09:11 11/07/2013

Ổn định tỷ giá USD/VND là “trong tầm tay”

Minh Đức

“Thực ra mà nói, tất cả mọi cam kết đều dựa trên một sức mạnh vật chất. Sức mạnh vật chất ở đây là gì?”

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Cuối chiều 10/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái khẳng định cam kết giữ ổn định tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm. Thông điệp này đưa ra khi thị trường ngoại hối vừa có những ngày xáo động.

Là chuyên gia về tỷ giá, cũng là người trong cuộc, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nói với VnEconomy rằng, cam kết của Ngân hàng Nhà nước là “trong tầm tay”.
 
Sau lần điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 28/6, tỷ giá USD/VND những ngày gần đây lại có hơi hướng căng thẳng. Theo ông, có phải lần điều chỉnh vừa qua chưa đủ liều lượng hay vì những lý do nào đó?

Có một lý thuyết rất kinh điển về tỷ giá hối đoái là lý thuyết về bước đi ngẫu nhiên (Random Walk). Trong cơ chế tỷ giá hối đoái của Việt Nam có rất nhiều cách thức để điều hành trong bối cảnh chúng ta đã lựa chọn một cơ chế thả nổi có điều tiết. Có nhiều lựa chọn. Chúng ta có thể lựa chọn theo phương thức trườn bò của tỷ giá, có thể theo cách thức cố định trong một thời gian nào đó tỷ giá bình quân liên ngân hàng dựa trên một ngang giá trung tâm của tỷ giá hối đoái.

Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước thử nghiệm một cơ chế để cho tỷ giá hối đoái ổn định thông qua giữ tỷ giá bình quân liên ngân hàng và ngày 28/6 vừa qua điều chỉnh lên một bước là 1%, mà không sử dụng phương pháp trườn bò trong tỷ giá hối đoái. Việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% có thể xem là một thử nghiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường xem cách ứng xử như thế nào.

1% không phải là nhỏ đối với thị trường này, mặc dù chúng ta có thể có nhiều cách tính toán khác nhau về một ngang giá tiền tệ, về một vùng mục tiêu của tỷ giá hối đoái. Nhưng có vẻ như là vì chúng ta đã giữ tỷ giá ổn định khá lâu, cũng là một ưu điểm, nhưng có vẻ như với ưu điểm tạo một ý thức chủ quan của thị trường thì việc điều chỉnh 1% như thế có thể nói hiện nay có phản ứng của thị trường. Điều đó cũng là tất nhiên để Ngân hàng Nhà nước xem xét lại cách thức điều hành chính sách tỷ giá hối đoái của mình.

Người làm chính sách, họ phải tung ra tất cả những chính sách có tính chất thăm dò, và vừa rồi với phản ứng của thị trường như thế thì Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để có những điều chỉnh thích hợp hơn.

Liệu có gì đó không ổn khi đưa một vấn đề có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường, tới nền kinh tế ra thử nghiệm, thưa ông?

Không! Không bao giờ đem một vật thể rất lớn như thế ra thử nghiệm mà không lượng định những tác động của sự thử nghiệm đó như thế nào. Ngân hàng Nhà nước đã tính toán với thử nghiệm đó và không gây ra những hệ quả, hệ lụy quá lớn cho nền kinh tế. Đây không phải là đưa ra một cơ thể sống để cho bác sĩ mới ra trường thực tập trên cơ thể đó như là một thử nghiệm một mất một còn đối với bệnh nhân.

Trước đây chúng ta đã từng điều chỉnh tỷ giá tới 9,27% cơ mà. Việc điều chỉnh vừa qua chỉ 1%. Nhưng dù sao Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem lại việc lựa chọn một cách thức để cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng cố định trong một thời gian lâu sau đó điều chỉnh lên một mức nhất định, hoặc lựa chọn cách thức tỷ giá trườn bò từ từ.

Những ngày qua có một số ý kiến nhìn nhận biến động của tỷ giá có nguyên nhân từ hoạt động đầu cơ, tạo sóng từ một số ngân hàng thương mại. Là người trong cuộc, ông nhìn nhận thế nào về nguyên nhân này?

Những thông tin đó hết sức sai lầm! Sai lầm ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng họ được hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Khuôn khổ pháp luật này điều chỉnh chuyên biệt trên trạng thái ngoại tệ của mỗi tổ chức tín dụng, +/-20% vốn điều lệ. Ví dụ vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, thì họ có thể dương trạng thái khoảng 90 triệu USD hoặc âm 90 triệu USD. Họ có đúng pháp luật không?

Y như là anh quy định tốc độ trên đường Thăng Long - Nội Bài tối thiểu là 20 km/giờ, tối đa 40 km/giờ. Tôi chạy 30 km/giờ tại sao anh lại nói tôi sai, sai chỗ nào? Nếu tôi chạy 19 km/giờ có thể làm tắc đường hay 41 km/giờ có thể gây tai nạn thì vi phạm.

Vậy thì pháp luật điều chỉnh trạng thái ngoại tệ thì các tổ chức tín dụng tuân thủ đúng. Còn nếu đầu cơ, chỉ được 100 triệu USD mà gom 150 triệu USD thì phải xử lý một cách nghiêm túc. Ngân hàng Nhà nước thừa sức để kiểm soát trạng thái ngoại tệ đó, họ có thể nắm chắc từng ngày một.

Thứ hai, các tổ chức tín dụng trước đây họ có chuyển hóa từ USD, bán ngoại tệ đó cho Ngân hàng Nhà nước để lấy VND trong bối cảnh chi phí vốn huy động VND rất cao. Vậy thì khi họ bán USD cho Ngân hàng Nhà nước để lấy VND thì đó cũng là một mức cung để giảm bớt việc họ phải tăng lãi suất lên để huy động. Phải ghi nhận cho họ chứ. Chính họ là những người bằng công cụ chuyển hóa đồng ngoại tệ với chi phí vốn thấp sang VND, như vậy vô tình hay hữu ý họ tạo một lượng cung VND trên thị trường, góp phần kéo lãi suất xuống.

Bây giờ Ngân hàng Nhà nước đang kéo lãi suất thấp xuống. Thời gian qua các ngân hàng bán ngoại tệ ra để có tiền đồng, nhưng nền kinh tế không hấp thụ được nên họ phải gửi qua lại trên liên ngân hàng thôi, thị trường này lãi suất chỉ được vài ba phần trăm thì họ cũng lỗ. Việc Ngân hàng Nhà nước lựa chọn bước đi tỷ giá không phải là trườn bò và điều chỉnh tỷ giá làm cho họ cảm thấy nên rút quân về cố thủ, bởi vì lượng tiền đồng này không có tác dụng tạo lợi nhuận cho mình.

Như vậy, họ phải tính toán như thế nào trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Họ bán ngoại tệ để lấy tiền đồng, nhưng không cho vay ra được mà lãi suất liên ngân hàng quá thấp thì họ phải bảo toàn giá trị đồng tiền của mình chứ, theo góc độ thu nhập và chi phí chứ sai chỗ nào? Cái này cần phải nói rõ, chứ không phải là tạo sóng hay đầu cơ kiếm lời gì đó.

Sau những diễn biến trên, ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái khẳng định cam kết giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm. Ông nhìn nhận thế nào về khó khăn và thuận lợi khi thực hiện cam kết này?

Thực ra mà nói, tất cả mọi cam kết đều dựa trên một sức mạnh vật chất. Sức mạnh vật chất ở đây là gì? Là cán cân thanh toán tổng thể dự báo năm nay có thể thặng dư 5 tỷ USD. Nếu thặng dư được 5 tỷ USD thì sẽ tạo điều kiện hết sức vững chắc cho việc giữ ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết, tỷ giá hối đoái là một hàm số hội tụ nhiều biến số, trong đó có lạm phát của Việt Nam, của các đối tác, có năm cơ sở lựa chọn để tính toán mo hình tỷ giá trong đó có các tương tác thương mại, đầu tư, vay nợ của Việt Nam và các quốc gia mà chúng ta đã lựa chọn trong rổ tiền tệ đó…

Theo tôi, giữ ổn định tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm là nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước, trên một sức mạnh vật chất như thế. Tuy nhiên chúng ta cũng không lạm dụng sức mạnh vật chất đó. Và theo ý kiến riêng của tôi, từ đây đến cuối năm tỷ giá USD/VND có thể dao động trong khoảng 1 - 1,5%, là trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.

Điều quan trọng bây giờ là Ngân hàng Nhà nước phải có những cam kết hết sức mạnh mẽ.

Ổn định tỷ giá trong tầm tay như ông nói, nhưng hẳn có những việc cần phải làm…

Có một biện pháp hiện nay mà Ngân hàng Nhà nước cần phải làm là xử lý trạng thái dư thừa thanh khoản, khi nền kinh tế hấp thụ kém mà không đẩy mạnh cho vay ra được. Đó là xem xét sử dụng các công cụ để điều hòa lượng tiền một cách hợp lý.