12:20 13/01/2011

Nợ dưới chuẩn hiện thế nào?

Nguyễn Hoài

Đến cuối tháng 11/2010, nợ dưới chuẩn toàn ngành ngân hàng là 51.085 tỷ đồng, chiếm 2,42% tổng dư nợ toàn hệ thống

Ngân hàng Nhà nước hiện phân loại nợ theo 5 nhóm. Trong đó, nợ nhóm 3 là “nợ dưới tiêu chuẩn”, nhóm 4 là “nợ nghi ngờ” và nhóm 5 là “có khả năng mất vốn”.
Ngân hàng Nhà nước hiện phân loại nợ theo 5 nhóm. Trong đó, nợ nhóm 3 là “nợ dưới tiêu chuẩn”, nhóm 4 là “nợ nghi ngờ” và nhóm 5 là “có khả năng mất vốn”.
Số liệu từ một đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 11/2010, nợ dưới chuẩn toàn ngành ngân hàng là 51.085 tỷ đồng, chiếm 2,42% tổng dư nợ toàn hệ thống, nhưng đáng lưu ý, nợ nhóm 5 (“có khả năng mất vốn”) chiếm một nửa trong số này.

Đến 30/11/2010, dư nợ cho vay toàn hệ thống đạt 2,108 triệu tỷ VND, tăng 3,15% so với tháng trước và bình quân 11 tháng qua, mỗi tháng dư nợ tăng 2,15%.

Nếu phân loại toàn hệ thống thành 5 khối và so sánh số liệu tương đối của tháng 11 với tháng 10/2010 thì dư nợ cho vay của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng cao nhất với 4,35%, tương đương 47.998 tỷ đồng (VND tăng 4,71%; ngoại tệ tăng 2,91%).

Tương tự: khối ngân hàng thương mại liên doanh tăng 2,42%, tương đương 776 tỷ đồng (VND tăng 3,66%, ngoại tệ tăng 1,02%); khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng 2,1%, tương đương 13.958,66 tỷ đồng (VND tăng 2,1%, ngoại tệ tăng 2,06%); khối ngân hàng nước ngoài tăng 0,76%, tương ứng tăng 1.254 tỷ đồng (VND giảm 2,78%, ngoại tệ tăng 2,05%). Khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng tăng 0,44%, tương đương tăng 334 tỷ đồng (VND tăng 0,17%, ngoại tệ tăng 1,3%).

Đáng chú ý, trong khi 4 khối còn lại nợ xấu đều giảm thì khối ngân hàng thương mại cổ phần có nợ xấu tăng 5,71%, tương đương 1.130 tỷ đồng.

Cũng từ các số liệu trên, có thể thấy rằng, dư nợ ngoại tệ của tháng 11 tăng chậm hơn dư nợ nội tệ, nhưng khối ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn có mức tăng dư nợ ngoại tệ cao.

Như vậy, khi đến hạn trả nợ, những đơn vị có dư nợ ngoại tệ tăng cao không thể lơ là nếu khách hàng chây ỳ trả nợ, nhất là trong điều kiện rủi ro tỷ giá như hiện nay.

Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, tổ chức tín dụng phân loại nợ theo 5 nhóm. Trong đó, nợ nhóm 3 là “nợ dưới tiêu chuẩn”, nhóm 4 là “nợ nghi ngờ” và nhóm 5 là “có khả năng mất vốn”. Cũng theo số liệu trên thì tính đến cuối tháng 11/2010, nợ không đủ tiêu chuẩn trở lên (từ nhóm 3 đến nhóm 5) toàn ngành ngân hàng là 51.085 tỷ đồng, chiếm 2,42% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 0,16% so với tháng trước.

Phân tích cơ cấu nợ dưới chuẩn toàn hệ thống, thấy rằng, nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng gần 50%, tăng 8,7% so với tháng trước đó, trong khi nợ nhóm 3 và 4 giảm.

Đặc biệt, nợ nhóm 5 hiện đang trở thành vấn đề đau đầu với một số ngân hàng.

Từ những con số trên, một chuyên gia tài chính cho rằng, mặc dù nợ dưới chuẩn toàn ngành không cao nhưng có mấy điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, đối với vấn  đề phân loại nợ thì hiện nay ngoại trừ BIDV và một vài ngân hàng khác phân loại theo điều 7, còn phần lớn đều phân loại nợ theo điều 6. Sự khác biệt của điều 7 và 6 ở chỗ, nếu phân loại theo điều 7 thì chuẩn mực cao hơn dẫn đến nợ xấu có thể cao, còn phân loại theo điều 6 thì ngược lại.

Như vậy, các tổ chức tín dụng phải hết sức xem xét nợ xấu của mình, nhất là khi chuẩn mực phân loại mới chỉ áp dụng theo điều kiện của Việt Nam, để từ đó hướng việc phân loại nợ tiệm cận dần với thông lệ quốc tế và những đòi hỏi của nguyên tắc Basel.

Thứ hai, khối nhà nước và khối cổ phần trong hệ thống ngân hàng giữ tỷ  trọng dư nợ tín dụng rất lớn, và nếu nợ  dưới chuẩn của hai khối này giảm xuống thì tỷ  trọng nợ xấu toàn ngành sẽ giảm rất mạnh. Bởi lẽ, tính đến cuối tháng 11/2010, nợ nhóm 5 toàn ngành chỉ chiếm 1,19% tổng dư nợ và gần 50% tổng nợ dưới chuẩn, thì khối nhà nước chiếm tới 60,12% tổng nợ nhóm 5.

Còn đối với khối cổ phần thì tính đến 30/11/2010 nợ nhóm 5 chỉ chiếm 0,73% tổng dư nợ (tăng 6,19% so với tháng trước), nhưng chiếm 33,43% nợ nhóm 5 toàn ngành và có tới 38/39 đơn vị có nợ nhóm 5. Cá biệt chỉ có ngân hàng Bảo Việt không có nợ nhóm 5.

Thứ ba, trong điều kiện hiện nay, khi sức sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp chưa hoàn toàn bình phục thì việc tiếp tục đẩy mạnh tín dụng là điều mà các tổ chức tín dụng phải hết sức lưu ý. Và các cổ đông cũng nên chia sẻ những khó khăn này với ban điều hành các ngân hàng. Bởi xét đến cùng, tăng trưởng tín dụng nhưng đồng vốn không được hấp thụ như mong đợi mà lẩn khuất ở những nơi không tạo ra của cải và việc làm, thì chỉ khiến gia tăng nợ xấu mà thôi.