14:09 15/01/2009

Nhiều rủi ro “đốt cháy” lợi nhuận ngân hàng 2008

Minh Đức

Ít cơ hội, nhiều rủi ro trong hầu hết các kênh tạo lợi nhuận và không ngạc nhiên khi có ý kiến cho rằng không lỗ là may

Phần lớn các nhà băng phải gồng mình với chi phí huy động vốn cao, đồng nghĩa với một số ít thành viên thu lợi lớn.
Phần lớn các nhà băng phải gồng mình với chi phí huy động vốn cao, đồng nghĩa với một số ít thành viên thu lợi lớn.
Ít cơ hội, nhiều rủi ro trong hầu hết các kênh tạo lợi nhuận và không ngạc nhiên khi có ý kiến cho rằng không lỗ là may…

Các ngân hàng thương mại bắt đầu công bố con số lợi nhuận năm 2008. Phía sau những con số là một năm đầy khó khăn, mà nổi bật là những rủi ro khó lường.

Nếu vài năm trước, sau tuần đầu tiên của năm mới, phần lớn các ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố những dữ liệu ấn tượng về kết quả kinh doanh năm cũ, thì năm nay, nhiều thành viên vẫn chưa thể công bố chính thức.

Cơ hội khó nắm bắt

Một năm chật vật chung của hoạt động ngân hàng, nhưng vẫn có những cơ hội hiếm thấy để tạo được lợi nhuận lớn, và không phải thành viên nào cũng có thể nắm bắt.

Cơ hội nổi bật nhất lại nảy sinh từ trong khó khăn nổi bật nhất. Đó là một thời gian dài từ quý 2 đến đầu quý 3, căng thẳng thanh khoản và lãi suất leo thang. Phần lớn các nhà băng phải gồng mình với chi phí huy động vốn cao, đồng nghĩa với một số ít thành viên thu lợi lớn.

Khoảng thời gian lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng vọt trên 20%, 25% rồi “treo” ở mốc 43%/năm, những thành viên có vốn khả dụng dồi dào trở thành những “con thoi” đi hỗ trợ thị trường và thu lợi lớn. Lãnh đạo một ngân hàng lớn cho biết, đỉnh điểm có lúc họ cho vay ra tới 30.000 – 40.000 tỷ đồng trên thị trường này.

Nhưng đó là cơ hội chỉ dành cho số ít. Một cơ hội khác mở rộng hơn là từ biến động của lãi suất và thị trường trái phiếu, tập trung trong quý cuối năm.

Từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai loạt chính sách hỗ trợ, nới lỏng dần chính sách tiền tệ, nguồn vốn khả dụng của hệ thống được cải thiện và dư thừa. Đầu giai đoạn này, lượng vốn đó được đề cập đến con số 50.000 tỷ đồng; sau đó một số tính toán xét đến con số khoảng 100.000 tỷ đồng.

Có thuận lợi nguồn vốn nhưng tăng trưởng tín dụng liên tiếp những tháng cuối năm vẫn không có cải thiện. Thay vào đó, một số nhận định và dòng tiền trên thực tế có xu hướng “cố thủ” ở trái phiếu. Từ đây, một cơ hội đến với khá nhiều thành viên để có thể cải thiện con số lợi nhuận cả năm.

Trong quý 3, lãi suất tăng cao cũng là thời điểm giá trái phiếu giảm sâu nhất; khối đầu tư nước ngoài bán ra mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng trên thế giới. Đây cũng là thời điểm các ngân hàng có nguồn vốn dồi dào mua được trái phiếu rẻ, khi lợi suất (yield) lên tới 24%/năm. Và ngay sau đó, lãi suất bước vào những đợt cắt giảm mạnh, lợi suất giảm dần xuống còn dưới 10%/năm. Những ngân hàng “cố thủ” vốn ở trái phiếu trước đó có được một khoản lợi nhuận lớn.

So với cơ hội từ lãi suất leo thang trên thị trường liên ngân hàng nói trên, cơ hội từ trái phiếu mở rộng hơn. Nhưng một số dự báo cho rằng cơ hội đó khó lặp lại trong năm 2009.

Năm 2008, thị trường vàng bùng nổ. Đây cũng là một môi trường để các ngân hàng có thế mạnh trên thị trường này nắm bắt cơ hội sinh lời, như ACB, Eximbank, OCB... Giới đầu tư từng biết đến thông tin từ một lãnh đạo ngân hàng cổ phần hàng đầu khẳng định rằng, năm 2008, lợi nhuận từ kinh doanh vàng đã thay thế lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán.

Đây là năm sôi động nhất trong giao dịch vàng từ trước tới nay, năm mà Việt Nam có thời điểm trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu vàng hàng đầu thế giới, năm nở rộ việc lập sàn… Nhưng phần lớn các ngân hàng thương mại chưa kịp nhập cuộc thực sự ở thị trường này, nên việc cơ hội cũng chỉ có ở số ít.

Nhiều rủi ro “đốt cháy” lợi nhuận

Nếu cơ hội đến với số ít và khó năm bắt thì rủi ro lại đến với nhiều thành viên, tạo một năm lợi nhuận khác biệt so với những năm đỉnh cao vừa qua.

Trước hết, đó vẫn là sự biến động khó lường của lãi suất kéo dài gần kín cả năm. Từ dưới 10%/năm, lãi suất huy động VND vọt lên trên 19%/năm. Và ở đỉnh điểm, lãi suất cho vay tối đa bị chốt ở trần 21%/năm. Trừ các chi phí liên quan, chênh lệch lãi suất để tạo lợi nhuận bị bóp nghẹt. Đó là khó khăn chung của hệ thống, khi đa số vẫn có lợi nhuận từ tín dụng chiếm tới 60% - 70% tổng cơ cấu.

Đáng chú ý là những biến động của lãi suất và những chính sách liên quan diễn ra quá nhanh, không loại trừ khả năng nhiều thành viên không theo kịp. Thực tế là sự xáo trộn của nguồn vốn và cơ cấu thu, nhất là trong những tháng cuối năm, lãi suất giảm mạnh thúc đẩy khách hàng đảo nợ. Theo đó, năm 2008 được ghi nhận là năm có rủi ro lớn về lãi suất, ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận các nhà băng.

Ở thời điểm này, khi một số ngân hàng công bố kết quả hoạt động năm 2008, một dự báo trước đó bắt đầu hiện thực: nợ xấu có xu hướng gia tăng. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu được công bố ở mức tăng cao (từ 4,5% - 6%) lại có ở những ngân hàng vốn được đánh giá ở nhóm có hoạt động tốt nhất những năm gần đây.

Đi cùng với nợ xấu, nếu phải trích lập dự phòng đầy đủ và được kiểm toán minh bạch theo chuẩn quốc tế, dự báo số trích lập dự phòng đó sẽ đốt cháy một phần đáng kể lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2008.

Liên quan đến yêu cầu trích lập nói trên, một khoản liên quan cũng cần được xét đến là khoản dự phòng cho danh mục đầu tư chứng khoán. Trong năm 2007, thị trường chứng khoán đã đắp một phần lớn cho lợi nhuận nhiều nhiều ngân hàng, nhưng năm 2008 tình thế đã ngược lại.

Hiện hầu hết các báo cáo tài chính chưa công bố, tỷ lệ đầu tư chứng khoán vốn đã hạn chế, nhưng có thể dự tính khoản trích lập liên quan là một rủi ro nổi bật đối với lợi nhuận trong năm này.

Cùng với rủi ro từ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản “đóng băng” và sụt giá mạnh trong năm 2008 cũng là một yếu tố tác động đến lợi nhuận và tài sản của nhiều ngân hàng thương mại.

Ở một rủi ro khác, nặng về khách quan và khó lường là tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính đối với các khoản tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài của ngân hàng trong nước. Cuối tháng 9 đầu tháng 10, các ngân hàng trong nước buộc phải rút bớt tiền gửi ở nước ngoài về, gây xáo trộn và thiệt hại nhất định.

Với những thành viên có nguồn ngoại tệ dồi dào, rủi ro lãi suất cũng đã đốt cháy một phần lợi nhuận, khi lãi suất USD liên tục cắt giảm mạnh và về gần 0%; các hoạt động đầu tư ủy thác cho nước ngoài cũng bị ảnh hưởng do biến động trên thị trường thế giới…

Điểm lại, năm 2008 có nhiều rủi ro và biến động khó lường, và các ngân hàng phải trả bằng sự chia sẻ phần lợi nhuận.

Đến thời điểm này, dù chưa công bố chính thức nhưng thông tin bước đầu cho biết có một số ngân hàng không đạt được mục tiêu lợi nhuận năm này, dù mục tiêu đó đã được điều chỉnh giảm so với đầu năm; hoặc có những trường hợp chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng.

Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần còn cho rằng, trong năm đầy khó khăn này, giữ cho không lỗ cũng đã là may mắn…

*Ước tính lợi nhuận trước thuế một số ngân hàng thương mại: Vietcombank, 3.350 tỷ đồng; Eximbank: 987 tỷ đồng; DongA Bank, 701 tỷ đồng; SCB, 658 tỷ đồng; Habubank, 525 tỷ đồng… (số liệu đã công bố). Lợi nhuận đến hết tháng 11/2008 một số ngân hàng: Gia Định 41 tỷ đồng (so với 64 tỷ đồng năm 2007), Phương Đông 38 tỷ đồng (169 tỷ đồng năm 2007), Việt Á 29 tỷ đồng (147 tỷ đồng năm 2007), Nam Á chỉ 12,4 tỷ đồng (75 tỷ đồng năm 2007) và An Bình hơn 3 tỷ đồng (so với 162 tỷ đồng của năm 2007)...