10:24 16/04/2008

Người Việt giữ bao nhiêu vàng?

Ước có khoảng 600 tấn vàng đã được nhập vào Việt Nam. Trong số đó chỉ có một phần nhỏ gửi lại ngân hàng và “vượt biên”

Số vàng đã nhập vào Việt Nam khoảng 600 tấn. Số vàng này đang ở đâu?
Số vàng đã nhập vào Việt Nam khoảng 600 tấn. Số vàng này đang ở đâu?
Ước có khoảng 600 tấn vàng đã được nhập vào Việt Nam. Trong số đó chỉ có một phần nhỏ gửi lại ngân hàng và “vượt biên”. Còn lại người dân giữ bao nhiêu?

Những tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khoảng 50 tấn vàng. Bình quân mỗi tấn là 30 triệu USD thì đã có 1,5 tỉ USD được chi ra để nhập vàng. Những năm trước, số vàng đã nhập cũng không kém.

Cũng trong những tháng đầu năm 2008, đã có gần 40 tấn vàng được dập thành trên 1 triệu lượng vàng SJC tung ra thị trường.

Số vàng đã nhập trị giá 18 tỉ USD?

Những tháng đầu năm được coi là mùa nhập vàng khi giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới. Chỉ trong quí 1/2008, đã có 40 tấn vàng được nhập về. Những ngày đầu tháng 4/2008, lại có thêm gần 10 tấn vàng được nhập.

Hoạt động nhập khẩu vàng tại Việt Nam diễn ra không liên tục, có nhập chính thức và nhập lậu nên không có số thống kê chính thức. Một số chuyên gia tạm căn cứ vào số lượng vàng SJC đã được đưa ra thị trường để ước lượng số vàng đã nhập vào Việt Nam.

Theo thống kê chính thức của SJC, từ khi thương hiệu này ra đời năm 1988, đến nay đã có 11 triệu lượng vàng miếng SJC được đưa ra thị trường. Cứ 1 triệu lượng vàng miếng tương đương 37,5 tấn vàng, như vậy số vàng SJC đã đưa vào thị trường tương đương 410 tấn. Tính theo giá vàng thế giới ở thời điểm hiện nay, số vàng SJC này trị giá khoảng 12,3 tỉ USD.

Ngoài ra còn có một lượng vàng được nhập về để chế tác thành nữ trang. Hiện có hai luồng ý kiến về số vàng này. Có ý kiến cho rằng có khoảng 200 tấn được dùng để chế tác thành nữ trang. Số khác cho rằng chỉ khoảng 100 tấn. Cũng có ý kiến cho rằng cộng cả lượng vàng miếng của các thương hiệu khác ngoài SJC và vàng chế tác nữ trang, ước khoảng 200 tấn.

Nếu theo con số này, cộng với trên 400 tấn vàng miếng SJC thì số vàng đã nhập vào Việt Nam ước khoảng 600 tấn, theo giá hiện hành khoảng 18 tỉ USD (288.000 tỉ đồng).

Vàng đang ở đâu?

Đây cũng là một ẩn số. Theo một thành viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hiện các ngân hàng có huy động vốn bằng vàng cũng chỉ thu hút được 1-1,5 triệu lượng vàng miếng, số còn lại chủ yếu nằm trong dân.

Mặc dù các ngân hàng rất linh hoạt trong huy động vàng nhưng cũng chưa thể kéo người dân gửi vàng vì vốn dĩ người dân mua vàng là để cất giữ và bảo toàn vốn, không nhằm mục đích kinh doanh.

Nhưng nhiều ngân hàng và các công ty kinh doanh vàng cho rằng một lượng lớn vàng nhập vào Việt Nam dù đã được dập ra vàng miếng SJC nhưng sau đó lại được “nấu chảy” và “trôi” qua biên giới. Vàng lại “vượt biên” trong những trường hợp giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, cũng không có số liệu có bao nhiêu vàng đã “vượt biên”. Giả sử số vàng đã “vượt biên” là 100 tấn thì vẫn còn ở trong nước khoảng 500 tấn, theo giá hiện hành khoảng 15 tỉ USD (240.000 tỉ đồng).

Một số chuyên gia cho rằng phần lớn vàng đang nằm ở các tỉnh, vì người dân ở khu vực này chưa quen giữ USD, họ vẫn thích giữ vàng, vừa làm trang sức vừa làm của.

Dân có còn mê vàng?

Tại quầy thu chi vàng của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chật kín khách hàng ngồi chờ giao dịch. Chị Lê Thị Ngọc - chủ cửa hàng ăn tại quận 2, Tp.HCM - cho biết tranh thủ khi giá vàng xuống còn 18 triệu đồng/lượng, chị bán 20.000 USD của người chị ở nước ngoài mới chuyển về để mua vàng và gửi tiết kiệm kỳ hạn ba tháng, lãi suất 2,6%/năm.

“Tôi đã tìm hiểu lãi suất của nhiều ngân hàng và chỉ thấy Eximbank và Việt Á có lãi suất hấp dẫn”, chị nói. Chị cho biết vẫn quen giữ USD và vàng nhưng do USD rớt giá còn vàng tăng quá mạnh nên chọn giữ vàng.

Bà Trương Thị Quỳnh Giang, một cán bộ hưu trí ở quận Bình Thạnh, Tp.HCM, đang đợi nhận sổ tiết kiệm vàng, cũng cho biết: “Trước đây tiền lương hưu trí hằng tháng cộng với tiền trợ cấp của con cái tôi ở nước ngoài gửi về đều được qui đổi sang tiền đồng gửi tiết kiệm, nhưng do lạm phát cao nên đã chọn gửi tiết kiệm vàng”.

Không chỉ gửi tiết kiệm bằng vàng, hiện nay hình thức chơi hụi bằng vàng cũng vẫn tồn tại. Chị Thu Thảo, nhân viên kế toán một trường đại học ở TP.HCM, cho biết ở xóm nhà chị năm hộ cùng chơi hụi bằng vàng, hằng tháng mỗi người đóng tiền đồng đủ để có thể mua 1 chỉ vàng, người nào cần có nhu cầu vàng trước thì hốt hụi trước và sau đó phải đóng lại đủ cho người khác.

Theo một cán bộ phòng quĩ của Eximbank, gửi vàng không có lợi bằng VND và USD, nhưng vẫn có nhiều người chọn vì họ cho rằng vàng luôn là phương tiện cất giữ an toàn nhất.

Hiện một số ngân hàng như SCB, VP Bank, OCB... có hình thức gửi tiết kiệm VND bảo đảm bằng vàng. Theo đó, khách hàng gửi tiền bằng VND, ngân hàng sẽ qui đổi số tiền gửi ra tương đương vàng SJC. Nếu giá vàng SJC tại thời điểm đến hạn cao hơn giá vàng tại thời điểm gửi thì ngân hàng sẽ bù phần chênh lệch. Ngược lại, nếu giá vàng SJC tại thời điểm đáo hạn thấp hơn tại thời điểm gửi, người gửi được nhận đủ số vốn gốc đã gửi ban đầu.

Hai giai đoạn nhập vàng

Hoạt động nhập khẩu vàng của Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là trong những năm 1990. Phải đến đầu năm 1990, khi Việt Nam có dư dả ngoại tệ và trong nước liên tục bị những cơn sốt nóng lạnh về giá vàng, từ năm 1992 vàng đã được cho nhập khẩu trở lại.

Nhưng việc nhập vàng chỉ kéo dài đến năm 1997 thì bị ngưng với lý do... tốn quá nhiều ngoại tệ. Số vàng được nhập trong thời gian này không nhiều. Sau lệnh ngưng này, vàng chủ yếu được nhập lậu qua biên giới Tây Nam, nguồn ngoại tệ nhập lậu vàng chủ yếu là USD tiền mặt tại thị trường tự do.

Vì vậy, ở thời điểm đó, giá vàng luôn làm giá USD tiền mặt tại thị trường tự do sốt nóng lạnh mỗi khi có nhu cầu gom USD để nhập lậu vàng.

Mãi đến năm 2001, vàng mới được cho nhập khẩu trở lại bình thường, nhờ vậy những cơn sốt nóng lạnh của giá USD theo giá vàng cũng “biến đi”. Năm đầu tiên nhập vàng, số vàng nhập ước khoảng 10 tấn. Các năm sau tăng dần: năm 2006 ước khoảng 64 tấn, năm 2007 khoảng 60 tấn...

Thế nhưng vẫn chưa có được những con số chính xác về lượng vàng nhập vào Việt Nam. Ngay những thành viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đưa ra những con số khác nhau.