16:47 18/03/2009

Phát hành trái phiếu ngoại tệ: “Phép thử” của Chính phủ?

Minh Đức

Với kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ quy mô nhỏ, dường như Chính phủ đang thận trọng thử phản ứng của thị trường

Từ ngày 18-30/3/2009, Bộ Tài chính sẽ tiến hành phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng USD đợt một năm 2009 với tổng trị giá 300 triệu USD.  Đây là đợt phát hành được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 211/QĐ-TTg về phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ trên thị trường vốn trong nước.
Từ ngày 18-30/3/2009, Bộ Tài chính sẽ tiến hành phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng USD đợt một năm 2009 với tổng trị giá 300 triệu USD. Đây là đợt phát hành được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 211/QĐ-TTg về phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ trên thị trường vốn trong nước.
Với kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ quy mô nhỏ, dường như Chính phủ đang thận trọng thử phản ứng của thị trường.

Ngày 20/3 này, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) sẽ chính thức tổ chức đấu thầu phiên 1 với khối lượng 100 triệu USD trái phiếu Chính phủ. Đây là phiên mở đầu cho kế hoạch phát hành có tổng giá trị 300 triệu USD trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước.

Xung quanh kế hoạch này, VnEconomy đã trao đổi với ông Mạc Quang Huy, chuyên gia tài chính độc lập, về một số vấn đề liên quan.

Lãi suất 4% là có thể thành công

Theo ông, Chính phủ quyết định phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước thời điểm này có hợp lý không?

Tôi cho rằng chủ trương phát hành trong nước tại thời điểm này là khá hay bởi nó có thể giảm chi phí phát hành và chi phí huy động vốn so với phát hành quốc tế.

Cuối tháng 2/2009, Indonesia vừa phát hành 3 tỷ USD quốc tế (trong đó 2 tỷ USD có kỳ hạn 10 năm với mức lợi suất 11,75%/năm, 1 tỷ USD kỳ hạn 5 năm với mức lợi suất 10,5%). Lợi suất của trái phiếu quốc tế Việt Nam (phát hành năm 2005) hiện tại giao dịch trên thị trường quốc tế ở mức lợi suất khoảng 9,7%/năm. Việt Nam và Indonesia có mức định mức tín dụng tương đương nên nếu phát hành quốc tế, Việt Nam có thể phải trả mức lợi suất khoảng 10%/năm. Trong khi đó lãi suất huy động USD trong nước chỉ khoảng 3% cho kỳ hạn dưới 5 năm.

Tôi dự đoán lãi suất phát hành lần này chỉ xung quanh 4% là có thể thành công. Như vậy Chính phủ có thể tiết kiệm chi phí lãi suất khoảng 6%/năm. Ngoài ra, nếu phát hành trái phiếu quốc tế, Chính phủ còn phải trả các chi phí phát hành cho ngân hàng đầu tư, công ty định mức tín nhiệm, chi phí quảng bá sẽ rất tốn kém.

Mặt khác, việc phát hành khối lượng 300 triệu USD tách làm 3 kỳ hạn 1, 2 và 3 năm là quy mô rất nhỏ. Do đó nếu Chính phủ không đưa ra mức trần lợi suất quá thấp thì xác suất thành công của đợt phát hành này là cao và không tác động mạnh đến thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, nếu phát hành quy mô lớn thì có thể ảnh hưởng mạnh hơn.

Đối tượng tham gia chủ yếu sẽ là ngân hàng

Một số ý kiến cho rằng trái phiếu bằng ngoại tệ phát hành trong nước lần này là nhằm tạo một công cụ tài chính mới, tạo thêm sức hấp dẫn mới để níu kéo nhà đầu tư nước ngoài. Theo ý này, ông đánh giá thế nào về khả năng tham gia và sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài?

Khả năng tham gia đầu tư dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài là thấp vì họ có thể mua trái phiếu chính phủ của Indonesia hay Phillipinnes với mức lợi suất hấp dẫn hơn nhiều. Với họ, mua của Việt Nam hay Indonesia thì đều chịu rủi ro quốc gia với các quốc gia đang phát triển (sovereign risk), chính điều này làm tăng mức chênh lệch tín dụng (credit spread), dẫn đến mức lợi suất yêu cầu cao.

Các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu của Việt Nam thường mua bảo hiểm rủi ro tín dụng (CDS) trên thị trường quốc tế với mục đích giảm thiểu rủi ro. Hiện tại mức phí bảo hiểm rủi ro tín dụng (CDS spread) đối với trái phiếu quốc tế của Việt Nam khoảng 7%/năm, là mức rất cao.

Còn đối với các nhà đầu tư trong nước, họ sẽ không chịu rủi ro quốc gia, không cần mua bảo hiểm rủi ro tín dụng, do đó họ chấp nhận lợi suất thấp hơn nhiều. Do đó khả năng đối tượng tham gia chính là các ngân hàng thương mại Việt Nam và các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, có nguồn vốn huy động USD rẻ từ chính thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam có thể đầu tư ngắn hạn các loại trái phiếu này như một phương tiện quản lý tiền mặt của mình một cách linh hoạt. Cụ thể là những khoản tiền nhàn rỗi của họ chưa đầu tư có thể chuyển sang đầu tư trái phiếu ngoại tệ, giúp họ hạn chế rủi ro đồng VND xuống giá. Để làm được điều này, chúng ta cần tạo thanh khoản thông qua một thị trường thứ cấp cho các trái phiếu ngoại tệ.

Không nên đấu thầu công khai

Ông có ý kiến gì không về cách thức triển khai đợt phát hành này?

Tôi cho rằng, về cách thức phát hành ở quy mô nhỏ lần này, không nên đấu thầu công khai với sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân, mà nên chào bán riêng lẻ cho một số ngân hàng thương mại Việt Nam có nguồn vốn ngoại tệ dư thừa lớn như Vietcombank, BIDV hay ACB.

Ví dụ như Vietcombank hiện có hàng tỷ USD đang được gửi hoặc được ủy thác quản lý tại các ngân hàng nước ngoài với lợi suất tương đối thấp. Vietcombank cũng đang huy động lãi suất USD 3,2%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 5 năm. Do đó, nếu Chính phủ bán trái phiếu cho Vietcombank với mức lợi suất khoảng 4% sẽ thành công vì Vietcombank có thể hưởng chênh lệch lãi suất 0,8%/năm để mua trái phiếu không rủi ro của Chính phủ.

Với cách làm này, Chính phủ có thể chấp nhận trả lãi suất cao hơn lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại, mặc dù độ rủi ro của Chính phủ thấp hơn rủi ro ngân hàng, nhưng sẽ đảm bảo đợt phát hành chắc chắn thành công. Cách làm này vừa ích nước, do Chính phủ tiết kiệm 6% so với phát hành quốc tế, vừa lợi nhà, do Vietcombank hưởng chênh lệch và không phải gửi tiền ở nước ngoài với lợi suất thấp.

Với cách chào bán riêng lẻ thì cũng không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư cá nhân. Các ngân hàng thương mại sẽ chủ động điều chỉnh lãi suất huy động ngoại tệ nếu thiếu USD, tuy nhiên, các ngân hàng lớn hiện nay là thừa USD, phải đi gửi nước ngoài với lãi suất thấp. Do đó, tôi dự đoán với quy mô phát hành như lần này thì tác động lên mặt bằng lãi suất huy động và tỷ giá là không nhiều.

Để cách thức chào bán riêng lẻ được thành công, vai trò của thị trường thứ cấp sẽ rất quan trọng. Nếu trái phiếu có tính thanh khoản cao, các ngân hàng có thể quản lý cơ cấu bảng cân đối rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất một cách hiệu quả hơn.

Trong tương lai nếu Chính phủ muốn tiếp tục phát hành trái phiếu ngoại tệ tại thị trường trong nước thì Chính phủ cần khảo sát lượng USD trong hệ thống ngân hàng và dự trữ trong dân để có thể đưa ra một lộ trình và quy mô phát hành phù hợp, không ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Với quy mô phát hành lớn hơn 1 tỷ USD thì tôi cho rằng có thể sẽ có tác động đáng kể.

Lúc đó, các ngân hàng thương mại có thể sẽ tăng lãi suất huy động USD và kích thích người dân chuyển VND sang USD làm ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá. Đây chính là vấn đề Đô la hóa như một số chuyên gia lo ngại.

Điều quan trọng nhất là minh bạch

Còn về mục đích của đợt phát hành, thưa ông?

Về sử dụng vốn, hiện không rõ Chính phủ sẽ dùng cụ thể vào việc gì, ngoài việc bù đắp bội chi ngân sách, đáp ứng cho nhu cầu kích cầu và đầu tư cho các dự án trọng điểm, nhưng với quy mô nhỏ thế này, thì tôi cho rằng Chính phủ đang đi những bước thận trọng, thử phản ứng của thị trường, để tiến hành các đợt phát hành tiếp.

Theo tôi biết, Chính phủ hiện có kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế trong năm 2009. Vinashin cũng có kế hoạch phát hành 400 triệu USD. Tôi cũng không bất ngờ nếu Chính phủ dùng nguồn vốn này để cho Vinashin vay. Tất nhiên, dù sử dụng nguồn vốn này vào mục đích gì đi nữa, điều quan trọng nhất là mục đích sử dụng phải minh bạch, hiệu quả bởi đây cũng là tiền thuế của nhân dân.