15:02 11/05/2012

Tài khóa và tiền tệ bước có cùng nhịp?

Thanh Hiền

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thiếu đồng điệu “đóng góp” không nhỏ trong hiện tượng bất ổn kinh tế Việt Nam?

Ngày 29/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký “Quy chế về phối hợp công tác và trao đổi thông tin” giữa hai cơ quan.
Ngày 29/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký “Quy chế về phối hợp công tác và trao đổi thông tin” giữa hai cơ quan.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã ban hành một loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Mục đích là phối hợp để tạo ra tác động cộng hưởng tích cực. Thế nhưng, chưa có một báo cáo cụ thể nào về việc phối hợp trên đã tích cực đến đâu.

Hội thảo khoa học “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cùng Viện Chiến lược Ngân hàng tổ chức diễn ra sáng 11/5 chỉ cung cấp một phần trong rất nhiều đáp án đang còn bỏ ngỏ cho câu hỏi trên.

Ông Đào Minh Tú, Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước nhận định việc một số ý kiến cho rằng hai chính sách thiếu đồng bộ “quay lưng vào nhau” là chưa phản ánh chính xác tình hình. Mặc dù vẫn còn một số điểm chưa nhịp nhàng, nhưng về cơ bản hai chính sách đã phối hợp khá chặt chẽ thời gian qua.

Ông Tú cho rằng Việt Nam có cơ sở rất thuận lợi để đồng bộ hóa hai chính sách khi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Chính phủ điều hành.

Cụ thể, chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua đã cùng song hành trong mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái theo chỉ đạo chung. Tuy nhiên, vị đại diện cơ quan điều hành chính sách tiền tệ thừa nhận rằng liều lượng và mức độ sử dụng vẫn chưa đủ để tạo ra sức mạnh kết hợp tổng thể. Điều này thể hiện rõ qua quá trình thực thi.

Đơn cử như, trong khi lãi suất giảm để hỗ trợ doanh nghiệp thì cùng lúc giá xăng, điện lại tăng; hay khi tín dụng được nới rộng thì những chính sách tài khóa lại chưa theo kịp để phát triển đầu tư… Những tác động nhiều chiều như vậy khiến doanh nghiệp rất khó xoay trở.

Đại biểu Lê Hải Mơ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, cũng chưa thực sự hài lòng khi cho rằng những chuyển biến trong việc phối hợp giữa hai cơ quan trên mới chỉ phục vụ cho những mục tiêu ngắn hạn, song để giải quyết những vấn đề dài hạn thì chưa có dấu hiệu tích cực.

Hạn chế trên, theo quan sát của ông, có “đóng góp” không nhỏ trong hiện tượng bất ổn kinh tế Việt Nam có xu hướng tái diễn thường xuyên và trầm trọng hơn. Bởi không giải quyết rốt ráo những vấn đề cơ bản, nên hai chính sách bắt tay hợp tác xong lại tản ra. Vấn đề cũ quay lại thành kinh niên.

Thiếu chiến lược bài bản chung cũng là vấn đề chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng tình. Bà ví von những khập khiễng trong chính sách: “Gây cháy tùm lum, xong rồi đi chữa cháy. Chữa cháy xong lại khoe thành tích”.

Phần nào chia sẻ nhận định việc phối kết hợp giữa hai chính sách hiện nay còn nhiều bất cập, bà Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, bản thân chính sách tiền tệ và tài khóa hiện nay vẫn còn đang yếu, thậm chí cơ sở để phối hợp cũng chưa thực sự đủ mạnh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn còn phải gồng mình đáp ứng những yêu cầu cấp bách ngắn hạn, trong khi lẽ ra mục tiêu cần phải tập trung cho trung và dài hạn. Chính sách tài khóa những năm gần đây không thể tận dụng ưu thế tác động trực tiếp, có trọng tâm của mình mà phân bổ dàn trải. Điều này quay lại tạo gánh nặng lên chính sách tiền tệ. Chính việc định hình không rõ ràng chức năng và thiếu chuẩn hóa hệ mục tiêu của cả Bộ Tài Chính lẫn Ngân hàng Nhà nước là nguyên nhân của độ vênh trong thi hành.

Tuy quan điểm cụ thể còn nhiều khác biệt, song đa phần các đại biểu đều chung góc nhìn: mặc dù có chức năng riêng, nhưng hai cơ quan trên cần có chung định hướng để phục vụ mục tiêu cao nhất là giữ ổn định và phát triển nền kinh tế. Chính trong thời điểm suy thoái hiện nay là cơ hội rõ nhất để đánh giá hiệu quả của việc phối kết hợp giữa hai cơ quan chủ đạo trong việc điều hành kinh tế.