12:13 23/05/2012

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Xem xét lại lãi suất cơ bản

Nguyên Hà

Lần đầu tiên sau thời gian dài, cũng như trong nhiệm kỳ của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vấn đề lãi suất cơ bản được đề cập đến

Trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 có lãi suất cơ bản, nhưng thực tế lãi suất này gần như không tồn tại suốt thời gian qua.
Trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 có lãi suất cơ bản, nhưng thực tế lãi suất này gần như không tồn tại suốt thời gian qua.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, cũng như trong nhiệm kỳ của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vấn đề lãi suất cơ bản được đề cập đến.

Đây là vấn đề hết sức quan trọng, tạo nhiều tranh luận trong vài năm trước vì tính chất và khả năng ảnh hưởng của nó đối với quan hệ tín dụng trong nền kinh tế.

Cụ thể, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đang tập trung tham khảo thông lệ quốc tế và đánh giá việc công bố, xác định lãi suất cơ bản trong điều kiện Việt Nam để phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý phù hợp vấn đề này trong 6 tháng đầu năm 2012.

Như vậy, sau nhiều tranh luận tại diễn đàn Quốc hội trước khi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 ra đời mà một điểm nóng là xác định lãi suất cơ bản, và sau một thời gian dài nó gần như không tồn tại, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đề cập một cách chính thức việc tập trung xử lý công cụ này.

Lãi suất cơ bản không chỉ là công cụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ trước đây, mà còn là một tham chiếu cần thiết liên quan đến quy định tại bộ Luật Dân sự (xác định hành vi cho vay nặng lãi với giới hạn 150% lãi suất cơ bản).

Hiện chưa rõ Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định lại lãi suất cơ bản như thế nào, đồng nghĩa với khả năng “trần” lãi suất cho vay với giới hạn 150% đó đang để ngỏ. Nhưng ít nhất nhà điều hành đã phát đi thông điệp sẽ thực thi đúng yêu cầu đặt ra trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.

Ngoài nội dung trên, người đứng đầu ngân hàng Nhà nước cũng đã điểm lại và khẳng định từ cuối năm 2011 đến nay, cơ quan này đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chủ động điều hành chính sách lãi suất để dẫn dắt lãi suất thị trường, đảm bảo vừa kiểm soát được lạm phát, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của các tổ chức tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2012 đã giảm từ 2 - 3%/năm so với cuối năm 2011. Trong đó lãi suất cho vay đối với lĩnh vực - sản xuất kinh doanh đang phổ biến ở mức 15 -19%/năm, ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thônm xuất khẩu phổ biến ở mức 13,5 - 15,5%/năm, riêng lãi suất cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2011 - 2012 ở mức 12%/năm.

Thống đốc cũng cho biết, bên cạnh các kết quả nêu trên, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và xu hướng lạm phát để điều chỉnh các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và trần lãi suất huy động VND cho phù hợp. Trường hợp lạm phát có xu hướng giảm và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mỗ diễn biến tích cực, thị trường tiền tệ ổn định, Ngân hàng nhà nước sẽ điều chỉnh giảm các mức lãi suất nêu trên với mức giảm 1% năm trong mỗi quý. Theo đó, đến cuối năm 2012 lãi suất huy động VND sẽ được đưa về mức 10 -11%/năm hoặc xem xét bỏ quy định trần lãi suất huy động VND nếu điều kiện cho phép.

Ở điểm nóng tái cơ cấu hệ thống, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã xác định và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án xử lý đối với 9 ngân hàng yếu kém.

Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên, 6 trường hợp còn lại đang được giám sát toàn diện. Biện pháp xử lý cũng đã được xác định: một là Ngân hàng Nhà nước mua lại; hai là lựa chọn ngân hàng thương mại nhà nước hoặc ngân hàng thương mại cổ phần mua lại, hợp nhất theo quy định; ba là xem xét khả năng cho ngân hàng nước ngoài tham gia góp vốn hoặc mua lại để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.