08:19 11/03/2009

“Núi” việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ

Kiều Oanh

Những diễn biến mới trong nền kinh tế Mỹ dường như vẫn đang “chạy trước” vị bộ trưởng này

Ông Timothy Geithner.
Ông Timothy Geithner.
Hiếm có nhà chức trách nào có ít thời gian để chống đỡ cùng lúc nhiều trụ cột của nền kinh tế như Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner lúc này.

Mới nhậm chức được 6 tuần, Geithner cùng với các cộng sự đã phải liên tục “chạy nước rút” để ra các quyết định được xem là sẽ có tác dụng định hình tương lai cho các lĩnh vực lớn của nước Mỹ như ngân hàng, bảo hiểm, địa ốc và ôtô.

Tuy Geithner vẫn đang làm việc với tốc độ chóng mặt, nhưng những diễn biến mới trong nền kinh tế Mỹ dường như vẫn đang “chạy trước” vị bộ trưởng này.

Ngổn ngang thách thức

Trước mắt Geithner lúc này là ngổn ngang những vấn đề lớn, mà vấn đề nào cũng cấp bách: cải tổ các quy định giám sát ngành tài chính, cứu ngành ngân hàng - bảo hiểm, hỗ trợ các hãng xe hơi, giúp các con nợ địa ốc…

Bản thân ông từ khi nhậm chức lúc nào cũng ở trạng tháy “xoay như chong chóng” giữa các kế hoạch lớn, những phiên điều trần trước Quốc hội, những sự kiện với Tổng thống, những cuộc đàm phán về các chương trình giải cứu mới cho những tập đoàn lớn như Citigroup, AIG, General Motors (GM)…

Theo dự kiến ban đầu, Mỹ sẽ đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc cải tổ lại toàn bộ hệ thống quy chế giám sát ngành tài chính Mỹ tại cuộc họp của nhóm G20 diễn ra tại London vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, các quan chức của chính quyền Tổng thống Barack Obama cho hay, họ sẽ hoãn lại ý định này. Mặc dù những nguyên tắc giám sát tài chính cơ bản vẫn sẽ được phía Mỹ đưa ra trong cuộc họp G20, nhưng kế hoạch sẽ không được cụ thể hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng đang trong quá trình bàn thảo để quyết định chi tiết của kế hoạch mua vào 1.000 tỷ USD tài sản xấu từ các ngân hàng của nước này. Suốt 1 tháng qua, Bộ này cũng như cá nhân ông Geithner đã chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận về việc đưa ra một kế hoạch quá mua nợ xấu quá chung chung.

Các nhà phân tích cho rằng, hiện còn quá sớm để biết được liệu ông Geithner và các cộng sự của ông sẽ làm việc hiệu quả tới đâu. Thậm chí, một số người còn lo ngại rằng những căng thẳng trong vấn đề chính trị và tài chính sẽ khiến các quan chức Bộ Tài chính Mỹ không dám đương đầu với cuộc khủng hoảng với toàn bộ quy mô của nó.

Nhiều chuyên gia tài chính ước tính rằng, các ngân hàng của Mỹ hiện nắm giữ khoảng 2.000 tỷ USD tài sản có vấn đề, phần lớn số tài sản này có liên quan tới các khoản vay địa ốc. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn lại chưa đầy 300 tỷ USD còn lại cho kế hoạch giải cứu tài chính mà chính quyền tiền nhiệm khởi xướng và Quốc hội Mỹ khó khăn lắm mới thông qua hồi năm ngoái.

Để tránh phải xin Quốc hội phê chuẩn thêm tiền, ông Geithner đang nỗ lực tìm kiếm sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các tập đoàn do Chính phủ Mỹ kiểm soát như Fannie Mae và Freddie Mac vào kế hoạch mua tài sản xấu. Nhưng lời kêu gọi này lại dẫn tới những vấn đề chính sách khác, và trong đó, có nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết.

“Khó khăn lớn của Bộ Tài chính là công chúng Mỹ không sẵn sàng chấp nhận những khoản thua lỗ khổng lồ thay cho những tập đoàn tài chính lớn”, ông Vincent Reinhart, một cựu quan chức của FED và hiện đang là một thành viên cao cấp của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhận xét.

“Tất cả những gì Bộ Tài chính đang làm là nhằm sử dụng ngân sách liên bang ở mức hạn chế nhất có thể cho chương trình này. Họ không muốn dính dáng tới Quốc hội và họ không muốn có người dân Mỹ tham gia vào những cuộc thảo luận này”, vị chuyên gia trên nói thêm.

Quá thiếu người

Bên cạnh những căng thẳng trên, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ còn phải đương đầu với một khó khăn khác: phần lớn những vị trí hàng đầu trong bộ này đều đang ở tình trạng “có ghế mà chưa có người”.

Mặc dù Geithner đã thuê khoảng 50 cố vấn cao cấp làm việc cho ông - chỉ bằng một nửa con số quan chức cao cấp của Bộ Tài chính mà ông kỳ vọng sẽ chính thức sử dụng - Nhà Trắng tới nay mới chỉ đề cử một vài gương mặt do lo ngại lý lịch của các ứng viên có thể “có vết”.

Chủ nhật tuần trước, Nhà Trắng công bố sẽ đề cử Alan Krueger, một nhà kinh tế học thuộc Đại học Princeton, vào ghế Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề kinh tế. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng dự định sẽ đề cử David Cohen vào vị trí Trợ lý phụ trách chính sách đối với vấn đề tài trợ khủng bố, và Kim Wallace vào ghế Trợ lý chịu trách nhiệm quan hệ với quốc hội.

Với tốc độ đề cử chậm chạm như trên, hiện vẫn còn nhiều ghế trong Bộ Tài chính bị bỏ trống, bao gồm cả vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính chưa có bất kỳ ứng cử viên nào.

Bởi thế, ngay giữa lúc bị giằng co bởi các về đề từ mọi phía, Geithner vẫn là gương mặt gần như duy nhất của Bộ Tài chính để công chúng nhìn vào. Ông là cá nhân duy nhất có thể xuất hiện trước Quốc hội để thúc đẩy và bảo vệ các quyết định của Bộ Tài chính về việc chi hàng tỷ USD cho việc bảo vệ các hãng xe GM, Chrysler, các ngân hàng của nước Mỹ, hay hàng triệu con nợ địa ốc đang đối mặt nguy cơ bị tịch biên nhà.

“Khó khăn trong Bộ Tài chính lúc này không phải là chuyện phát triển và thực thi chính sách, mà là việc đưa chính sách ra bên ngoài để thảo luận. Ngoài Bộ trưởng Geithner ra, lúc này chẳng có ai có thể bàn luận những chính sách này ở bên ngoài được”, một trong những cố vấn của Geithner đang chờ đề cử một ghế trong Bộ Tài chính cho hay.

Vấn đề nhân sự của Bộ Tài chính Mỹ xem chừng trở nên tồi tệ hơn khi gần đây, ứng viên được chính quyền Obama đặt nhiều hy vọng cho vị trí Thứ trưởng bộ này là bà Annette Nazareth, nguyên là một quan chức cao cấp của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), đã tự rút tên khỏi danh sách đề cử. Trên thực tế, người ta cũng lo ngại việc bà Nazareth có thể vấp phải sự phản đối vì vai trò của bà trong SEC trước đây, do SEC đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong thời gian qua vì đã buông lỏng quản lý, dẫn tới những vụ lừa đảo tài chính khổng lồ như vụ Madoff hay Stanford…

Ở một mức độ nào đó, vấn đề nhân sự của Geithner cũng xuất phát chính từ việc ông “quên” không đóng hơn 32.000 USD thuế lao động tự doanh.

Rắc rối này không chỉ khiến chính quyền Obama bối rối vì trước đó, họ vốn tự hào về việc chỉ đề cử những nhân vật có lý lịch không thể chê vào đâu được. Đồng thời, phát hiện trên cũng suýt nữa thì khiến Thượng viện không phê chuẩn việc đề cử Geithner vào ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời buộc các quan chức Nhà Trắng phải “giảm tốc” việc kiểm tra lý lịch của hàng loạt ứng cử viên cho các chức vụ khác.

Trong số 4 bộ quan trọng nhất trong Chính phủ Mỹ là các bộ Ngoại giao, Tư pháp, Quốc phòng và Tài chính, Bộ Tài chính là bộ tính tới lúc này có ít ứng cử viên cho các chức vụ nhất, mặc dù bộ này đang phải đương đầu với một loạt vấn đề được xem là quan trọng nhất đối với Chính phủ Mỹ hiện nay.

Những nỗ lực của Geithner

Mặc dù vậy, Geithner vẫn không hề tỏ ra nao núng. Hàng ngày, ông tới Bộ Tài chính lúc 5h30 sáng và tập thể dục trong phòng tập của Bộ trước khi bắt tay vào làm việc. Ông vẫn liên tục xuất hiện trong các sự kiện bên cạnh Tổng thống Obama và Phó tổng thống Joseph Biden với một vẻ bề ngoài thoải mái, điềm tĩnh.

Trong con mắt của người dân Mỹ, Geithner vẫn đang trong quá trình liên tục hành động. Ông tham gia trực tiếp vào các cuộc thảo luận về các nỗ lực giải cứu mới dành cho Citigroup và AIG, xen kẽ ngay giữa các sự kiện ông phải xuất hiện cùng Tổng thống hay điều trần trước Quốc hội.

Xét cho cùng, ê-kíp của Geithner tới lúc này đã nỗ lực rất nhiều. Chỉ riêng trong tháng 2, Geithner đã vạch ra một kế hoạch giải cứu ngân hàng với trị giá lên tới 2.500 tỷ USD; một kế hoạch 275 tỷ USD để hỗ trợ các con nợ địa ốc; thiết kế một chương trình kiểm tra năng lực tài chính của các ngân hàng lớn; đồng thời đề ra một loạt hạn chế đối với chế độ lương thưởng của các quan chức cao cấp các ngân hàng nhận tiền cứu trợ của Chính phủ.

Ngoài ra, các quan chức Bộ Tài chính còn đóng vai trò trung tâm trong việc vạch ra kế hoạch ngân sách của ông Obama, đặc biệt là ở vấn đề thuế, trong đó sẽ tăng thuế thêm 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới, chủ yếu thông qua việc đánh thuế cao hơn đối với người thu nhập cao và doanh nghiệp.

Geither cũng giữ vai trò chính trong việc thuyết phục Quốc hội cấp nốt số tiền 350 tỷ USD còn lại trong chương trình giải cứu tài chính 700 tỷ USD.

(Theo International Herald Tribune)