10:16 20/07/2009

Sẽ ưu đãi tín dụng cho thương nhân vùng khó khăn

Công Lý

Mức vốn cho vay đối với thương nhân là cá nhân tối đa là 30 triệu đồng

Hoạt động ở vùng khó khăn thương nhân sẽ được ưu đãi về tín dụng - Ảnh: Thu Hằng.
Hoạt động ở vùng khó khăn thương nhân sẽ được ưu đãi về tín dụng - Ảnh: Thu Hằng.
Từ ngày 5/9 tới, những thương nhân đang hoạt động tại các vùng khó khăn của đất nước sẽ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Đó là nội dung của Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg và được xem là một đòn bẩy kích thích sự phát triển đồng đều giữa các vùng của nền kinh tế.

Theo Quyết định 92, đối tượng thương nhân trong vùng khó khăn được vay vốn phải là thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn. Mức vốn cho vay đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế tối đa là 30 triệu đồng.

Những thương nhân là cá nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và kê khai nộp các loại thuế theo quy định được hưởng mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng. Thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp có mức cho vay tối đa là 500 triệu đồng. Thương nhân vùng khó khăn được hưởng mức lãi suất cho vay áp dụng bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Thời hạn cho vay được xác định theo các loại cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhưng tối đa không quá 5 năm. Thời hạn gia hạn nợ đối với các khoản vay vốn ngắn hạn tối đa không quá 1 năm. Các khoản cho vay trung và dài hạn, thời hạn gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng.

Để được vay vốn, thương nhân phải được ủy ban nhân dân cấp xã nơi thương nhân hoạt động thương mại xác nhận có thực hiện hoạt động thương mại thường xuyên trên địa bàn. Ngoài ra phải có vốn tự có tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn vay. Bên cạnh đó phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định, riêng trường hợp thương nhân vay vốn đến 30 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

TS. Phạm Thanh Hà, Học viện Hành chính - Chính trị khu vực I cho rằng, tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được quy định tại Quyết định 92 chính là việc sử dụng nguồn tài chính của Nhà nước để cho vay phát triển thương mại tại những vùng khó khăn. Nguyên tắc vay vốn vẫn áp dụng theo các quy định về giao dịch bảo đảm tiền vay, ở đây điều duy nhất các thương nhân được hưởng là mức vốn vay tăng lên, nhất là khoản vốn vay không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Trước đây nhiều lần Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đề nghị Chính phủ cho tăng mức vốn vay không phải thực hiện bảo đảm tiền vay từ 10 triệu đồng lên 30 triệu đồng từ lâu đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng chưa được Chính phủ đồng ý. Việc cho thương nhân vùng khó khăn vay đến 30 triệu đồng không cần tài sản bảo đảm đáng ra phải thực hiện từ lâu và cũng không nên bó hẹp đối tượng chỉ là thương nhân mà phải cho cả hộ sản xuất, kinh doanh cá thể như phía Agribank đề xuất...

TS. Phạm Thanh Hà nói thêm, có điểm cần làm rõ trong Quyết định 92 là quy định thương nhân phải hoạt động thường xuyên tại vùng khó khăn. Thế nào là hoạt động thường xuyên? Phải hoạt động liên tục trong thời gian bao lâu mới được xem là thường xuyên? Nếu không quy định rõ thì ủy ban nhân dân cấp xã sẽ khó xác định được để chứng nhận cho thương nhân đó. Thực tế hiện nay việc xin xác nhận ở cơ quan hành chính cấp xã tương đối dễ dàng, vì vậy nếu không có những quy định chặt chẽ, không có sự giám sát thì những ưu đãi này sẽ trao  nhầm đối tượng.

Nói về những ưu đãi cho thương nhân vùng khó khăn, ông Trần Bảo Giám, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, quyết định này sẽ trở thành đòn bẩy kích thích sự phát triển của nền kinh tế những vùng khó khăn của đất nước, nhất là những vùng núi, vùng sâu xa. Đặc trưng của các thương nhân hoạt động tại miền núi phần lớn là tham gia thị trường bán lẻ, trong đó chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể.

Theo thống kê cách đây chưa lâu, hiện cả nước có 1.859.218 cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đang hoạt động ở các tỉnh miền núi, vùng cao. Trong những năm gần đây tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các tỉnh miền núi là hơn 280 nghìn tỉ đồng mỗi năm.