11:45 10/08/2008

Quanh chuyện tạm ngưng cấp phép lập ngân hàng

Hoài Ngân

Việc Ngân hàng Nhà nước tạm ngưng cấp phép các ngân hàng là một động thái đã được báo trước

2007 là năm mà ý tưởng thành lập ngân hàng thương mại cổ phần xuất hiện trong đầu nhiều “đại gia” trong nền kinh tế, cả nhà nước và tư nhân - Ảnh: Việt Tuấn.
2007 là năm mà ý tưởng thành lập ngân hàng thương mại cổ phần xuất hiện trong đầu nhiều “đại gia” trong nền kinh tế, cả nhà nước và tư nhân - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc Ngân hàng Nhà nước tạm ngưng cấp phép các ngân hàng là một động thái đã được báo trước.

Bên cạnh đó, sự kiện này cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Khi tư vấn được xem trọng

Ngừng thành lập thêm các ngân hàng mới là nội dung đã được đưa ra trong nhiều bản kiến nghị và góp ý cho các chính sách của Chính phủ trong thời gian gần đây.

Gần đây nhất, bản kiến nghị của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Havard cũng đã đề cập đến việc này và xem đây là một trong số những giải pháp quan trọng nhất cần được áp dụng trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Theo quan điểm của nhóm này, Ngân hàng Nhà nước cần ngay lập tức tuyên bố không thành lập thêm ngân hàng thương mại nội địa trong vòng 12 tháng. Mục tiêu của việc này là giúp giảm tăng trưởng tín dụng để làm cơ sở cho giảm lạm phát, giúp ổn định hệ thống ngân hàng, chuẩn bị cho việc sáp nhập và mua lại các ngân hàng yếu kém và giảm gáng nặng cho hệ thống giám sát ngân hàng

Trên thực tế, kiến nghị về việc ngừng thành lập các ngân hàng mới, cũng như việc cắt giảm đầu tư công, điều chỉnh chính sách đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, điều hành lãi suất linh hoạt… đều là những nội dung đã được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước kiến nghị nhiều lần đối với Chính phủ.  

Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cũng đã nhiều lần họp xung quanh vấn đề này. Vào ngày 7/8 vừa qua, tức là một ngày trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước chính thức có văn bản về việc ngừng thành lập ngân hàng mới, hội đồng này cũng đã có một cuộc họp được xem là rất quan trọng...

Nhìn lại tổng thể quá trình điều hành kinh tế của Chính phủ từ đầu năm lại nay, có thể thấy ý kiến của các nhà tư vấn trong các vấn đề lớn đang ngày càng được xem trọng hơn.

Đối với những người theo dõi tình hình Việt Nam, có thể thấy rằng vào thời điểm cuối năm 2006, đầu năm 2007 cũng đã có nhiều kiến nghị rất quan trọng của các chuyên gia nước ngoài về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tránh những rủi ro không đáng có trong tương lai. Cũng có thể kể tới những kiến nghị của các chuyên gia từ ADB, WB và một số tổ chức khác trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam.

Nhưng vào thời điểm đó, lạc quan trước viễn cảnh phát triển của Việt Nam, một số kiến nghị dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Ngừng là hợp lý

Người tiền nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, ông Lê Đức Thúy, giờ cũng là thành viên quan trọng của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, là người có quan điểm khá chặt chẽ trong vấn đề thành lập mới ngân hàng thương mại

Phát biểu của ông về vấn đề này, rằng “một ngân hàng ra đời rồi đến lúc đổ vỡ thì có khi cả hệ thống này bị sụp đổ và người đứng đầu như tôi, chừng nào còn đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm chính, vì thế tôi không thể dễ dãi được” được coi là thông điệp đáng kể trước khi ông rời chức vụ.

Trong ký ức của những cán bộ kỳ cựu ngành ngân hàng, giải quyết những khó khăn của khối ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn trong thập kỷ trước vẫn còn là những câu chuyện nóng hổi.

Năm 2007 được coi là năm vàng của ngành ngân hàng khi mà hàng loạt ngân hàng yếu kém trước đây, nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán, đã vượt qua khó khăn, hồi sinh và phát triển.

Nhưng đấy cũng là năm mà ý tưởng thành lập ngân hàng thương mại cổ phần xuất hiện trong đầu nhiều “đại gia” trong nền kinh tế, cả nhà nước và tư nhân. Giờ đây, có tới 50 hồ sơ xin thành lập ngân hàng, cả trong và ngoài nước, đang được thẩm định.

Cho dù, vào giữa năm 2007, một bản quy chế về vấn đề này đã được ban hành. Bản quy chế, được đánh giá là công phu, đầy đủ và ngặt nghèo, không đủ để làm nản lòng các đại gia, vì vào thời điểm đó việc huy động vốn khá dễ dàng.

Tính đến tháng 5/2008, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam gồm có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 6 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và 998 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Đối với một nền kinh tế quy mô GDP chỉ mới đạt trên 50 tỷ USD, dù cho tăng trưởng tín dụng liên tục ở mức trên 25%/năm trong nhiều năm qua bấy nhiêu cũng đã là quá nhiều. Hơn nữa, vấn đề cũng không hẳn là số lượng mà là chất lượng hoạt động, cũng như những khó khăn về mặt quản lý nhà nước.

“Vào thời điểm căng thẳng về ngoại tệ, trong một ngày, khối các ngân hàng thương mại trao đổi với nhau hàng trăm triệu USD mà có khi Ngân hàng Nhà nước không nắm được. Tôi không hiểu với phong trào thành lập ngân hàng như hiện nay, chúng ta sẽ quản lý như thế nào”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra nhận xét.

Tuy nhiên, với quyết định của Ngân hàng Nhà nước, thiệt hại dễ thấy nhất thuộc về… ban trù bị của các ngân hàng sắp thành lập cũng như các cổ đông đã đăng ký tham gia. Nhiều hay ít, quá trình khởi động đã gây ra những tốn kém nhất định.

Năm ngoái, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định có chủ trương giảm bớt số lượng ngân hàng, nhưng trên thực tế thì số lượng lại tăng lên. Quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chỉ nói “tạm ngừng”, chứ không khẳng định việc ngừng hẳn. Điều này cho phép các ban trù bị tiếp tục hy vọng, nhưng cũng khiến các nhà đầu tư băn khoăn về tính nhất quán trong chính sách.  

Nên chăng, ngành ngân hàng cũng cần có một bản “quy hoạch”, để những nhà đầu tư đến sau biết được cơ hội thực tế của mình?