09:01 26/04/2009

Sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước: Giao quyền nhưng phải đủ tầm

Nguyễn Hoài - Tuấn Linh

Sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước theo hướng nào đang còn là vấn đề gây tranh cãi

Sau khi sửa đổi, tính độc lập của  Ngân hàng Nhà nước đến mức độ nào là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm - Ảnh: Việt Tuấn.
Sau khi sửa đổi, tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước đến mức độ nào là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại hội thảo "Hướng tới sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng" ngày 24/4, Ban soạn thảo đã kiến nghị sửa đổi sáu vấn đề trong luật hiện hành.

Đó là các vấn đề: địa vị pháp lý, mục tiêu hoạt động, chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, điều kiện cơ bản đảm bảo hoạt động của Ngân hàng Nhà nướcvà các yêu cầu đối với cơ quan này trong việc đảm bảo sự minh bạch, công khai, rõ ràng trong quản lý và thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những kiến nghị này mới chỉ "mấp mé" yêu cầu thực tiễn.

Dựa được bao nhiêu hay bấy nhiêu?

Ông Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong quá trình sửa đổi luật này, cần chú ý tới sự mở rộng tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước đến mức độ nào. Trên thế giới, hiện có ba mô hình cho ngân hàng trung ương: độc lập, trực thuộc Chính phủ hoặc Bộ Tài chính.

Việt Nam áp dụng mô hình Ngân hàng  Nhà nước trực thuộc Chính phủ và Thống đốc là thành viên Chính phủ. Ông Lịch cho rằng, lựa chọn mô hình Ngân hàng Nhà nước đặt dưới quyền kiểm soát nào là vấn đề đặc biệt quan trọng bởi điều này phụ thuộc vào hệ thống chính trị và tổ chức nhà nước Việt Nam. Do đó, nên tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài ở mức độ vừa phải sao cho phù hợp vì khi một hệ thống mà đã "vênh" thì hệ thống đó dù "hay" cỡ nào cũng khó có thể hoạt động trơn tru.

Chẳng hạn, Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định: quyết định cao nhất đối với chính sách tiền tệ là Quốc hội. Vậy thì phải sửa Luật Ngân hàng Nhà nước, sửa tính độc lập và vai trò quyết định của Thống đốc phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các luật khác; không nên đòi hỏi mô hình Ngân hàng Nhà nước độc lập hoàn toàn như ở Mỹ.

Đồng quan điểm, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói: độc lập chỉ mang tính tương đối, áp dụng trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ và không được đối lập, xung đột với các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội là cơ quan quyết định chính sách tiền tệ chứ không phải Ngân hàng Nhà nước và sẽ trao quyền chủ động sử dụng các công cụ điều hành cho Thống đốc. "Không thể kéo dài tình trạng, hơi một tí lại trình Chính phủ, tỷ giá cũng xin ý kiến, lãi suất bao nhiêu cũng hỏi Chính phủ, Chính phủ cho làm thì mới làm", bà Hương nói. Tất nhiên, khi trình Chính phủ thì Ngân hàng Nhà nước"khỏe re", không phải chịu trách nhiệm nhưng điều này tạo ra sự chậm trễ, trong khi quyết sách phải nhanh để phù hợp với biến động của thị trường.

Nhìn chung hai ý kiến này đều đồng nhất với kiến nghị sửa đổi của Ban soạn thảo nhưng theo ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, không phải đến bây giờ mới mang vấn đề địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước ra để bàn cãi. Điều này đã được khẳng định nhiều lần trong các văn bản pháp lý trước đó nhưng vì thẩm quyền và năng lực thực sự của Ngân hàng Nhà nước chưa rõ và chưa đủ tầm.

Ông Kiêm nói: "Sở dĩ thẩm quyền chưa đủ là vì năng lực làm việc chưa đủ. Do đó, có đôi lúc còn có tư tưởng sợ giao việc quá sức, có lúc nhận việc lại sợ trách nhiệm. Vì thế, dựa được bao nhiêu hay bấy nhiêu!".

Làm rõ cách thức điều hành

Mô hình ngân hàng Trung ương của nhiều nước đều giống nhau ở chỗ: cơ quan này là ngân hàng "mẹ" của tất cả ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng . Vậy, vai trò này thể hiện như thế nào?

Có ý kiến cho rằng, có hai vấn đề quan trọng hiện nay còn khiếm khuyết. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng trong quản lý hoạt động của ngân hàng thương mại về phương diện nhà nước. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước phải giữ vai trò là người cho vay cuối cùng thông qua nghiệp vụ chiết khấu và tái chiết khấu, thông qua sử dụng các thương phiếu, điều mà hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa làm.

Nhất trí với quan điểm này, ông Lịch nói: "Nếu giải quyết được vấn đề này và thể chế bằng luật thì mới mong tiến tới chỗ Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lãi suất, công cụ điều tiết thông qua lãi suất chiết khấu và tái chiết khấu và mới bỏ được lãi suất cơ bản". Điều này không phải không có cơ sở, bởi lẽ, hiện nay chưa thể bỏ được lãi suất cơ bản vì công cụ điều tiết lãi suất thị trường vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào lãi suất cơ bản.

Nếu hai bộ Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng giải quyết được bất cập này, vai trò của ngân hàng Trung ương sẽ được nâng cao hơn. Lúc đó, cơ quan này sẽ mang đầy đủ vai trò ngân hàng "mẹ" của các ngân hàng thương mại và nhờ đó, uy tín của ngân hàng Trung ương đối với ngân hàng thương mại sẽ được nâng lên, việc kiểm soát lãi suất thị trường sẽ thông qua các công cụ chiết khấu và tái chiết khấu thay vì lãi suất cơ bản.

Liên quan đến vấn đề này, ông Kiêm nhấn mạnh thêm: trong việc thực thi chính sách tiền tệ phải làm rõ cả hình thức và cách thức điều hành. Gần đây, có không ít chính sách đáng lẽ thuộc về chức năng của Ngân hàng Nhà nước thì lái dần sang “sân” của cơ quan khác. Lý do là khi Chính phủ muốn quyết một vấn đề nào đó về chính sách tiền tệ nhưng khi Ngân hàng Nhà nước đưa lên, Chính phủ không yên tâm với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, buộc phải "nghe bên này bên kia", nghe thì phải sử dụng bộ máy tham mưu.

"Bởi thế, Chính phủ phải sử dụng rất nhiều vai trò Hội đồng Tư vấn do hội đồng này tham mưu, định hướng tốt và đưa ra được những giải pháp, giải quyết bức xúc trong vấn đề lạm phát và chống suy thoái", ông Kiêm nhận xét.