17:59 03/06/2010

Thời gian khó của kinh doanh vàng

Kiều Oanh

Thị trường vàng vật chất ảm đạm, kinh doanh vàng “ảo” chấm dứt, cơ hội xuất nhập khẩu vàng không có nhiều

Nếu như năm 2009 được xem là một năm thuận lợi của hoạt động kinh doanh vàng nhờ sự sôi động của thị trường vàng vật chất và sự nở rộ của các sàn vàng và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, thì từ đầu năm 2010 tới nay, những thuận lợi đó đã giảm hẳn - Ảnh: Reuters.
Nếu như năm 2009 được xem là một năm thuận lợi của hoạt động kinh doanh vàng nhờ sự sôi động của thị trường vàng vật chất và sự nở rộ của các sàn vàng và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, thì từ đầu năm 2010 tới nay, những thuận lợi đó đã giảm hẳn - Ảnh: Reuters.
Thị trường vàng vật chất ảm đạm, kinh doanh vàng “ảo” chấm dứt, cơ hội xuất nhập khẩu vàng không có nhiều… Các doanh nghiệp kim hoàn đang ở trong một thời kỳ kinh doanh không mấy thuận lợi.

Anh Th., chủ một tiệm vàng nhỏ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, những ngày này thường xuyên than ế. Năm 2009, ngày thường anh mua bán vài chục lượng vàng, nhiều khi gặp khách lớn có thể mua bán cả trăm lượng. Nhưng từ đầu năm tới nay, số khách lui tới cửa hiệu của anh thưa hẳn, có ngày anh chỉ giao dịch có vài lượng.

Anh Th. cho biết, dù là tiệm nhỏ nhưng anh vẫn cố gắng giữ mức chênh lệch giá mua-bán vàng ở mức thấp, khoảng 60.000-70.000 đồng/lượng, như các công ty lớn, để hút khách. “Để có lãi, tôi phải đẩy mạnh kết hợp hoạt động mua bán qua điện thoại với nhiều hiệu khác. Nhiều khi mua được của khách hàng ở tiệm mình thì phải bán cho tiệm khác mới có lãi, vì có bán ngay được ở tiệm mình đâu, mà giá vàng thì biến động thường xuyên nên rất rủi ro”, anh Th. nói.

Vàng “ảo” đóng cửa, vàng “thật” ế khách

Không chỉ những tiệm vàng nhỏ như của anh Th. mà ngay cả nhiều doanh nghiệp kim hoàn lớn thời gian này cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu như năm 2009 được xem là một năm thuận lợi của hoạt động kinh doanh vàng nhờ sự sôi động của thị trường vàng vật chất và sự nở rộ của các sàn vàng và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, thì từ đầu năm 2010 tới nay, những thuận lợi đó đã giảm hẳn.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thị trường vàng trong nước hiện chỉ còn tập trung chủ yếu vào giao dịch mua bán vàng vật chất.

Ông Tường cho biết, trước kia, các sàn vàng là nơi tạo một lực mua và bán khá lớn cho thị trường vàng trong nước. Tùy theo trạng thái vàng trên sàn và trên tài khoản vàng ở nước ngoài âm hay dương mà các sàn vàng và sẽ thực hiện mua vào hay bán ra trên thị trường vàng vật chất trong nước để cân đối trạng thái. Việc các sàn vàng đã chính thức đóng cửa từ ngày 30/3 và các đơn vị có kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài phải hoàn tất đóng trạng thái trước ngày 30/6 khiến nguồn lực mua và bán vàng này không còn nữa.

Trong khi đó, sức mua vàng miếng để cất giữ của người dân từ đầu năm 2010 tới nay khá chậm. Theo ghi nhận của SJC, mãi lực vàng miếng mấy ngày qua hầu như không có. Khoảng hai ngày trở lại đây, khối lượng vàng bán ra của SJC chỉ vào khoảng 1.000 lượng so với mức 10.000-15.000 lượng, thậm chí vài chục ngàn lượng, mỗi ngày ở những thời điểm sôi động của năm 2009.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (Sacombank-SBJ), một tuần trở lại đây mỗi ngày cũng chỉ giao dịch bình quân 1.000 lượng vàng, so với mức 2.000 lượng mỗi ngày ở thời điểm cuối năm ngoái.

“Trái với nhận định ban đầu là việc các sàn giao dịch vàng đóng cửa sẽ làm cho giao dịch vàng vật chất sôi động hơn, thị trường vàng vật chất thường giao dịch uể oải và trầm lắng khi nhu cầu đầu tư giảm mạnh, chỉ còn một số lượng giao dịch nhỏ cho nhu cầu cất trữ”, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh của Sacombank-SBJ, cho biết.

Giới kinh doanh vàng đã đưa ra một số lý do để giải thích cho xu thế ảm đạm của thị trường vàng miếng từ đầu năm tới nay, bao gồm cơ hội “lướt sóng” vàng miếng hiện không cao, sức hút vốn mạnh lên từ một số kênh đầu tư khác…

Theo ông Quyền, mức giá vàng cao, lên tới 27-28 triệu đồng/lượng hiện nay, là một lý do khiến các nhà đầu tư ngại bỏ tiền mua vàng. Thêm vào đó, giá vàng trong nước từ đầu năm tới nay tương đối ổn định ở mặt bằng giá 26-28 triệu đồng lượng nếu so với những biến động dữ dội trong năm 2009, nên nhiều nhà đầu tư không nhận thấy có nhiều cơ hội để kiếm lời nhanh.

Ngoài ra, việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động tiết kiệm vàng từ 3-5%/năm trong thời gian trước xuống dưới 1% hiện nay cũng khiến không ít người từ bỏ ý định mua vàng gửi ngân hàng.

Chẳng hạn, tại Ngân hàng Á châu (ACB), lãi suất gửi vàng SJC kỳ hạn 1 năm, nhận lãi cuối kỳ, hiện ở mức 0,3%/năm. Nếu muốn hưởng mức lãi suất 1,2%/năm, hưởng lãi cuối kỳ, thì khách hàng phải gửi tối thiểu 2.000 lượng vàng, tương đương khoảng 5,6 tỷ đồng, trong kỳ hạn 13 tháng.

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tiền gửi VND đang ở mức hấp dẫn, trên 10%/năm tại hầu hết các ngân hàng thương mại, khuyến khích người dân bán vàng ra để lấy tiền VND gửi ngân hàng.

Khác với những năm trước khi giá vàng tăng là người dân đổ xô đi mua, từ đầu năm tới nay, người dân đã tranh thủ những đợt tăng giá của vàng để bán chốt lời. Điển hình là đợt bán vàng khá mạnh khi giá vàng trong nước vượt mức 28 triệu đồng/lượng mới đây. Sau đó, khi giá vàng giảm trở lại, hoạt động bán ra cũng giảm hẳn theo.

Tuy nhiên, ông Tường cũng khuyến cáo những người bán vàng gửi tiết kiệm nên chú ý biên độ biến động của giá vàng và đặt ra một tỷ lệ biến động nhất định để thực hiện cắt lỗ. “Chẳng hạn, một người bán vàng để gửi tiết kiệm hưởng lãi 10%/năm, thì nếu giá vàng tăng 6-7%, người đó nên thực hiện việc chuyển tiền VND thành vàng để đề phòng sự hao hụt giá trị tài sản có thể xảy ra”, ông Tường nói.

Ông Lê Xuân Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý (PQJ), còn cho rằng, bất động sản cũng đang là một kênh đầu tư hút vốn mạnh từ thị trường vàng.

Không chỉ đối mặt với sự ảm đạm của thị trường vàng vật chất, việc Ngân hàng Nhà nước rút giấy phép kinh doanh vàng tài khoản, đóng cửa sàn vàng cũng đã hạn chế nhiều cơ hội kinh doanh của các đơn vị và tổ chức kinh doanh vàng. Các sàn vàng trước đây có đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại, nhưng tới nay, nguồn lợi nhuận này không còn.

Ông Quyền cho biết, không được kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, rủi ro đối với các công ty kim hoàn cũng lớn hơn, vì việc cân đối trạng thái sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình cung cầu vàng vật chất tại thị trường trong nước.

Công ty vàng xoay sang bất động sản

Với những khó khăn đang phải đối mặt, mỗi doanh nghiệp kinh doanh vàng đang tìm cho mình một hướng khắc phục riêng. Ông Tùng cho biết, ngoài việc tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh vàng miếng và trang sức, Phú Quý còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cơ sở vật chất đã được doanh nghiệp này đầu tư khá kỹ cho hoạt động kinh doanh sàn vàng khi còn là thành viên của Trung tâm Giao dịch vàng ACB hiện vẫn còn bỏ trống và chưa có hướng sử dụng mới.

Tại Sacombank-SBJ, ngoài sản phẩm chính là vàng miếng SBJ, công ty này hiện đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến lĩnh vực kim hoàn như chế tác và kinh doanh vàng nữ trang, dịch vụ giám định đá quý, giám định tuổi vàng… Mạng lưới chi nhánh và cửa hàng cũng đang được Sacombank-SBJ tích cực mở rộng để đảm bảo đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đã đặt ra cho năm 2010.

Dù nhận định rằng năm 2010 này là một năm nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhưng ông Tùng cho rằng, sự trầm lắng hiện nay của thị trường vàng vật chất cũng không phải là điều gì khiến giới kinh doanh kim hoàn quá lo ngại. “Thị trường có lúc sôi động, lúc trầm lắng, khi thuận lợi, khi khó khăn. Đó hoàn toàn là chuyện bình thường”, ông Tùng nói.

Theo ông Quyền, trong một lĩnh vực khá nhạy cảm và chứa đựng nhiều rủi ro như kinh doanh vàng, việc nắm bắt cơ hội kinh doanh mới là yếu tố quan trọng nhất.

Trên thực tế, việc giá vàng trong nước rẻ hơn giá vàng thế giới trong tháng 5 vừa qua đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kim hoàn thu mua kim loại quý này để xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm đã tăng đột biến trong tháng 5, đạt mức khoảng 800 triệu USD, từ mức vài chục triệu USD trong tháng 4, tương đương khoảng 20 tấn vàng được xuất đi.

Mặc dù vậy, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 này, giá vàng trong nước vẫn rẻ hơn giá thế giới nhưng mức chênh đã không còn đủ lớn để tạo cơ hội xuất khẩu vàng. Cụ thể, cuối giờ chiều ngày 3/6, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.217 USD/oz, quy đổi tương đương mức 27,85 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng các công ty thu mua trong nước chỉ rẻ hơn khoảng 50.000 đồng/lượng, đứng ở mức 27,80 triệu đồng/lượng.