14:41 03/11/2015

Ngân hàng yếu đã được tiếp cận vốn xử lý nợ xấu

Hoàng Vũ

Điều kiện “không bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt” đã được gỡ bỏ

Trước đây, với Thông tư số 20, việc tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt 
VAMC được áp dụng cho các tổ chức tín dụng không bị đặt vào tình trạng 
kiểm soát đặc biệt.
Trước đây, với Thông tư số 20, việc tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt VAMC được áp dụng cho các tổ chức tín dụng không bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 18/2015/TT-NHNN thay thế Thông tư số 20/2013/TT-NHNN quy định cơ chế tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Về cơ bản, mục đích, cơ sở để thực hiện tái cấp vốn qua kênh này không thay đổi so với cơ chế cũ ở Thông tư 20, nhưng có điều chỉnh chính yếu ở phạm vi đối tượng.

Cụ thể, mục đích của thông tư vừa ban hành được Ngân hàng Nhà nước nói cụ thể: tái cấp vốn nhằm hỗ trợ nguồn vốn hoạt động của tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu.

Điểm chính nằm ở quy định về điều kiện tái cấp vốn. Với thông tư mới, các ngân hàng yếu kém thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt đã được mở cơ hội tiếp cận nguồn vốn này.

Trước đây, với Thông tư số 20, việc tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt VAMC được áp dụng cho các tổ chức tín dụng không bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Nay, với Thông tư 18, điều kiện “không bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt” đã được gỡ bỏ.

Theo đó, các ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt sẽ được vay tái cấp vốn nếu sở hữu trái phiếu đặc biệt của VAMC. Họ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn cần thiết để thêm nguồn lực khắc phục khó khăn, nhất là khi một nguồn vốn lớn ở nhóm này đang kẹt ở nợ xấu.

Với cơ chế mở trên, Thông tư 18 cũng có thêm quy định về xác định hạn mức tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt; hạn mức có thể lên tới 100% tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt, trong khi các tổ chức tín dụng bình thường có giới hạn tối đa là 70%.

Như vậy, ba ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần bắt buộc với giá 0 đồng vừa qua, cùng Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, có cơ hội để được tái tạo lại một phần nguồn vốn từ nợ xấu, thêm nguồn lực để có thể phục hồi hoạt động kinh doanh.

Nguồn vốn cùng hạn mức có thể được tái cấp vốn nói trên là đáng kể, xét cả về chi phí lãi suất. Lãi suất tái cấp vốn ở đây sẽ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ, thấp hơn không quá 2% so với lãi suất tái cấp vốn thông thường (hiện có thể được 4,5%/năm).

Mở cơ chế và mức lãi suất khá dễ chịu đó, ngoài hỗ trợ các ngân hàng khó khăn, còn gián tiếp giúp bình ổn mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện nay. Như vừa qua, sau khi được nới một phần kiểm soát, DongA Bank đã được tăng lãi suất huy động, với những điều chỉnh khá mạnh.

Ở quy mô chung, tính đến 30/9/2015, VAMC đã phát hành tới 191.333 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt. Theo đó, lượng vốn có thể tái tạo qua tái cấp vốn ở kênh này có thể lên đến 134.000 tỷ đồng; dĩ nhiên sẽ được Ngân hàng Nhà nước rải ra một cách thận trọng như việc thực hiện tái cấp vốn thời gian qua.

Thực ra, những quy định mới trong Thông tư 18 là sự cụ thể hóa những quy định đã có trong Nghị định số 34 của Chính phủ ban hành hồi tháng 5/2015. Nay, Thông tư 18 ra đời, với thay đổi trên và có hiệu lực từ 10/12/2015, là sự cần thiết đúng lúc, khi mùa cao điểm chi trả cuối năm của các ngân hàng thương mại đến.

Về mục đích, thông tư nêu rõ là hỗ trợ nguồn vốn trong quá trình xử lý nợ xấu. Nhưng đây là nguồn tiền cung ứng, qua tái cấp vốn, có vay có trả, không phải tiền từ ngân sách. Cho đến nay, việc xử lý hoặc hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng vẫn chưa dùng đến (hoặc được dùng đến) một đồng nào của ngân sách.