17:11 06/05/2014

Tây Nguyên, cà phê và gói 12.000 tỷ

Minh Đức

Gói 12.000 tỷ vẫn chưa thông suốt, một tháng sau tuyên bố sẵn sàng cung vốn

Để góp phần “trám” lỗ hổng tương lai của cà phê Tây 
Nguyên, Thống đốc Ngân hàng Nhà
 nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố đã sẵn sàng lập chương trình cho vay tái 
canh với quy mô 12.000 tỷ đồng, yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát 
triển nông thôn (Agribank) trực tiếp giải ngân.
Để góp phần “trám” lỗ hổng tương lai của cà phê Tây Nguyên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố đã sẵn sàng lập chương trình cho vay tái canh với quy mô 12.000 tỷ đồng, yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trực tiếp giải ngân.
Tây Nguyên mùa này trắng bạt ngàn hoa cà phê. Một phần diện tích khá lớn trong đó đang đến gần vụ cuối, phải nhổ bỏ. Gói 12.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước trù tính được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên thế hệ kế thừa…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 - 10 năm tới tại Tây Nguyên khoảng 140 - 160 nghìn ha (chiếm trên 20% diện tích cà phê của toàn vùng); trong đó diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có trên 86 nghìn ha, chưa kể khoảng 40 nghìn ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi cho năng suất và chất lượng thấp.

Nếu không kịp thời tái canh, chất lượng và sản lượng cà phê của Việt Nam nói chung chứ không riêng Tây Nguyên sẽ sớm bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, tốc độ tái canh trong thời gian qua diễn ra rất chậm. Từ năm 2012, cả khu vực Tây Nguyên mới chỉ tái canh được khoảng 2.000 ha. Riêng Đắc Nông, diện tích cà phê già cỗi đến nay đã gần 25.000 ha nhưng trong những năm qua mới tái canh được gần 300 ha.

Chưa thể đẩy mạnh giải ngân


Để xử lý vấn đề trên, góp phần “trám” lỗ hổng tương lai của cà phê Tây Nguyên, tại chuyến công tác đầu tháng 4 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố đã sẵn sàng lập chương trình cho vay tái canh với quy mô 12.000 tỷ đồng, yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trực tiếp giải ngân.

Ngoài quy mô trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ áp lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thị trường để hỗ trợ người dân vay vốn. Mặt khác, do cây cà phê trồng mới phải 3-5 năm sau mới cho thu hoạch, nên kỳ hạn cho vay sẽ có từ 3-5 năm, thậm chí 5-7 năm.

Thế nhưng, chính Ngân hàng Nhà nước cũng chưa biết lúc nào mới có thể đẩy mạnh giải ngân gói này.

Lý do, Thống đốc Bình băn khoăn là ngành ngân hàng không thể biết vùng nào ở Tây Nguyên cần quy hoạch, quy hoạch bằng giống gì, trồng xen canh cây gì để bảo đảm người trồng cà phê vẫn có thu nhập nhất định trong quá trình tái canh.

Sau chuyến tìm hiểu thực tế tại địa phương, Ngân hàng Nhà nước kết luận rằng, hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối phê duyệt quy hoạch tái canh cây cà phê. Theo đó, các đầu mối liên quan làm sao phối hợp để sớm “chỉ ra” cho ngân hàng thực hiện cho vay tái canh vào khu vực, đối tượng nào cho hợp lý.

Mặt khác, từ phía người dân, vẫn có ngần ngại trong vay vốn. Bởi lẽ, để tái canh cây cà phê thì họ phải chặt bỏ cây già cỗi và không được trồng lại ngay, mà phải trồng các loại cây khác ngắn hạn trong thời gian từ 1-2 năm. Giai đoạn từ khi trồng cho đến khi cây cà phê cho thu hoạch mất khoảng 2-3 năm, như vậy toàn bộ thời gian từ 3-5 năm người dân không có thu nhập, trong khi vẫn phải đầu tư chi phí khá lớn để trồng lại (khoảng trên 100 triệu đồng/ha).

“Các hộ dân vay ngân hàng để tái canh cây cà phê đòi hỏi thời gian vay dài, chi phí trả lãi nhiều, trong khi không có thu nhập để bù đắp trong thời gian tái canh nên vẫn còn ngần ngại tái canh, thậm chí là tổ chức việc tái canh hết sức manh mún, thiếu khoa học và không hiệu quả, chẳng hạn người dân không đốn bỏ trồng lại cả vườn mà chỉ chọn một số cây quá già cỗi để đốn bỏ và trồng lại, vì vậy không cải thiện được tình hình mà còn gây nên tình trạng “xôi đỗ” trong mỗi vườn cà phê”, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.

“Cần gói lãi suất riêng”


Độ trễ tái canh đến thu hoạch dẫn đến khoảng trống dòng tiền là khó khăn chính. Nhưng theo đại diện doanh nghiệp và hộ dân đang trực tiếp triển khai, họ có thể khắc phục được, làm theo cuốn chiếu để hạn chế độ trễ đó.

Tại xã Krông Buk (Đắc Lắc), gia đình anh Y Brik đang lên kế hoạch tái canh với quy mô vốn vay cần 250 triệu đồng. Nhưng trước mắt anh chỉ cần vay 150 triệu, từng bước thí điểm, nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng theo lộ trình từ 2-3 năm.

Ngoài cách làm cuốn chiếu từng phần diện tích một, giải pháp tạo nguồn thu bổ sung khi nhổ bỏ cây cà phê già cỗi của anh Y Brik là trồng xen cây ngắn ngày như đỗ, bắp… Trong khoảng thời gian đó, điều cần nhất là được hỗ trợ chi phí vay vốn qua lãi suất thấp và ổn định.

Ông Trần Thỏa Hợp, Phó chủ tịch xã Krông Buk, cũng ước tính, nếu áp lãi suất cho vay thấp, một phần lớn của khó khăn trong độ trễ tái canh sẽ được tháo gỡ. Theo ông, mức lãi suất mà các hộ dân trên địa bàn kỳ vọng ở khoảng 5-6%/năm.

“Hiện nhu cầu vay vốn của xã để tái canh cây cà phê vào khoảng 6,8 tỷ đồng. Định kỳ ngân hàng vẫn xuống làm việc với bà con để tìm cách hỗ trợ, nhưng hiện chưa được giải ngân. Nếu được lãi vay như vậy, bà con sẽ mạnh dạn vay vốn. Mà nếu được thì cần giải ngân ngay trong tháng 5 này, vì mùa mưa bắt đầu nên thuận lợi cho việc trồng mới”, ông Hợp cho biết.

Ông Phan Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Đức, cũng cho biết: “Chúng tôi ước tính, phải mất khoảng 6 năm kể từ khi nhổ bỏ diện tích già cỗi, làm lại đất để tái canh và thu hoạch. Đó là quỹ thời gian chúng tôi trăn trở. Chỉ doanh nghiệp và người dân vượt qua quãng thời gian đó là rất khó”.

Theo ông Thắng, các đầu mối liên quan đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân quy hoạch diện tích cần tái canh, cây giống được hỗ trợ cả giá và nguồn cung ứng, nhưng cần nhất lúc này là nguồn vốn.

Ông Thắng cũng dẫn một thực tế hiện, vẫn còn những khoản vay của doanh nghiệp trong lĩnh vực này có lãi suất tới 10,5%/năm. Mà để tái canh thành công, triển khai thành công gói 12.000 tỷ mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, mức lãi suất mà ông kỳ vọng chỉ nên ở khoảng 5%/năm.