14:21 08/08/2011

Nghịch lý tín dụng: Kẻ ăn không hết, người lần không ra!

Nguyễn Hoài

Đáng lẽ, phải lo lắng tốc độ tăng tín dụng bùng nổ làm vỡ mục tiêu 20%, thì nay phải “phấn đấu” thì may ra mới đạt chỉ tiêu này

Nếu không nhanh chóng điều chỉnh thì nỗi lo của Ngân hàng Nhà nước không phải là tín dụng tăng quá mà là nền kinh tế bị khô máu do tín dụng tăng không đủ 20% như mục tiêu - Ảnh: Getty.
Nếu không nhanh chóng điều chỉnh thì nỗi lo của Ngân hàng Nhà nước không phải là tín dụng tăng quá mà là nền kinh tế bị khô máu do tín dụng tăng không đủ 20% như mục tiêu - Ảnh: Getty.
Đáng lẽ, phải lo lắng tốc độ tăng tín dụng bùng nổ làm vỡ mục tiêu 20%, thì nay phải “phấn đấu” thì may ra mới đạt chỉ tiêu này. Chuyện tưởng như rất hài hước lại đang là thực tế trong đời sống tín dụng hiện nay.

Theo phản ánh ở một số ngân hàng thương mại cổ phần, mặc dù đang dư dả nguồn vốn, nhu cầu vay vẫn nhiều và tập trung vào nhóm khách hàng khá an toàn nhưng họ không thể đẩy vốn ra do vướng trần tăng trưởng tín dụng 20%.

Mặt trái

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tính toán: khi Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay là 20% thì con số tuyệt đối tương đương 461 nghìn tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2011, toàn hệ thống mới “xài” trên 7% của “room”, tức khoảng 165 nghìn tỷ đồng. Như thế, dư địa tăng tín dụng từ nay đến hết năm vẫn còn gần 13%, tương ứng 300 nghìn tỷ đồng.

Nhìn vào con số này, từ cơ quan quản lý đến các nhà hoạch định chính sách đều chắc mẩm nền kinh tế vẫn được tiếp “máu”, lạm phát vẫn được kiềm chế, mọi mục tiêu đặt ra đang nằm trong tầm kiểm soát.

Thế nhưng, sự thực không đơn giản như vậy. Qua tìm hiểu của người viết, trong số 4 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống hiện nay (chiếm khoảng 50% thị phần) thì có tới 3 đơn vị gần như không còn khả năng cho vay ra do các nguyên nhân sau.

Một là, về mặt kỹ thuật, cân đối nguồn của họ đang có vấn đề. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước quy định huy động 10 đồng chỉ được cho vay 8 đồng thì thực tế, họ huy động được 8 đồng, cho vay tới 9 hoặc 10 đồng. Thậm chí, một đơn vị lớn nhất nhì hệ thống đang lâm vào tình trạng trên và phải lấy vốn trên thị trường 2 đẩy vào thị trường 1.

Một nguồn tin cho biết, trên bảng cân đối mới đây của ngân hàng này như sau: huy động được 450 nghìn tỷ đồng nhưng cho vay 423 nghìn tỷ đồng. Đáng lo là ngân hàng này chỉ huy động ở thị trường 1 hơn 300 nghìn tỷ đồng và như thế, họ đã sử dụng khoảng 123 nghìn tỷ đồng ở thị trường 2 cho vay ra thị trường 1. Thực tế này trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Hai là, việc huy động vốn từ dân cư của họ rất khó khăn. Có ngân hàng vì trót tuyên bố “không đi đêm lãi suất, tiên phong thực hiện lãi suất huy động 14% như quy định của Ngân hàng Nhà nước nên nguồn vốn càng thiếu trầm trọng.

Lãnh đạo một ban (đề nghị giấu tên) của ngân hàng này cho biết: “Năm nay, ngân hàng chị cầm chắc không thể tăng trưởng tín dụng ở mức 20%. Muốn cho vay thì phải huy động được, trong khi giá đầu vào căng thẳng, ngân hàng không thể huy động bằng mọi giá, cộng với nguồn vốn bị chảy máu nên chỉ tiêu 20% đành để đó!”.

Trong khi những “ông khổng lồ” có nguy cơ ngã kềnh vì thiếu nguồn thì một nghịch lý khác đang xuất hiện. Không ít đơn vị trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần mặc dù cân đối thanh khoản tốt, nguồn vốn dư dật nhưng do “room” tín dụng ngấp nghé 20% và sắp bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” nên họ và doanh nghiệp đành nhìn nhau ngó lơ!

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần “hiến kế”: “Vấn đề cấp bách đối với những ngân hàng lớn lúc này là phải thu vốn ngắn hạn về. Làm như vậy là để một mặt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật “huy động 10 đồng cho vay 8 đồng” của Ngân hàng Nhà nước thay vì huy động 8 đồng cho vay tới 9 - 10 đồng như hiện nay để đảm bảo khả năng thanh khoản. Hơn nữa, đó còn góp phần mở rộng thêm dư địa cho các ngân hàng dư dả nguồn vốn cày bừa”.

Nên “mấp mô”?

Đứng trước thực tế này, trước đây, một số ngân hàng dư vốn đã nhanh chân thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành trái phiếu công ty mà bản chất là đẩy tín dụng ra. Tuy nhiên, “chiêu” này hiện không còn hữu dụng vì sắp tới, có nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xếp chúng vào khoản mục tín dụng.

Một lựa chọn khác là mua trái phiếu Chính phủ nhưng lãi suất trái phiếu Chính phủ quá thấp so với lãi suất thị trường và lạm phát, ngân hàng khó cân đối lời lãi nên không hào hứng với thứ hàng hóa này.

Đáng lưu ý, hiện có rất nhiều doanh nghiệp là khách hàng lâu năm của ngân hàng sẵn sàng chấp nhận giá vốn từ 20% - 22%/năm; trong đó, có nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng thiếu vốn nên sẵn sàng giảm lãi để được vay tiếp.
Một số khác gặp khó khăn nhưng nếu dừng sản xuất sẽ bị phá sản nên rất cần vốn để duy trì hoạt động và chờ thời cơ phục hồi.

Cán bộ kinh doanh vốn ở một ngân hàng than thở: “Chúng tôi rất muốn cho vay nhưng vì rào cản nên ngân hàng và doanh nghiệp chỉ biết nhìn nhau”.

Xuất phát từ thực tế “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, có ý kiến rằng, đối với những đơn vị không thể cho vay ra nhưng hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn còn thì nên thu hẹp hạn mức của họ để lấy thêm “dư địa” cho những ngân hàng có khả năng cho vay ra nền kinh tế. “Không nên cào bằng, phải có mấp mô thì nền kinh tế mới ngốn hết được khoảng 300 nghìn tỷ đồng tín dụng từ này đến cuối năm”, giám đốc kinh doanh nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần nói.

Theo vị này, những ngân hàng dư vốn khả dụng hiện nay chiếm thị phần không lớn và dù có cho họ thêm chỉ tiêu thì vẫn nằm trong giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% của năm nay, không ảnh hưởng đến kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, đối với những ngân hàng lớn “thừa đất nhưng thiếu trâu cày” thì trước hết, cần yêu cầu họ đảm bảo chỉ số kỹ thuật huy động/cho vay theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc thu nợ các khoản vay ngắn hạn. Nhờ đó, không gian tín dụng còn lại của năm nay sẽ lớn hơn con số tạm xác định hiện nay khoảng 13% để các ngân hàng dư vốn đẩy tín dụng ra nền kinh tế.

Với mong muốn thông tin nhiều chiều, người viết mang ý kiến này hỏi giám đốc khối một ngân hàng thương mại nhà nước, vị này giẫy lên như “đỉa phải vôi”: “Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, không dám lách trần lãi suất 14% nên chuyện thiếu nguồn vốn là khó  tránh. Nay, nếu hạ chỉ tiêu tăng tín dụng xuống thì chúng tôi thiệt đơn thiệt kép à?”.

Điều ông này nói không phải không có lý. Sau khi trần lãi suất huy động 14%/năm được Ngân hàng Nhà nước xác lập, lãnh đạo Vietcombank, BIDV đều tuyên bố “không đi đêm lãi suất”. Một thời gian dài, hai ngân hàng này vừa rất khó huy động, vừa bị chảy máu vốn, trong khi kênh giao dịch OMO bị thu hẹp nên hoạt động rất chật vật. Đến nỗi, có thời điểm, lãnh đạo Vietcombank phải kêu với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: “Nếu kéo dài tình trạng này thêm một tuần, thanh khoản Vietcombank sẽ bị đe dọa”.

Nay, sự thể đến mức như vậy, hành xử theo hướng nào cũng khó hài hòa lợi ích cho bên này hay bên kia. Vì thế, nếu không nhanh chóng điều chỉnh thì nỗi lo của Ngân hàng Nhà nước không phải là tín dụng tăng quá mà là nền kinh tế bị khô máu do tín dụng tăng không đủ 20% như mục tiêu.