22:53 21/04/2009

Sẽ sớm xử lý những bất cập trên thị trường ngoại tệ

Nguyên An

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về biến động của tỷ giá những ngày qua và việc niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: M.Đức.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: M.Đức.
Những ngày cuối tuần qua và đầu tuần này, giá USD trên thị trường tự do có thời điểm lên tới gần 18.300 VND.

Đáng chú ý là sau gần một năm trở lại đây, “hiện tượng” các ngân hàng thương mại đồng loạt đặt giá mua vào USD ngang bằng với giá bán ra, và cùng kịch trần biên độ cho phép, lại xuất hiện (trong ngày 21/4 là 17.786 VND). Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ thay đổi từ 1 - 2 VND.

Ngày 21/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã trao đổi với báo giới xung quanh những diễn biến trên.

Về những biến động của tỷ giá trên thị trường tự do vừa qua, một số thông tin cho rằng một phần do có hiện tượng nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế không bán ngoại tệ cho các ngân hàng dẫn đến cung ngoại tệ từ ngân hàng bị ảnh hưởng. Theo Thống đốc, làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Nói về chính sách quản lý ngoại hối thì chúng ta biết điều hành chính sách tỷ giá là linh hoạt và theo quan hệ cung cầu. Thủ tướng hôm qua (20/4) cũng đã phát biểu tại Hồng Kông là quý 1 năm nay chúng ta rất thuận lợi so với các năm, lần đầu tiên chúng ta xuất siêu khá lớn, 1,65 tỷ USD, rất lớn. Tất nhiên có hiện tượng găm giữ và làm giá ở thị trường diễn ra trong một vài ngày qua.

Theo tôi có nhiều lý do, như lý do tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đánh giá khủng hoảng và thông tin khủng hoảng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tôi không bình luận về các ý kiến này nhưng mà những ý kiến này cũng làm ảnh hưởng thị trường.

Chúng tôi đang có những văn bản chỉ đạo và phối hợp với các ngành hữu quan để xem xét vấn đề này như với Bộ Công an, lực lượng quản lý thị trường, ủy ban nhân dân các địa phương.

Có ý kiến cho rằng trong điều kiện nào đó phải quay về kết hối, yêu cầu các tổ chức nắm giữ ngoại tệ bán một tỷ lệ nào đó cho ngân hàng?

Cái đó thì đến nay rất nhiều ngân hàng thương mại kiến nghị, nhưng việc đó là quyền của Thủ tướng theo Pháp lệnh ngoại hối, không phải quyền của Thống đốc.

Nói chung việc này chúng ta đã từng làm và nó cũng bình thường thôi. Nó chẳng có vấn đề gì phức tạp. Năm 1999 - 2001 ta cũng đã kết hối ngoại tệ.

Trên thực tế hiện nay có những mặt hàng vẫn niêm yết bằng USD. Tỷ giá tăng cao sẽ gây rủi ro cho người mua hàng. Ý kiến của Ngân hàng Nhà nước như thế nào về chuyện này?

Căn cứ vào luật pháp thôi. Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối không cho phép niêm yết giá bằng ngoại tệ trên thị trường Việt Nam. Trong trường hợp muốn niêm yết được bằng ngoại tệ phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Có các cơ quan thẩm quyền khi phát hiện anh vi phạm pháp luật thì xử theo pháp luật…

Việc quản lý ngoại hối của nhà nước thì ban hành đầy đủ các văn bản nhưng thực thi trong cuộc sống có những diễn biến không phù hợp với pháp luật mà chúng ta chưa nghiêm trị. Ví dụ, trong hệ thống ngân hàng nếu các đại lý, bàn thu đổi ngoại tệ nào không thực hiện đúng theo Quyết định 21 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì tới đây tôi sẽ buộc thu hồi ngay giấy phép. Đồng thời giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại cấp giấy sai thì chúng tôi cũng xử lý. Vài ba hôm nữa sẽ có văn bản.

Nhưng có doanh nghiệp cho rằng trước họ đã có những trường hợp đã làm mà không ai nói gì và họ vẫn tiếp tục làm?

Không, phải tuân thủ pháp luật. Pháp luật là tối thượng và quy định của pháp luật là phải chấp hành. Không được nói như thế. Đối với chuyện đó, nói rằng thấy người ta làm mà mình làm là không được. Ý thức của người dân trong một quốc gia là phải chấp hành pháp luật.

Vậy có phải do xử lý chưa ngiêm nên tình trạng vẫn kéo dài?

Cái đó các ngành pháp luật sẽ suy nghĩ để có hướng quản lý.

Xin hỏi Thống đốc về vấn đề khác. Vừa qua giá chứng khoán tăng mạnh trở lại, nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn về nguồn tiền đổ vào thị trường, trong đó có lo ngại về khả năng có nguồn tiền từ vốn kích cầu. Thống đốc có ý kiến gì không?

Không nên chỗ này đổ chỗ kia mà chúng ta phải tạo lòng tin cho thị trường. Riêng về cho vay đầu tư chứng khoán đến nay dư nợ ở các ngân hàng vẫn ở 6.900 tỷ đồng, so với đầu năm 2009 là không tăng. Còn việc gói kích cầu cho vay theo dự án mà dự án đó khả thi thì kiểm soát được. Không nên đặt vấn đề này, suy luận như thế là không nên và không có cơ sở.