01:31 09/08/2010

Nhiều ngân hàng sẽ không kịp nâng tỷ lệ an toàn vốn?

Minh Đức

Nhiều ngân hàng cho biết không thể thực hiện yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% đúng hạn

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa để các ngân hàng thực hiện nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% - Ảnh: Reuters.
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa để các ngân hàng thực hiện nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% - Ảnh: Reuters.
Nhiều ngân hàng cho biết không thể thực hiện yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% đúng hạn mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Ngày 20/5/2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thông tư này thay thế Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN và một số văn bản liên quan của Ngân hàng Nhà nước.

Một quy định mới quan trọng trong thông tư trên, theo Điều 4, là các tổ chức tín dụng, trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro của tổ chức tín dụng (tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ).

Cũng theo Điều 4, tổ chức tín dụng phải thực hiện báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của pháp luật, ngoài việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo quy định nói trên, phải đồng thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% trên cơ sở hợp nhất vốn, tài sản của tổ chức tín dụng và công ty trực thuộc (tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất).

Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu mà các tổ chức phải đảm bảo được nâng từ 8% lên 9%. Thời điểm bắt đầu áp dụng tỷ lệ mới là từ ngày 1/10/2010.

Sau gần ba tháng ban hành Thông tư, còn chưa đầy hai tháng nữa là có hiệu lực, nhiều ngân hàng thương mại cho biết sẽ không thể thực hiện được quy định mới theo thời hạn trên.

Thông tin này được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đưa ra và có trong văn bản vừa gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, theo văn bản trên, nhiều ngân hàng cho biết không thể thực hiện được việc nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% vào thời điểm quy định mới có hiệu lực.

Nguyên do là họ phải có thời gian để điều chỉnh tài sản có rủi ro và phụ thuộc vào việc tăng vốn điều lệ của mình, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ và các ngân hàng thương mại phụ thuộc vào vốn ngân sách nhà nước cấp.

Bên lề vấn đề này, sau khi thông tư trên ban hành, thị trường chứng khoán cũng đã đón nhận những chuyển động liên quan đến việc chuẩn bị cho việc thực hiện quy định mới.

Đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo bán bớt 5 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Một trong những mục đích chính của hoạt động bán ra đó là nhằm cải thiện vốn tự có, chuẩn bị cho việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%. Mục đích này cũng được Eximbank đề cập đến trong nội dung đại hội cổ đông bất thường vừa qua.

Cũng ở trường hợp Vietcombank, việc đảm bảo tỷ lệ trên còn gặp khó khăn trong kế hoạch tăng vốn điều lệ, phải sau gần hai năm mới hiện thực, do những vướng mắc ở khâu chấp thuận của cơ quan chức năng…

Ở một trường hợp khác, mới đây Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cấp bổ sung vốn để nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. MHB theo đó có thêm điều kiện để nâng cao tỷ lệ an toàn vốn.

Tuy nhiên, như thông tin từ VNBA, nếu nhiều ngân hàng đến hạn 1/10/2010 không đảm bảo được tỷ lệ 9% thì hướng xử lý sẽ như thế nào? Dĩ nhiên khi ấn định thời điểm áp dụng, Ngân hàng Nhà nước hẳn cũng đã tính toán một lộ trình, nhưng lộ trình đó đã hoàn toàn hợp lý?

Trong văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, VNBA đề xuất xem xét giãn tiến độ thực hiện Thông tư 13 nói trên để phù hợp với thực tiễn hoạt động của các ngân hàng thương mại trong điều kiện hiện nay.