23:12 27/09/2010

Sửa đổi Thông tư 13: Một từ nhỏ, giá trị lớn?

Minh Đức

Về hình thức, văn bản sửa đổi và bổ sung Thông tư 13 không nhiều thay đổi. Nhưng chỉ một từ trong đó có thể mang lại giá trị lớn

Có thể kỳ vọng những điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước là một hướng hỗ trợ đối với các tổ chức tín dụng về nguồn vốn để cùng với các giải pháp hỗ trợ khác hướng tới định hướng hạ dần lãi suất.
Có thể kỳ vọng những điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước là một hướng hỗ trợ đối với các tổ chức tín dụng về nguồn vốn để cùng với các giải pháp hỗ trợ khác hướng tới định hướng hạ dần lãi suất.
Về hình thức, văn bản sửa đổi và bổ sung Thông tư 13 chỉ vẻn vẹn 3 trang A4, không nhiều thay đổi. Nhưng chỉ cần một từ trong đó có thể mang lại giá trị lớn.

Cuối cùng, kết quả sửa đổi và bổ sung Thông tư 13 đã được Ngân hàng Nhà nước “chốt” lại và công bố vào cuối chiều 27/9. Đó là Thông tư 19.

Về cơ bản, việc sửa đổi, bổ sung chỉ tập trung ở ba “vùng” nội dung. Nếu nhìn lại những kiến nghị dài 9 trang từ ý kiến của các thành viên thị trường, qua đầu mối Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tập hợp trước đó, có thể là những tiếng thở dài chưa thỏa mãn.

Dễ hiểu khi suốt thời gian qua, một nội dung được nhiều ý kiến tập trung nhấn mạnh và phân tích đã không được đáp ứng. Đó là việc xét lại hệ số rủi ro (250%) đối với các khoản cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán, nhưng không có một từ nào trong Thông tư 19 đề cập đến. Hay kiến nghị đưa tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế vào vốn huy động để cho vay cũng chỉ được xét ở mức 25%. Rồi kiến nghị có thể giãn lộ trình thực hiện nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% cũng không được chấp thuận…

Thế nhưng, trong ba “vùng” nội dung đó, những quy định sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 19 đã mang lại giá trị lớn cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng. Giá trị này, trước hết, được nhìn nhận ở góc độ tiếp cận văn bản pháp luật, hiểu theo nghĩa các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép làm “những gì pháp luật không cấm”.

Hay nói cách khác, đó là một giá trị ngoại suy mà không thể hiện trực tiếp ở các câu chữ, hay quy định cụ thể, chi tiết theo những điều chỉnh, bổ sung mới cho Thông tư 13.

Nội dung đầu tiên của Thông tư 19 đề cập đến việc sửa đổi quy định trong Khoản 2 Điều 1. So với Thông tư 13, ở đây cũng vẫn là 5 “gạch đầu dòng” các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Thông tư. Thế nhưng đã có một chi tiết khác biệt.

Cụ thể, Điểm đ, của Khoản 2 Điều 1 đã có điều chỉnh là: “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” thay cho “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” trong quy định của Thông tư 13. Mấu chốt giá trị nằm ở đây.

Một cách hiểu ngoại suy khi tiếp cận Thông tư 19, chỉ một điều chỉnh “nhỏ” ở trên, giữa “từ”“so với” đã thay đổi bản chất của quy định và ràng buộc đối với nguồn vốn mà các tổ chức tín dụng được phép dùng để cho vay. Tức là, quy định về tỷ lệ cấp tín dụng là đối với nguồn vốn “từ nguồn vốn huy động”. Ở đây có thể hiểu là nó độc lập với nguồn vốn tự có của các nhà băng.

Nói một cách hình ảnh, thay vì quy định an toàn khi tham gia giao thông, anh phải trang bị bảo hiểm cho tất cả các bộ phận trên cơ thể; nhưng theo điều chỉnh mới, anh chỉ phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ bộ phận quan trọng nhất và nhiều rủi ro nhất; các bộ phận khác có thể “thoải mái” hơn.

Dĩ nhiên, cách hiểu ngoại suy trên đối với quy định đó trong Thông tư 19 có thể cần sự giải thích cụ thể hơn từ Ngân hàng Nhà nước. Nhưng, một suy tính thông thường, khi chỉ quy định “từ nguồn vốn huy động”, mặc nhiên nguồn vốn tự có được loại trừ. Các ngân hàng theo đó có điều kiện thuận lợi hơn nhiều khi sử dụng nguồn vốn tự có và nguồn vốn này không chịu ràng buộc bởi tỷ lệ cấp tín dụng theo quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong Thông tư.

Đi cùng với điều chỉnh trên, Mục 5 của Thông tư 13 cũng được thay đổi theo. Cụ thể, “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” (Thông tư 13) được thay bằng “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” (Thông tư 19). Rõ ràng, đã có thay đổi lớn. Và theo đó, tỷ lệ giới hạn 80% đối với ngân hàng và 85% đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng về mặt con số vẫn giữ nguyên như Thông tư 13, nhưng về bản chất đã thay đổi, nó không bao hàm nguồn vốn tự có.

Tất nhiên, trong hoạt động, tỷ lệ đó cao hay thấp đi cùng với hiệu quả sử dụng vốn của các nhà băng, cũng như đi cùng với các mức độ rủi ro. Nhưng điều chỉnh trên của Ngân hàng Nhà nước có thể xem là một hướng cởi mở hơn trước đó.

Ngoài điều chỉnh trên, Thông tư 19 cũng đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có thể sử dụng thêm nguồn vốn từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, từ tiền vay của các tổ chức tín dụng khác có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế để cho vay. Trong đó, 25% tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, không trọn vẹn 100% như kiến nghị từ các thành viên, nhưng có còn hơn không.

Xét rộng hơn, có thể kỳ vọng những điều chỉnh trên của Ngân hàng Nhà nước là một hướng hỗ trợ đối với các tổ chức tín dụng về nguồn vốn, và liên quan dĩ nhiên là giảm thiểu chi phí, để cùng với các giải pháp hỗ trợ khác hướng tới định hướng hạ dần lãi suất trong thời gian tới.