08:19 08/03/2012

Sẽ có “quà” trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?

Minh Đức

Năm 2012, một lần nữa có thể một số ngân hàng sẽ có “quà” trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

Bên cạnh các yêu cầu nội tại hợp lý của mỗi ngân hàng, cơ sở để đặt ra “món quà” đó còn có từ tiền lệ vừa tạo ra trong năm 2011.
Bên cạnh các yêu cầu nội tại hợp lý của mỗi ngân hàng, cơ sở để đặt ra “món quà” đó còn có từ tiền lệ vừa tạo ra trong năm 2011.
Năm 2012, một lần nữa có thể một số ngân hàng sẽ có “quà” trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Các ngân hàng thương mại sắp sửa bước vào mùa đại hội cổ đông thường niên. Khác với năm ngoái, một số chỉ tiêu buộc phải thay đổi do điều chỉnh chính sách (cụ thể là tín dụng), năm nay cơ bản định hướng chung là chủ động.

Từ ví dụ Eximbank…

Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), 2011 là năm đầu tiên đánh dấu lợi nhuận trước thuế vượt trên mức 4.000 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu đề ra là 3.000 tỷ đồng. Năm nay, có thể một chỉ tiêu cao hơn nữa sẽ được đặt ra, khoảng 5.000 tỷ đồng.

Sau hai năm tập trung củng cố chất lượng hoạt động 2008 và 2009, từ năm 2010 Eximbank bắt đầu có sự bứt phá nhanh. Với sự bứt phá đó, nếu đặt chỉ tiêu 5.000 tỷ đồng lợi nhuận thì cũng dễ hiểu, song áp lực sẽ là rất lớn.

Năm 2011, ban đầu ngân hàng này đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 68%. Ngay sau đó chỉ tiêu buộc phải điều chỉnh xuống 19,98% khi Ngân hàng Nhà nước ra chủ trương cào bằng giới hạn tăng trưởng dưới 20%, thực hiện nghị quyết của Chính phủ. Năm nay, dù ở nhóm 1 song chỉ tiêu được giao 17% là một mức thấp. Thấp khi đặt trong khả năng chỉ tiêu lợi nhuận có thể là 5.000 tỷ đồng, khi tín dụng vẫn là nguồn thu chính không chỉ riêng Eximbank mà chung ở các nhà băng khác.

Trước mắt, thành viên có thế mạnh ở mảng tài trợ và thanh toán xuất nhập khẩu này vẫn phải hoạch định kế hoạch kinh doanh theo chỉ tiêu tăng tín dụng được giao đó. Song, sẽ không bất ngờ nếu họ nhận được một “món quà” từ chính sách…

Nhìn theo tiền lệ

“Món quà” tính tới là Ngân hàng Nhà nước sẽ nới giới hạn tăng trưởng tín dụng năm 2012 lên trên 17%. Ở đây không chỉ khả năng đặt ra với Eximbank, mà với các ngân hàng khác.

Giả sử được như vậy, Eximbank hay một thành viên nào đó được nới, họ có thêm điều kiện để cân đối các nguồn vốn cho hoạt động và phát triển hợp lý hơn. Chiếc áo cỡ 17% hiện nay có thể là quá chật với một số thành viên, hay gắn với một cơ thể béo phì do ứ năng lượng mà khó đốt cháy ngoài kênh tín dụng. Như tại Eximbank, hệ số an toàn vốn (CAR) hiện trên dưới 17%, là rất cao so với quy định của Ngân hàng Nhà nước (9%), mà một tỷ lệ cao như vậy có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Với những trường hợp đó, được nới chỉ tiêu tăng tín dụng là điều kiện để họ giải phóng thêm năng lượng. Tất nhiên, để nới phải gắn với các tiêu chí an toàn, hiệu quả và dòng vốn được nắn vào các lĩnh vực khuyến khích…

Bên cạnh các yêu cầu nội tại hợp lý của mỗi ngân hàng, cơ sở để đặt ra “món quà” đó còn có từ tiền lệ vừa tạo ra trong năm 2011.

Ngày 7/3, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) công bố quyết định giảm lãi suất cho vay. Một chi tiết trong đó được chú ý: năm 2011, LienVietPostBank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng trưởng tín dụng lên tới 30,16%, cao hơn rất nhiều so với giới hạn chung 20%.

Với thông tin công bố rời rạc và chưa đầy đủ, lúc này thị trường ghi nhận đã có 3 thành viên được vượt xa giới hạn tăng trưởng tín dụng như vậy trong năm 2011 (cùng với LienVietPostBank là MB và VietinBank).

Nhiều hay ít thành viên được vượt xa giới hạn không quan trọng, quan trọng là một tiền lệ đã có. Có những cách hiểu theo các góc nhìn khác nhau, trong đó có thể hiểu là chính sách đã không cứng nhắc, có sự linh hoạt để phù hợp với thực tế.

Năm 2012, hoàn toàn có thể tính đến sự linh hoạt tương tự, đồng nghĩa với 17% chưa hẳn đã là giới hạn tối đa với tất cả các ngân hàng. Những “món quà” có thể xuất hiện từ nửa cuối năm. Nếu vậy, cũng sẽ là hợp lý khi tính toán các yêu cầu cân đối vĩ mô.

Và của để dành cho chính sách

Theo thông tin từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/3 vừa qua, hiện có 9 tổ chức tín dụng yếu kém và chiếm khoảng 6% thị phần hệ thống.

Có thể hiểu 9 thành viên này không được tăng trưởng tín dụng. Không rõ 6% thị phần đó xét theo quy mô nào, tổng tài sản, tín dụng hay huy động? Cứ cho là về tín dụng, thì phần chỉ tiêu theo định hướng của Chính phủ năm nay (tối đa 17%) tạm đóng băng ở nhóm này theo ước tính của người viết vào khoảng 27.000 tỷ đồng. Phần này sẽ được dùng làm “quà” cho chính họ nếu tự thân tạo thoát khỏi tình trạng yếu kém, hoặc cho những thành viên khác đang cần nới chỉ tiêu.

Đó là một nhóm. Góp thêm phần chỉ tiêu tạm cắt tương tự tại nhóm 2 và nhóm 3 (định hướng chung được tăng trưởng tối đa 17%, nhưng hiện chỉ được 8% và 15%), của để dành cho chính sách là đáng kể, có thể chia lại linh hoạt theo thực tế hoạt động của các ngân hàng.

Chia lại cũng là một yêu cầu. Năm nay, Chính phủ đã xác định các chỉ tiêu của nền kinh tế, trong đó cặp tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng mà mối liên hệ đã được tính toán và cân đối. Cụ thể, tăng trưởng GDP ở khoảng 6% - 6,5%, tăng trưởng tín dụng khoảng 15% - 17%. Một sự hụt đi của tăng tín dụng theo chỉ tiêu đó có thể ảnh hưởng đến sự cân đối. Hay nếu dùng hết mức tăng tín dụng 17% thì cũng là hợp lý, nếu chỉ tiêu đó được xác định hợp lý.