Năm 2009 có thể coi là một năm thành công của các ngân hàng, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
Tỷ suất lợi nhuận luôn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng.

Tuy nhiên, trước sự “đôn đốc” từ phía cơ quan quản lý về lộ trình tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, đã xuất hiện những lo ngại về hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng.

Tăng vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh

Năm 2009 có thể coi là một năm thành công của các ngân hàng, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Hầu hết các ngân hàng đều công bố đạt mức lợi nhuận vượt kế hoạch, ít thì vài trăm tỷ, nhiều cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, việc các ngân hàng có tiếp tục duy trì được hiệu quả kinh doanh trong năm 2010 đang là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, trong quá trình phát triển của một ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ là tất yếu nhằm phục vụ cho mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển mạng lưới, đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ và đứng vững hơn trước những rủi ro. “Những ngân hàng lớn hàng đầu trên thế giới với vốn điều lệ hàng chục, hàng trăm tỷ USD trong quá trình hoạt động của mình cũng phải trải qua rất nhiều lần tăng vốn mới đạt được quy mô như vậy”, ông này cho biết.

Thực tế này cũng được Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Phạm Huy Hùng công bố qua số liệu tổng kết của VNBA: nếu như vào thời điểm năm 1994, vốn điều lệ của ngân hàng thương mại lớn nhất là 400 tỷ đồng, của ngân hàng nhỏ nhất là 300 triệu đồng, thì đến nay vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước tăng 31 lần; 7 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng; 18 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng; các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại vốn điều lệ đạt 1.000 tỷ đồng và hầu hết các tổ chức tín dụng hiện đang trong quá trình tiếp tục thực hiện việc tăng vốn.

Tuy nhiên, ngoài nhu cầu phát triển của bản thân ngân hàng, việc tăng vốn còn được thực hiện bởi một lý do khác là quy định từ lộ trình của Chính phủ tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP và văn bản “đôn đốc” mới đây của Ngân hàng Nhà nước.

Theo một chuyên gia tài chính, nếu việc tăng vốn được thực hiện do nhu cầu phát triển của bản thân ngân hàng, thì ngân hàng sẽ phải tính toán rất kỹ bài toán tăng vốn trên hai khía cạnh: làm sao để vừa thực hiện thành công, vừa đảm bảo lợi tức cho các cổ đông trên cơ sở tính khả thi của phương án phát hành và phương án sử dụng vốn.

Tuy nhiên, trong trường hợp phải thực hiện theo quy định, rõ ràng, ngân hàng ở vào thế bị động và tính khả thi của phương án phát hành cũng như phương án sử dụng vốn sẽ khó “vẹn cả đôi đường”.

Không dễ đảm bảo hiệu quả

Dẫn chứng được vị chuyên gia trên đưa ra là có ngân hàng chỉ trong vòng một năm (từ tháng 1/2009 đến tháng 1/2010) điều chỉnh vốn điều lệ tới hai lần: từ 553 tỷ đồng lên 1.133 tỷ đồng, rồi tới 3.399 tỷ đồng.

“Hiệu quả kinh doanh đã thấp như vậy, thử hỏi khi vốn điều lệ tăng đến 6 lần thì chỉ riêng việc giữ được hiệu quả như cũ đã là cả một bài toán khó chứ chưa nói đến việc tăng hiệu quả”, vị chuyên gia này bình luận về trường hợp trên.

Còn đối với các ngân hàng có vốn điều lệ trong khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng, nếu thực hiện đúng quy định, chỉ trong vòng 1 năm, vốn điều lệ của các ngân hàng này sẽ phải tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp 3 lần hiện nay. Với kết quả kinh doanh năm 2009 đã được công bố, các ngân hàng này sẽ phải cực kỳ nỗ lực, hay có thể nói là phải tạo ra đột biến lớn nếu muốn giữ được hiệu quả.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, đây là “nhiệm vụ bất khả thi”. “Bởi tăng vốn thành công đã khó, nhưng làm thế nào để có phương án sử dụng vốn hiệu quả còn khó hơn. Hầu hết các phương án sử dụng vốn đều bao gồm việc đầu tư mở rộng mạng lưới, đầu tư vào trang thiết bị, hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào các loại giấy tờ có giá... mà đây lại là những khoản đầu tư không thể phát huy hiệu quả trong ngắn hạn”, vị chuyên gia nói trên nhận định.

Đó là còn chưa kể những khó khăn khác đang chờ đợi các ngân hàng trong năm 2010 khi mà mức tăng trưởng tín dụng gần như chắc chắn bị khống chế ở mức 25%, tình trạng “bí” thanh khoản vẫn đang tiếp diễn, Chính phủ chuyển sang mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô...

“Đây sẽ là “liều thuốc thử” cho những người “chèo lái” các con thuyền mang tên ngân hàng mà tiêu chí để xác định thành công chính là hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2010”, tổng giám đốc một ngân hàng lớn đánh giá.