11:51 24/09/2010

Ngân hàng thích cho vay tiêu dùng hơn sản xuất

Trong điều kiện không được dư dả thanh khoản, nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng vay theo hình thức vay tiêu dùng

Do huy động vốn gặp khó khăn, các ngân hàng cố gắng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn lãi suất cho vay kinh doanh - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Do huy động vốn gặp khó khăn, các ngân hàng cố gắng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn lãi suất cho vay kinh doanh - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Trong điều kiện không được dư dả thanh khoản, nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng vay theo hình thức vay tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hải Sơn, chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe hơi tại Hà Nội đang phải tính lại bài toán hoàn vốn nếu vay tiền mua xe hơi theo lãi suất cho vay tiêu dùng.

Doanh nghiệp của ông có năm xe cho thuê và nay ông muốn dùng ngay ba chiếc xe dự tính mua thế chấp cho ngân hàng để trả tiền cho người bán. Ông Sơn cho biết đã trình bày dự án vay vốn này cho ba ngân hàng nhưng không đạt được ý định.

Vay tiêu dùng sẽ không hạn chế giải ngân

Tại Sacombank, ông Sơn được nhân viên tín dụng cho biết, nếu vay để kinh doanh thì ngân hàng chỉ hỗ trợ 50% giá trị xe. Nhân viên tín dụng cho biết thêm, hiện ngân hàng khuyến khích cho vay tiêu dùng, nếu tài sản đảm bảo tốt, có thể được vay tới 90% giá trị xe.

Để vay được mức lãi suất 13,5%/năm thì doanh nghiệp của ông Sơn không thể đủ vốn mở rộng việc kinh doanh, còn chấp nhận vay tiêu dùng với lãi suất 16% mỗi năm, chủ doanh nghiệp không biết bao giờ mới hoàn vốn để có thể hạch toán lãi.

Gõ cửa Ngân hàng Quân đội, ông Sơn cũng nhận được thông tin tương tự. Còn Ngân hàng Gia Định cho vay tới 70% giá trị xe, nhưng lãi suất 16%/năm, nếu vay dài hạn, còn vay ngắn hạn thấp hơn mức này 1%. Lãi suất cho vay tiêu dùng ở đây lên tới 18%/năm.

Ông Sơn chỉ là một trong số những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng để kinh doanh, nhưng lại được khuyến khích vay tiêu dùng. Nguyên nhân là do ngân hàng không thể đẩy lãi suất cho vay kinh doanh lên cao, chỉ quanh quẩn ở mức 13,5-15%/năm, còn cho vay tiêu dùng thì lãi suất dao động quanh mức 16- 18%/năm.

Áp lực từ nguồn vốn huy động

Giải thích hiện tượng này, ông Trần Xuân Quảng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt cho biết, trong điều kiện nguồn vốn không được dư dả lắm thì việc lựa chọn đối tượng nào cho vay để mang lại hiệu quả nhất cũng là một vấn đề. Cho vay doanh nghiệp thì áp lực cạnh tranh rất lớn giữa các ngân hàng, nhất là những doanh nghiệp tốt.

Hơn nữa, với điều kiện kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, điều kiện cho vay cũng theo đó mà khó hơn, doanh nghiệp tiếp cận cũng khó khăn hơn. Trong khi cho vay tiêu dùng lại an tâm hơn khi người vay thường có tài sản thế chấp tốt hơn và lãi suất cho vay cũng cao hơn.

Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp.HCM cho biết, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tính đến cuối tháng 8 đạt khoảng 620.000 tỉ đồng. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt 32.035 tỉ đồng, bằng 5,2% tổng dư nợ.

Trên thực tế, huy động vốn của các ngân hàng từ khu vực dân cư, tổ chức kinh tế đang gặp khó khăn. Hiện lãi suất huy động phổ biến vẫn 11,2%. Vì vậy, để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận năm, nhiều ngân hàng đã cố gắng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn lãi suất cho vay kinh doanh.

Tuy nhiên, nỗ lực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng không đạt hiệu quả cho lắm khi lãi suất vẫn còn ở mức cao. Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu cho biết, do lãi suất cao nên đa số khách hàng đều hoãn nhu cầu mua sắm, vì vậy so với tháng trước, tín dụng tiêu dùng tăng chẳng được bao nhiêu, khoảng 1%.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách vĩ mô, Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận, việc làm khó các doanh nghiệp nhỏ, chủ doanh nghiệp kinh doanh cá thể trong việc vay vốn kinh doanh cũng dễ hiểu. Bởi những doanh nghiệp này không cần nhiều vốn, hơn nữa khó có thể phân biệt được nhu cầu vay tiêu dùng và kinh doanh ở những doanh nghiệp này.

Minh Huệ (SGTT)