09:09 16/06/2009

SCIC có tạo được những đổi thay?

Hoàng Vũ

Sau 3 năm hoạt động, thị trường chờ đợi “siêu tổng công ty” thực sự tạo được những đổi thay cần có

Ngày 30/12/2008, SCIC ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Petro Vietnam, mở hướng đầu tư vốn vào một số dự án thuộc lĩnh vực dầu khí.
Ngày 30/12/2008, SCIC ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Petro Vietnam, mở hướng đầu tư vốn vào một số dự án thuộc lĩnh vực dầu khí.
Sau 3 năm hoạt động, thị trường chờ đợi “siêu tổng công ty” thực sự tạo được những đổi thay cần có.

Cần, không chỉ riêng cho SCIC, mà còn cho nhiều chủ thể liên quan; ở một số khía cạnh, còn là cả những cơ chế quản lý vĩ mô có ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Xóa cơ chế “3 trong 1”

Năm 2006, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đi vào hoạt động. Một cơ chế gắn với nhiều doanh nghiệp được kỳ vọng có những đổi thay, cơ chế quản lý “3 trong 1”.

Trước đó, các bộ và UBND tỉnh, thành phố thực hiện đồng thời cả ba chức năng: quản lý nhà nước về kinh tế, chủ quản cấp trên đối với doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo một số đánh giá trước thềm kế hoạch thành lập SCIC, cơ chế “3 trong 1” này đã làm cho đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp dàn trải, manh mún; các quyết định đầu tư vốn nhà nước được thực hiện qua nhiều cấp khác nhau không đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả đầu tư vốn chưa cao.

Theo TS. Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, thực trạng đồng vốn nhà nước chưa hiệu quả là do bộ máy quản lý nhà nước đồng thời là bộ máy thực hiện quyền sở hữu. Cùng lúc có nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước và đều được coi là đại diện chủ sở hữu nhà nước.

“Hệ quả là không rõ cơ quan nào là đại diện sở hữu chính; có sự “lấn sân” từ quản lý nhà nước sang quản lý của chủ sở hữu và ngược lại. Bộ máy và cán bộ quản lý theo đó không chuyên nghiệp và chuyên tâm vào mục đích nhất quán giữa công việc hành chính và kinh doanh, sinh lời của doanh nghiệp”, TS. Cường nói.

Định hướng mà Chính phủ đặt ra khi thành lập SCIC là hướng tới chấm dứt tình trạng đó; cơ quan hành chính nhà nước không can thiệp trực tiếp, cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà phân định rõ quyền quản lý hành chính kinh tế của Nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng SCIC có làm được? Tại hội thảo mới đây, tham luận của các chuyên gia đều có nhận định chung, rằng “siêu tổng công ty” vừa hoạt động được 3 năm, đang ở giai đoạn đầu trong bước chuyển đổi cần phải có đó nên chưa thể trả lời được nhiều, nhất là khi còn vấp phải những “thành trì” thể chế, hành lang pháp lý và thực tiễn hoạt động.

Tuy nhiên, mô hình SCIC được nhận định là sự cụ thể hóa cho bước đổi mới căn bản về phương thức quản lý doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, tách quản lý hành chính ra khỏi quản lý kinh doanh. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp mà quản lý thông qua hiệu quả đồng vốn đầu tư, thông qua người đại diện tham gia quản trị doanh nghiệp và các quy tắc của thị trường.

Nếu SCIC làm được, đó là một đổi thay lớn. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước sẽ có được sự chủ động, tự chủ hơn trong kinh doanh; phía sau đó là sự hiệu quả của đồng vốn và sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng, SCIC tham gia như thế nào để tạo được đổi thay, hay vẫn “bình mới, rượu cũ”?

Chờ thể hiện những vai trò…

Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC, cho biết định hướng dài hạn của tổng công ty này là trở thành một tập đoàn đầu tư - tài chính; bên cạnh vai trò là công cụ của Chính phủ trong quản trị doanh nghiệp, trong quản lý, tái cơ cấu và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn nhà nước…, đây sẽ là một nhà đầu tư thực sự.

Thế nhưng, sau ba năm hoạt động, có vẻ định hướng trên mới chỉ nặng về việc tiếp nhận, xử lý, quản lý nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, “vế” còn lại mà thị trường chờ đợi ở một nhà đầu tư lớn vẫn chưa thể hiện được nhiều.

Hiện SCIC đã thành lập Công ty Đầu tư Việt Nam – Oman để thu hút đầu tư từ Trung Đông, lập Công ty Cơ sở hạ tầng trên cơ sở góp vốn của REE và Lilama, thực hiện 2 khoản đầu tư vào Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Thủy điện Thác Bà…, mới đây nhất là thành lập Công ty Cơ sở hạ tầng viễn thông với Tập đoàn CMC.

Ông Tá giải thích, trong thời gian đầu, hoạt động đầu tư chưa được nhiều vì trọng tâm là thoái vốn, cơ cấu lại vốn và củng cố vai trò tại các doanh nghiệp được chuyển giao. SCIC cần phải là nhà đầu tư tốt tại những doanh nghiệp đó, trước khi trở thành một nhà đầu tư lớn trên thị trường. Đó cũng là sự khác biệt để tạo cơ sở giải quyết yêu cầu xóa dần cơ chế “3 trong 1” nói trên.

Hiện SCIC đã tiếp nhận 892 doanh nghiệp, giá trị sổ sách 6.925 tỷ đồng; đã bán vốn tại 114 doanh nghiệp, trong đó bán toàn bộ vốn nhà nước tại 102 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 231 tỷ đồng, thu về 650 tỷ đồng.

Chủ trương Chính phủ đã định hướng là đồng vốn giữ lại phải là vốn “đầu tư” thực sự tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, thay cho vốn “cấp phát” trước đó. Với đồng vốn này, SCIC cũng phải tạo được những đổi thay cho chính bản thân, trở thành một nhà đầu tư năng động và hiệu quả, một cổ đông bình đẳng thay cho “hình ảnh” về một đầu mối chỉ tiếp nhận, thoái vốn và đại diện.

Ông Tá khẳng định: “SCIC có vai trò bình đẳng như bất kỳ cổ đông nào khác của doanh nghiệp. Chúng tôi không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Mặt khác, SCIC cố gắng đóng vai trò cổ đông năng động, vừa bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, vừa bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các đề án tái cơ cấu, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp…”.

Doanh nghiệp, thị trường chờ đợi SCIC khẳng định được và mở rộng được vai trò mà ông Tá nói, bởi phía sau đó là lợi ích về cơ chế chung, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bước đầu, số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi tiếp nhận đến cuối năm 2008, hoạt động của các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC khá khả quan: vốn điều lệ trung bình tăng 36%, doanh thu tăng 44% và lợi nhuận tăng 105%; các chỉ tiêu khác như lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) bình quân đạt 6,4%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 17,5%.

Trong mục tiêu đến năm 2020, SCIC xác định sẽ chỉ giữ lại vốn và đầu tư phát triển khoảng 80 doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực kinh tế then chốt, đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Với mục tiêu này, nếu SCIC tạo được những đổi thay về cơ chế, khẳng định vai trò của một công cụ quản lý, một cổ đông, một nhà đầu tư, thì tầm ảnh hưởng đối với nền kinh tế sẽ rất lớn, nhất là khi “siêu tổng công ty” dự kiến mục tiêu đến năm 2015 sẽ tiếp nhận 1/3 vốn nhà nước tại các tập đoàn và tổng công ty.