08:41 05/11/2010

“Siết” lãi suất huy động USD để phá băng găm giữ?

Kim Tuấn

VAFI đề xuất áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ 1% với mọi đối tượng nhằm hóa giải trạng thái găm giữ ngoại tệ trong dân cư

Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại là rất lớn, chiếm khoảng 50% - 60% trong tổng số tiền gửi ngoại tệ.
Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại là rất lớn, chiếm khoảng 50% - 60% trong tổng số tiền gửi ngoại tệ.
Áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ 1%/năm đối với mọi đối tượng nhằm hóa giải trạng thái găm giữ ngoại tệ trong dân cư để ổn định tiền tệ, chống Đô la hóa.

Đây là đề xuất mà Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước đã có quy định áp đặt mức trần tiền gửi USD với các tổ chức là 1%/năm. Theo VAFI, đây là chính sách đúng đắn, nhưng chưa đủ để xóa đi tâm lý đầu tư, đầu cơ tích trữ ngoại tệ từ khu vực dân cư.

Văn bản của hiệp hội này, dẫn ý kiến của một số nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng cần áp dụng chính sách không cho hưởng lãi từ việc gửi ngoại tệ hoặc đánh thuế lũy tiến đối với tiền gửi ngoại tệ nhằm tạo khoảng cách xa giữa lãi suất tiền gửi VND và ngoại tệ, từ đó kích thích dân cư chuyển tiền gửi sang VND, giảm lượng cầu ngoại tệ và đưa dòng ngoại tệ vào khu vực sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại là rất lớn, chiếm khoảng 50% - 60% trong tổng số tiền gửi ngoại tệ.

Nếu áp dụng đề xuất trên, VAFI tính toán rằng người gửi tiền sẽ có sự so sánh về mức lãi suất cộng với tỷ lệ lạm phát và họ sẽ thấy rằng gửi VND là có lợi hơn nhiều so với gửi ngoại tệ. Người gửi tiền cũng sẽ không mua USD nữa mà lựa chọn gửi VND. Người đầu cơ sẽ không mua và không găm giữ USD nữa, sẽ bán nhanh USD để chuyển sang gửi VND, như vậy sẽ có sự dịch chuyển lớn từ USD sang VND và từ đó tỷ giá sẽ giảm như mức mà ngân hàng nhà nước công bố.

Mặt khác, triển khai cơ chế trên cũng sẽ “làm cho VND có giá trị hơn, từ đó có cơ sở để từng bước hạ lãi xuất huy động VND và góp phần giảm lạm phát”.

Tuy nhiên, đầu mối đại diện cho giới đầu tư Việt Nam cũng tính đến một số điểm cần lưu ý nếu áp dụng trần lãi suất tiền gửi 1% nói trên. Đó là việc hạn chế quyền của người dân, hai là cần xác định điểm đến của nguồn ngoại tệ nếu người dân không gửi ở ngân hàng do lãi suất thấp.

Ở điểm lưu ý thứ nhất, VAFI lập luận rằng “nghiên cứu các văn bản về chính sách tiền tệ thì không thấy có qui định như vậy”; mặt khác, “chống Đô la hóa trong nền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, chủ trương này đã thể hiện trong nhiều văn bản qui phạm pháp luật, cho nên đưa ra qui định khống chế tiền gửi ngoại tệ là hoàn toàn có cơ sở pháp luật”.

Ở sự dịch chuyển nguồn ngoại tệ nếu lãi suất bị áp trần mức thấp, VAFI đã làm cuộc thăm dò và thấy rằng: “Người gửi ngoại tệ khó chuyển sang mua vàng vì vàng trong nước và thế giới đã quá cao. Kinh tế thế giới nhất định phục hồi và phát triển, khi đó giá vàng sẽ hạ và việc đầu tư vào vàng là hết sức rủi ro, không sinh lời;

Đại bộ phận người gửi ngoại tệ sẽ không cất giữ tiền ở nhà vì không yên tâm và rất nguy hiểm (do trộm cắp…). Các nước phát triển trên thế giới an ninh hơn ta rất nhiều nhưng đại bộ phận người dân vẫn cất giữ tiền trong ngân hàng mặc dù lãi xuất tiền gửi chỉ hơn 0%/năm”.

Nhưng liệu người gửi ngoại tệ có chuyển sang mua đất hay không? VAFI dự tính là có, nhưng không nhiều, “vì giá đất ở các đô thị hiện nay là quá cao, hơn nữa nhiều người gửi ngoại tệ đã có danh mục tài sản là đất đai nhà cửa”.

“Nếu người gửi ngoại tệ chuyển một phần vốn sang đầu tư bất động sản trong giai đoạn hiện nay thì cũng tốt hơn là găm giữ USD vì thị trường bất động sản đang trầm lắng, hơn nữa chuyển USD sang bất động sản thì cũng là đưa vốn vào sản xuất kinh doanh”, VAFI phân tích.

Và ở kênh chứng khoán, sự dịch chuyển cũng được nhân định là có, vì thị trường chứng khoán hiện được cho là hấp dẫn về đầu tư giá trị.

“Ngoài những mục tiêu trên thì người gửi ngoại tệ vẫn có thể tiếp tục gửi tiền trong ngân hàng, chấp nhận mức lãi xuất tiền gửi thấp và đây là cơ hội cho các ngân hàng hạ lãi xuất huy động các loại tiền gửi khi có điều kiện thuận lợi”, VAFI bổ sung thêm.

Trước khi có đề xuất của VAFI, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 03/2010/TT-NHNN quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng.

Cụ thể, từ ngày 11/2/2010, mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng được ấn định tối đa là 1,0%/năm. Đây được xem là một trong những giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp bán lại USD cho các ngân hàng thay cho trạng thái găm giữ trước đó.

Còn với tiền gửi USD của cá nhân, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã lên tới 5% - 5,6%/năm trong thời gian qua.