09:07 14/10/2010

Rút tiền nhanh khỏi lưu thông: “Hãy xem là bình thường”

Minh Đức

Xung quanh khả năng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có cơ chế cho phép các ngân hàng có thể rút nhanh tiền khỏi lưu thông

Có thể xem chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là một thông điệp đối với nhà điều hành chính sách chủ động ứng phó trước những khả năng có thể xảy ra - Ảnh: Reuters.
Có thể xem chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là một thông điệp đối với nhà điều hành chính sách chủ động ứng phó trước những khả năng có thể xảy ra - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng vừa có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá dịp cuối năm.

Ngày 11/10, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 1875/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010.

Trong chỉ thị trên, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành để từng bước giảm lãi suất tín dụng. Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan này “nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá, nhất là vào dịp cuối năm khi khối lượng thanh toán các công trình dự án được thực hiện với mật độ cao và dịp lễ, tết khi lượng tiền thưởng, tiền lương được chi trả với khối lượng lớn”.

Phản ứng từ giới đầu tư phổ biến trên các diễn đàn mấy hôm nay là sự lo ngại về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hút nhanh tiền trong lưu thông về, thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới để góp phần kiềm chế lạm phát. Điều này dường như lại mâu thuẫn với định hướng tiếp tục giảm lãi suất.

“Chưa thể nói đến giải pháp cụ thể”

Về chỉ thị trên, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần được đặt trong bối cảnh tổng thể của nền kinh tế hiện nay và thời gian tới, gắn với việc thực hiện các kế hoạch năm của chính sách tiền tệ.

Theo vị lãnh đạo này, mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ hướng đến là chính sách tiền tệ góp phần kiềm chế khả năng tăng cao của lạm phát những tháng cuối năm. Nhưng trước hết cần lưu ý rằng, định hướng đó đặt ra sau khi nguồn vốn giải ngân từ ngân sách đã tăng mạnh sau 9 tháng đầu năm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khối lượng thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2010 ước đạt trên 106,12 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7% kế hoạch năm. Áp lực từ vốn giải ngân trong thời gian tới theo đó sẽ không còn lớn.

Trong khi đó, vị lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho rằng những kết quả cơ bản trong điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay là phù hợp với định hướng đưa ra từ đầu năm. Cụ thể, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 16/9/2010, so với cuối năm trước, tổng phương tiện thanh toán tăng 18,5%, vốn huy động tăng 21,5%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 17,81%; phù hợp với định hướng đảm bảo tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cả năm 2010 tăng khoảng 20% - 25%.

Mặt khác, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là một thông điệp đối với nhà điều hành chính sách chủ động ứng phó trước những khả năng có thể xảy ra. Ở đây, đó là khả năng khối lượng tiền thanh toán tập trung khối lượng lớn vào cuối năm có thể gây áp lực đến lạm phát.

Chính ở yếu tố “khả năng” và “nghiên cứu” nên lúc này chưa thể nói trước Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai hay không, nếu triển khai thì đưa ra cơ chế đối với các ngân hàng thương mại để rút tiền ra khỏi lưu thông như thế nào.

“Hãy xem là bình thường”

Ngay sau chỉ thị của Thủ tướng được công bố, trong những cuộc bàn luận của giới đầu tư, cũng như một số ý kiến phản hồi về VnEconomy, cụm từ “có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông” trở nên nhạy cảm, đi cùng với lo ngại thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới.

Tham vấn ý kiến của một số chuyên gia về nội dung chỉ thị trên, VnEconomy nhận được những quan điểm khác nhau.

Phản ứng chung đầu tiên là nhận định: nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra các biện pháp để các ngân hàng thương mại rút nhanh tiền trong lưu thông về, thắt chặt tiền tệ thì có thể mâu thuẫn với định hướng tiếp tục giảm lãi suất. Hay theo cách nói của một chuyên gia: “Tay trái đập tay phải”, và rất khó để nhà điều hành mua được một món ăn vừa ngon, vừa bổ lại vừa rẻ.

Giả thiết đặt ra, nếu phải hút tiền về để chống lạm phát, một giải pháp kinh điển thường thấy là tăng dự trữ bắt buộc. Điều này được các ý kiến tham vấn cho là khó khả thi, vì liên quan đến chi phí vốn của các nhà băng và điều đó sẽ được đẩy đến các đầu mối tiếp cận vốn. Thay vào đó, trong giả thiết này, các chuyên gia nghiêng về giải pháp Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành giấy tờ có giá với lãi suất, kỳ hạn phù hợp.

Thận trọng hơn, một chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, để định hình rõ nét các khả năng có lẽ phải chờ những dữ liệu vĩ mô cụ thể của tháng 10 này, đặc biệt là mức tăng của lạm phát với yếu tố bất thường lũ lụt ở miền Trung vừa xẩy ra… Ông cũng lưu ý, câu chuyện ở đây còn phụ thuộc vào thực tế; nếu khó khăn và áp lực Chính phủ lường tính xẩy ra còn phải xem việc “rút tiền nhanh ra khỏi lưu thông” như thế nào.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nếu lạm phát tiếp tục tăng cao thì Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên mục tiêu kiềm chế, thay vì tập trung hạ lãi suất. “Bởi hạ lãi suất là câu cửa miệng suốt thời gian qua, nhưng thực tế là rất khó khăn”, chuyên gia này nói.

Trong giả thiết Ngân hàng Nhà nước đưa ra cơ chế để các ngân hàng thương mại rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông, một số ý kiến cho rằng cũng cần lưu ý cái giá phải trả. Đó là nguồn tiền sẽ khan bớt và lãi suất sẽ tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ thêm khó khăn.

Ở một quan điểm khác, đọc kỹ toàn văn chỉ thị của Thủ tướng, một chuyên gia cho rằng vấn đề ở đây là bình thường, có chăng là cụm từ “có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông” khá nhạy cảm.

Sự “bình thường” được lý giải ở nguyên do: nhà điều hành đưa ra những tình huống để chủ động chính sách, để phản ứng nhanh và linh hoạt, nhất là với thực tế lạm phát thường tăng cao vào cuối năm; mặt khác, việc rút tiền nhanh ra khỏi lưu thông đó cũng chỉ mang tính thời điểm, nếu áp lực xẩy ra.

“Với lạm phát, nó có cả quá trình. Nếu xét về cung tiền, tôi cho rằng, cũng phải thấy là không phải lúc nào lạm phát cao cũng do cung tiền. Không phải cứ cung tiền là gia tăng lạm phát. Ở đây nó có hai yếu tố, bên trong và bên ngoài. Những năm gần đây, khi nền kinh tế nước ta mở cửa và hội nhập sâu, tôi nhận thấy yếu tố bên ngoài tác động đến lạm phát mạnh hơn”, chuyên gia này phân tích.

Thực tế mà ông đưa ra là từ đầu năm đến nay, đi cùng với sự hồi phục dần của kinh tế thế giới là giá hàng hóa nhập khẩu tăng trở lại; giá nhiều nguyên liệu, thiết bị, hàng tiêu dùng nhập khẩu… đã tăng mạnh tác động đến giá cả tiêu dùng trong nước. “Đó cũng là một chứng cớ ngoại phạm của yếu tố cung tiền đối với lạm phát cần xét tới lúc này”, ông nhấn mạnh.

Trường hợp từ nay đến cuối năm nếu Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra các biện pháp liên quan, dù như thế nào, thì mục đích cuối cùng cũng là góp phần để tình hình chung tốt hơn mà thôi.