12:31 29/11/2011

Phó chủ tịch LienVietPostBank: “Tôi đã bảo mẹ bán vàng gửi tiền”

Minh Đức

“Khi ngân hàng gặp khó thanh khoản cũng là lúc giá vàng cao nhất, tôi đã bảo mẹ bán vàng để gửi tiết kiệm và nay là lãi hơn nhiều”

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank.
“Khi ngân hàng gặp khó thanh khoản cũng là lúc giá vàng cao nhất, tôi đã bảo mẹ bán vàng để gửi tiết kiệm và nay là lãi hơn nhiều”.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), chia sẻ với VnEconomy như vậy bên lề diễn biến thị trường thời gian qua.

Đó là thời điểm cách đây hơn một tháng, hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khó khăn thanh khoản, khi lãi suất trên liên ngân hàng có những mức trên 30%/năm, trong khi thị trường vàng chứng kiến dòng người xếp hàng chen mua.

Những ngày qua cũng vậy. Dòng người chen lấn mua vàng tại cả Hà Nội và Tp.HCM. Lượng vàng các đầu mối dự tính bán ra bình ổn khoảng 5 tấn là “ổn”, nhưng phải bán tới hơn 16 tấn. Đi cùng với dòng người đó, ông Hưởng cho biết có hiện tượng người dân rút tiền gửi ở ngân hàng ra mua vàng, cả từ ngân hàng lớn lẫn ngân hàng nhỏ.

Phó chủ tịch LienVietPostBank nhìn nhận rằng, khó khăn thanh khoản của hệ thống vừa qua và hiện nay không phải do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhu cầu thanh toán cuối năm như những năm trước. “Có cái vô lý. Như vừa qua, tiền cho vay ra hạn chế mà thanh khoản vẫn căng, căng hơn cả thời cho vay bình thường. Vì người dân rút tiền ra, do tâm lý, do có lo ngại và trú ẩn vào vàng. Họ mua vàng và lại cất giữ ở nhà”, ông Hưởng nói.

Thực tế, hai tháng liên tiếp huy động vốn của hệ thống ngân hàng sụt giảm; lượng vàng bán ra để bình ổn thị trường qua các đợt gần đây đều lớn hơn nhiều so với dự tính. Như ông Hưởng nói, một nguyên do ở đây là có tâm lý lo ngại trong dân cư, dẫn đến hiện tượng rút tiền.

Như phản ánh vừa qua, tâm lý đó một phần lớn xuất phát từ những thông tin dồn dập về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, có những hoài nghi và đồn đoán trong dân cư tác động tiêu cực đến dòng tiền gửi.

“Tôi cho rằng ở vấn đề này cần thông tin đầy đủ hơn, như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa trả lời chất vấn trước Quốc hội. Cần phải hiểu quá trình đó diễn ra sẽ có sáp nhập nhưng không có phá sản. Theo đó, quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng vẫn được đảm bảo”, ông Hưởng nhấn mạnh.

Tại phiên trả lời chất vấn cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nêu định hướng và quan điểm của tái cấu trúc là “đánh chuột không để vỡ bình”: quá trình này được thực hiện theo phương châm không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng.

“Ở đây, cần phân biệt là nếu có phá sản thì sẽ có sự phân biệt giữa các khoản nợ của tổ chức tín dụng đó, trong đó có quyền lợi của người gửi tiền. Nhưng khi sáp nhập, mua lại thì người mua phải đảm bảo gánh hết các khoản nợ, nhận tất cả các nghĩa vụ và quyền lợi. Như vậy thì tiền gửi của người dân không bị ảnh hưởng, mà chỉ có thể là cổ đông của tổ chức tín dụng đó thôi. Mà Thống đốc cũng đã nói, tái cơ cấu không có giải thể phá sản mà chỉ sáp nhập”, ông Nguyễn Đức Hưởng giải thích thêm.

Để dẫn chứng cho sự “yên tâm” đó, Phó chủ tịch LienVietPostBank nói rằng, chính trong thời điểm người dân đổ xô mua vàng, chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới lên đỉnh điểm, ông đã bảo mẹ bán vàng gửi tiết kiệm, và theo ông đến nay là có lãi hơn nhiều.

Theo quan điểm của vị lãnh đạo ngân hàng này, thị trường vàng là sân chơi của các “đại gia”, nhiều rủi ro đối với các cá nhân nhỏ lẻ và họ có sự thiệt thòi khi chịu chênh lệch lớn giữa giá mua vào - bán ra. Và trong giai đoạn hiện nay, gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt hơn.

Tốt, bởi ông Hưởng nhìn nhận ở sự hấp dẫn của lãi suất 14%/năm. “Không dễ làm ra cái gì được lãi 14%/năm trong bối cảnh vừa qua và hiện nay. Ngay cả trong hệ thống, nếu ngân hàng nào huy động 2 - 3 năm với lãi suất 14%/năm thì tôi sẽ gửi ngay”.

Con số 14%/năm đó đi cùng với sự lạc quan ở kỳ vọng lạm phát. Trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng đó là một mức tích cực, khi chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 đã được thông qua là dưới 10%. Tuy nhiên, rủi ro ở đây là việc thực hiện được chỉ tiêu trên thực tế, điều đã không thể thực hiện trong năm 2011.

Hiện tại, mức 14%/năm đó là hấp dẫn khi ông Hưởng dự báo lãi suất sẽ hạ trong vài tháng tới. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra thông điệp, khi lạm phát trong tháng 11 này tăng thấp hơn 1% thì nhà điều hành có cơ sở để xem xét hạ trần lãi suất huy động, như là một giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Có thể, thông tin đó cũng sẽ một phần kích thích nguồn tiền gửi vào ngân hàng đi trước chính sách; huy động vốn của hệ thống theo đó có thể sẽ cải thiện hơn…