05:44 03/04/2010

Tăng trưởng tín dụng quý 1/2010 không hẳn là thấp

Minh Đức

Có khác biệt trong những con số tăng trưởng tín dụng quý 1. Và con số Ngân hàng Nhà nước đưa ra được cho không hẳn là thấp

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết các ngân hàng lớn có thể cân đối cho vay với lãi suất dưới 14%/năm với các khoản ngắn hạn và 14,5%/năm với các khoản trung dài hạn.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết các ngân hàng lớn có thể cân đối cho vay với lãi suất dưới 14%/năm với các khoản ngắn hạn và 14,5%/năm với các khoản trung dài hạn.
Có khác biệt trong những con số tăng trưởng tín dụng quý 1/2010. Và con số mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra được cho không hẳn là thấp.

Ngày 2/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu làm việc cả ngày với lãnh đạo các ngân hàng thương mại trong Nam, ngoài Bắc. Cuộc họp tại phía Nam kéo dài đến gần 19h30 mới kết thúc.

Bất thường các con số?

Ngày 31/3, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 đưa ra những con số đáng chú ý: Tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến 31/3/2010 ước tăng 1,49% so với tháng 2/2010 và tăng 2,95% so với tháng 12/2009.

Tuy nhiên, ngày 2/4, trả lời báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu lại đưa ra một con số khác: Quý 1/2010, dư nợ tín dụng tăng 3,34% so với cuối năm 2009.

Rõ ràng đã có chênh lệch đáng kể và con số 3,34% được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu bình luận “không phải là thấp xét tới điều kiện kinh tế hiện nay”. Và nhìn chung, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đang có xu hướng tăng dần.

Các con số cụ thể và chính thức về tăng trưởng huy động, tín dụng bằng VND, USD, của tổ chức, cá nhân… quý 1/2010 dự kiến sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố trong báo cáo tuần tới.

Trước mắt, những con số khác trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thu hút sự chú ý của dư luận: Tháng 3/2010, dư nợ tín dụng bằng VND ước tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 0,57% so với tháng 12/2009; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước tăng 3,98% so với tháng trước và tăng 14,07% so với tháng 12/2009.

Những con số trên gây bất ngờ, bởi trong những năm gần đây tăng trưởng tín dụng bằng VND thường tăng cao hơn bằng ngoại tệ. Đặc biệt, cùng kỳ năm 2009, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ giảm 2,24% và tiếp tục âm cho đến tháng 5/2009.

Bất ngờ trên được giải thích bằng thực tế là từ đầu năm 2010, khi không còn chính sách hỗ trợ lãi suất như trong năm 2009, lãi suất vay vốn bằng VND liên tục tăng cao, có từ 14% - 17%/năm, cá biệt có những trường hợp lên tới 18%/năm, hay có thể cao hơn ở tín dụng tiêu dùng. Lãi suất cao hạn chế hoạt động vay vốn của doanh nghiệp.

Mặt khác, khi lãi suất cho vay bằng VND lên cao, nhiều doanh nghiệp xoay sang vay bằng USD với lãi suất thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, lãi suất cho vay USD ngắn hạn hiện chỉ khoảng từ 5,5% - 6%/năm, dài hạn từ 6% - 8%/năm. Bên cạnh đó, sau những lần điều chỉnh gần đây, doanh nghiệp kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tương đối ổn định trong thời gian tới. Trường hợp có biến động, rủi ro trong kỳ vay có thể nằm trong sức chịu đựng và dự tính của họ.

Một nguyên do khác khiến tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ tăng đột biến như vậy có từ việc mở rộng đối tượng tiếp cận vốn. Cuối năm 2009, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 25/2009/TT-NHNN, bổ sung thêm 2 đối tượng nhu cầu vốn được vay bằng ngoại tệ, gồm các nhu cầu để thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu; trường hợp cho vay bằng ngoại tệ để sử dụng trong nước, thì khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay…

Hạ lãi suất, khơi thông vốn

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, thông điệp Chính phủ đưa ra là Ngân hàng Nhà nước xem xét để giảm dần mặt bằng lãi suất. Định hướng này nếu triển khai được trên thực tế sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động vay vốn và tăng trưởng tín dụng, khi dư địa phía trước vẫn còn nhiều (theo dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 25%).

Trở lại với buổi làm việc với lãnh đạo các ngân hàng thương mại ngày 2/4, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết các ngân hàng lớn có thể cân đối cho vay với lãi suất dưới 14%/năm với các khoản ngắn hạn và 14,5%/năm với các khoản trung dài hạn; một số trường hợp lãi vay chỉ khoảng 12%/năm.

“Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện các biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần như tích cực hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng ở các kỳ hạn dài hơi hơn, khối lượng lớn hơn so với trước đây, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn và điều chỉnh lãi suất giảm dần phù hợp diễn biến nền kinh tế”, Thống đốc cho biết.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các ngân hàng phía Nam, nguồn tin của VnEconomy cho biết, nội dung chính là xoay quanh việc chuẩn bị triển khai cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay ngắn hạn.

Định hướng đưa ra là với các dự án sản xuất kinh doanh vay vốn dưới 12 tháng nếu hiệu quả, ngân hàng có thể áp dụng cơ chế thỏa thuận lãi suất thay vì bị khống chế bởi mức trần 12%/năm như hiện nay.

“Ở đây, điều mà đại diện một số ngân hàng băn khoăn là việc xác định “hiệu quả” như thế nào, bởi từ trước đến nay mặc nhiên các dự án hiệu quả thì mới cho vay, chẳng lẽ lại cho vay những dự án không hiệu quả, ngoại trừ hoạt động cho vay theo chỉ định, nếu có”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nói.

Dự kiến ngay tuần tới Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng để ban hành một thông tư hướng dẫn cụ thể cơ chế này. Khi chính thức áp dụng, kỳ vọng chung là các nhà băng sẽ có động cơ rõ ràng hơn để đẩy mạnh cho vay, thay vì bám trần 12%/năm với tỷ lệ lãi biên rất hạn chế. Tất nhiên, lãi suất theo thỏa thuận cũng sẽ bao hàm yếu tố cạnh tranh để hút khách.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết các ngân hàng quốc doanh hiện đang có lộ trình lấy lại các khách hàng tốt. Trong lộ trình đó, lãi suất hấp dẫn là một lợi thế. Ngược lại, “các ngân hàng cổ phần sẽ nhìn vào khối quốc doanh để cân nhắc chính sách lãi suất của mình. Nếu họ cho vay càng cao có nghĩa họ phải chấp nhận rủi ro lớn hơn”, Thống đốc nói.