09:12 14/08/2007

Thách thức đợi ngân hàng mới

Nguyễn Hà

Hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần đang chờ đợi được cấp giấy phép, khai trương hoạt động

Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hoạt động chủ yếu là bán lẻ - Ảnh: Việt Tuấn.
Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hoạt động chủ yếu là bán lẻ - Ảnh: Việt Tuấn.
Sau làn sóng thành lập công ty cổ phần chứng khoán, thì đến lượt hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần đang chờ đợi được cấp giấy phép, khai trương hoạt động. Vậy vấn đề gì sẽ đặt ra trước làn sóng mới đó?

Nhu cầu thành lập công ty chứng khoán cổ phần và ngân hàng thương mại cổ phần được hình thành đồng thời với nhau, xuất hiện từ đầu năm 2006 và trong cả năm 2006, khi mà thị trường chứng khoán tăng trưởng "ngoạn mục" thì các ngân hàng thương mại cổ phần cũng phát triển mạnh. Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu của cả ngân hàng thương mại cổ phần và công ty chứng khoán cổ phần đều tăng gấp nhiều lần mệnh giá.

Tuy nhiên, do điều kiện thành lập một công ty chứng khoán cổ phần không đòi hỏi cao, việc ra đời và chấm dứt hoạt động cũng ảnh hưởng không lớn đến nền kinh tế như một ngân hàng thương mại cổ phần, nên các công ty chứng khoán xuất hiện mới trong hơn một năm qua lên tới vài chục công ty, trong khi đến nay vẫn chưa có ngân hàng thương mại cổ phần mới nào được thành lập.

Đến trung tuần tháng 8/2007, đã có 12 bộ hồ sơ được gửi lại Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới.

Một thị trường đầy tiềm năng

Thực ra, các cổ đông sáng lập nhất trí cao với nhau để thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới đều có những lý do khá thuyết phục.

Một là, nền kinh tế Việt Nam trước thời điểm và sau khi gia nhập WTO, tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ và chuyển biến tích cực. Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài, kim ngạch xuất nhập khẩu, lượng khách du lịch quốc tế,... tăng trưởng mạnh. Do đó nhu cầu về dịch vụ ngân hàng tăng lên rất lớn.

Hai là, ngày càng có số đông việc làm mới thu hút người lao động với thu nhập được tạo ra ở cả trong nước và người đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh và làm ăn có hiệu quả hơn. Hiện nay các doanh nghiệp, đông đảo người dân làm quen và sử dụng tiện ích dịch vụ ngân hàng ngày càng nhiều hơn, như: mở tài khoản, gửi tiền, thanh toán, vay tiền...

Ba là, tiềm năng thị trường dịch vụ ngân hàng ở nước ta còn rất lớn. Trong 2 năm 2005- 2006 và 7 tháng đầu năm 2007, các ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản, tổng nguồn vốn huy động, tổng dư nợ,... có tốc độ tăng tới 40% - 50%/năm.

Bốn là, hàng loạt thị trường khác, như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường du lịch quốc tế và nội địa, thị trường lao động trong và ngoài nước, ... tiếp tục phát triển mạnh. Các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ công cộng, đang được xã hội hoá với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, làm cho nhu cầu dịch vụ ngân hàng cũng tăng mạnh.

Chính vì nhận thấy tiềm năng to lớn như vậy, nên không chỉ trong nước có nhu cầu thành lập thêm ngân hàng thương mại cổ phần mới, mà các ngân hàng nước ngoài cũng thâm nhập và đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh việc hiện có gần 10 ngân hàng và tập đoàn tài chính nước ngoài, đầu tư gần 1 tỷ USD mua cổ phần, trở thành đối tác chiến lược của 7 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam thì còn có 6 ngân hàng nước ngoài có nguyện vọng thành lập ngân hàng con 100% vốn điều lệ tại Việt Nam.

Riêng ANZ có ý định thành lập tới 15 ngân hàng tại các tỉnh, thành phố lớn ở nước ta.

Được sinh ra nhưng có sống được?

Thách thức lớn nhất là chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu được. Một trong số các điều kiện đầu tiên để được chấp thuận về mặt nguyên tắc cấp giấy phép thành lập ở thời điểm hiện nay là phải có số vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Số tiền đó phải được duy trì số dư tiền gửi tại một ngân hàng thương mại cổ phần trong suốt thời gian từ khi chấp thuận về nguyên tắc cho đến khi khai trương hoạt động. Việc sử dụng có hiệu quả số vốn đó là cả một vấn đề nan giải.

Thách thức thứ hai là nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực. Các ngân hàng thương mại cổ phần hiện tại cũng đang phải "đau đầu" về vấn đề này. Để vận hành một ngân hàng, một chi nhánh, một phòng giao dịch thì cần phải có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, có thâm niên công tác, am hiểu thực tiễn và thành thạo chuyên môn nghiệp vụ,... giữ vị trí bộ khung, cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt kết hợp với sinh viên mới ra trường.

Thách thức lớn thứ ba là phát triển mạng lưới. Như phần trên đã đề cập, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hoạt động chủ yếu là bán lẻ, với đông đảo khách hàng là người dân, khách vãng lai, doanh nghiệp vừa và nhỏ,... nên màng lưới giao dịch phải thuận tiện, gần dân, sát dân. Các ngân hàng thương mại cổ phần mới được thành lập sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với những ngân hàng đã hoạt động lâu năm.

Ngoài ra là hàng loạt thách thức khác, như: công nghệ, quản trị điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro, đa dạng hoá nghiệp vụ kinh doanh, chất lượng và uy tín của dịch vụ, thu hút khách hàng, và hiệu quả mang lại.

Không chỉ có các ngân hàng thương mại cổ phần, được biết hiện đang có ba bộ hồ sơ thành lập công ty tài chính với quy mô lớn đã được gửi tới Ngân hàng Nhà nước, đó là Công tyTài chính Sông Đà có số vốn điều lệ dự kiến là 1.500 tỷ đồng, Công ty Tài chính Vinalines có số vốn điều lệ dự kiến là 1.000 tỷ đồng và Công ty Tài chính Vinaconex có số vốn điều lệ dự kiến là 1.000 tỷ đồng. Cả 3 công ty nói trên đang "nóng lòng" khai trương hoạt động dự kiến trong quý 4/2007.

Tại Trung Quốc, thời kỳ đỉnh cao nhất có tới hơn 1.000 công ty chứng khoán, sau đó thị trường chọn lọc và điều chỉnh hiện nay chỉ còn khoảng 100 công ty. Tại nước ta, hiện nay nhiều công ty chứng khoán mới thành lập cũng đang trong tình trạng "ngồi trên đống lửa" giữa chi phí bỏ ra và thu nhập đem lại. Một số dự đoán chắc chắn sẽ có sự sàng lọc của thị trường trong thời gian tới.

Các ngân hàng thương mại cổ phần mới được thành lập sẽ vượt qua những khó khăn ra sao? Câu trả lời chờ đợi từ thực tiễn.