05:30 16/03/2012

“Ông lớn” cũng ngán trần lãi suất

Thùy Duyên

Không chỉ ở ngân hàng nhỏ, ngay cả “ông lớn” cũng lo ngại cơ chế trần lãi suất sẽ hạn chế hoạt động kinh doanh trong năm 2012

Một quan ngại được đặt ra rất cụ thể trong bản báo cáo tổng kết hoạt động năm 2011 và kế hoạch hoạt động năm 2012 của ACB là khó khăn trong huy động vốn, quản trị thanh khoản mà trần lãi suất là một trở ngại.
Một quan ngại được đặt ra rất cụ thể trong bản báo cáo tổng kết hoạt động năm 2011 và kế hoạch hoạt động năm 2012 của ACB là khó khăn trong huy động vốn, quản trị thanh khoản mà trần lãi suất là một trở ngại.
Không chỉ ở các ngân hàng nhỏ, ngay cả “ông lớn” cũng lo ngại cơ chế trần lãi suất sẽ hạn chế hoạt động kinh doanh trong năm 2012 này.

Ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước chính thức hạ trần lãi suất huy động VND từ 14%/năm xuống 13%/năm. Cơ chế trần vẫn được áp dụng, cả với tiền gửi USD, và rút xuống sẽ tiếp tục là một rào cản khó khăn đối với nhiều ngân hàng nhỏ.

Thời gian qua, nhiều ý kiến cùng chung quan điểm rằng: với lãi suất như nhau, lợi thế huy động thuộc về các ngân hàng lớn. Thực tế trong năm 2011, cơ chế trần được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới khó khăn thanh khoản tại một số ngân hàng nhỏ, gây xáo trộn trên thị trường và ảnh hưởng đến cả hệ thống.

Vài ngày sau sự kiện hạ trần lãi suất, Ngân hàng Á Châu (ACB) công bố danh mục tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên sắp tới với những nội dung đáng chú ý. ACB hiện là thành viên lớn nhất trong khối thương mại cổ phần (tỷ lệ sở hữu của nhà nước không chi phối) xét về quy mô tổng tài sản (hơn 281.000 tỷ đồng), có chỉ số lợi nhuận trên vốn (ROE) lên tới 40% trong năm 2011.

Một quan ngại được đặt ra rất cụ thể trong bản báo cáo tổng kết hoạt động năm 2011 và kế hoạch hoạt động năm 2012 của ACB là khó khăn trong huy động vốn, quản trị thanh khoản mà trần lãi suất là một trở ngại.

Bản báo cáo của ACB được trình bày khá chi tiết đến từng sự kiện và vấn đề nói chung của hệ thống trong năm 2011, và đặc biệt là những nhận định thẳng thắn thường ít thấy trong báo cáo của các ngân hàng thương mại nói chung.

Đơn cử, ACB đưa ra bình luận: “Năm 2011, ngành ngân hàng, trong đó có ACB, phải hoạt động trong môi trường có nhiều biến động bất lợi do tăng trưởng kinh tế suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt được bổ sung bởi nhiều biện pháp mang nặng tính hành chính. Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính tiền tệ hình như còn chưa đủ kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực của thị trường thời gian qua. Điều này gây khó khăn cho khu vực ngân hàng trong việc cân bằng các mục tiêu lợi nhuận, an toàn và tăng trưởng”.
 
Nhiều biện pháp nặng tính hành chính, tiêu biểu nhất vẫn là cơ chế trần lãi suất. Và báo cáo cũng đề cập rằng: “Do áp lực thanh khoản cuối năm và nhu cầu tăng trưởng, hiện tượng tổ chức tín dụng huy động vượt trần lãi suất có dấu hiệu tái diễn, và không còn là cá biệt”. Điều này gây những xáo trộn trong hệ thống và ACB không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

Thực tế, điểm mà “ông lớn” này thừa nhận còn hạn chế trong hoạt động của mình năm 2011 là tính ổn định của thanh khoản còn yếu và quan ngại nhất là thanh khoản VND. Nguyên do, huy động VND đang có xu hướng giảm sút, đặc biệt trong những tháng cuối năm trước tình trạng vượt trần lãi suất khá phổ biến, lực đỡ từ huy động vàng nhiều khả năng không được đảm bảo trong thời gian tới; thứ nữa là việc thu hồi các khoản nợ liên ngân hàng đến hạn khá khó khăn trong tình hình thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục căng thẳng.

Báo cáo của ACB cho biết, giai đoạn từ tháng 9/2011, nhiều ngân hàng nhỏ khó khăn về thanh khoản, xin gia hạn nợ, giãn nợ đã ảnh hưởng và gây khó khăn cho nhiều ngân hàng thương mại khác là chủ nợ. Một sự trùng hợp “ngẫu nhiên” với thông tin từ ACB là tại thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước bắt đầu vào cuộc mạnh xử lý các ngân hàng vi phạm trần lãi suất…

Trong năm 2012, ACB cũng quan ngại rằng khoảng cách giữa các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu sẽ thu hẹp do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt và các biện pháp hành chính áp dụng trong thời gian dài sẽ làm tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng thương mại lớn, tính tuân thủ cao bị chậm lại; khả năng cạnh tranh sẽ khó khăn hơn do các công cụ trần lãi suất và trần tăng trưởng tín dụng vẫn được áp dụng.

Thậm chí ngân hàng này dự báo, trong năm 2012, “hiện tượng vượt trần lãi suất huy động sẽ diễn ra trên diện rộng hơn nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động”.

Nhưng ngược lại, một hướng được tính toán trong bản báo cáo, trong năm 2012, quá trình tái cấu trúc hệ thống sẽ làm cho một số ngân hàng nhỏ đang làm “rối” thị trường giảm bớt tham vọng tăng trưởng nhanh của mình. Điều này sẽ giúp thị trường vận hành an toàn, hiệu quả và minh bạch hơn.

Ngoài những nội dung trên, báo cáo của ACB cũng dự tính tình hình tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Điều đáng lưu ý là năm 2012 hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dự báo sẽ khó khăn hơn năm 2011 và khả năng trả nợ của khách hàng có khả năng tiếp tục suy giảm. Do đó, tín dụng sẽ khó có điều kiện để tăng trưởng. Đặc biệt là tăng trưởng tín dụng phải kèm hiệu quả (chênh lệch lãi suất) cao do trần tăng trưởng cho vay đã được áp dụng.