18:30 11/11/2009

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Giá vàng tăng mạnh do giới đầu cơ

Nguyễn Hoài

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận nguyên nhân việc giá vàng biến động dữ dội trong ngày 11/11

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.
Chiều ngày 11/11, chỉ trong vài giờ đồng hồ, giá vàng vật chất đột ngột giảm hơn 2 triệu đồng từ mức đỉnh 29,3 triệu đồng/lượng.

Trước tình hình thị trường vàng biến động dữ dội, trong chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhập khẩu vàng trở lại nhằm ổn định thị trường.

Trong cuộc trao đổi chiều nay với chúng tôi xung quanh sự biến động của giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói:

- Mấy ngày qua, giá vàng trong nước và trên thế giới biến động bất thường, chủ yếu do mấy nguyên nhân.

Thứ nhất, giá vàng trên thế giới tăng phập phù. Sự khác biệt của đợt biến động lần này so với trước ở chỗ: trước đây, khi giá vàng biến động, các nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ tham gia can thiệp thị trường nhưng gần đây thì không. Mặc dù gần đây IMF có bán ra nhưng đó là nhằm mục đích giúp các thành viên ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải ổn định thị trường vàng trên thế giới.

Thứ hai, thị trường vàng Việt Nam đã liên thông với thị trường quốc tế trên các bình diện giá và số lượng. Vì thế, chỉ cần xuất hiện thông tin "ảo" về cung cầu vàng hoặc phá giá VND, lập tức giá vàng biến động ngay.

Còn nói rằng, giá vàng biến động do mất cân  đối cung cầu là không đúng bởi những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu vàng với số lượng rất lớn. Cụ thể, năm 2005 nhập khẩu 48 tấn, 2006 là 91 tấn, 2007 là 51 tấn và 2008 nhập khẩu 91 tấn.

Trong khi đó, lượng vàng xuất khẩu đối với loại vàng đã chế tác rất ít. Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép xuất khẩu 18 tấn nhưng thực tế xuất khẩu chỉ 11 tấn. Tương tự, năm 2009, khi giá vàng thế giới vọt cao hơn trong nước, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép xuất khẩu 32 tấn nhưng các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 26,7 tấn.

Ngoài ra, còn có một số lượng vàng đã chế tác xuất khẩu lậu qua tiểu ngạch nhưng số lượng không nhiều. Nhìn chung, số lượng vàng chưa chế tác ở Việt Nam còn tồn đọng rất lớn, vì thế, không thế nói giá vàng biến động gần đây là do mất cân đối cung cầu.

Vậy nguyên nhân thực sự ở đây là gì, thưa Thống đốc?

Sáng 11/11, tôi đã làm việc với 5 tổng giám đốc ngân hàng thương mại nhà nước, nơi có hoạt động kinh doanh vàng và đều thống nhất nhận định là do giới đầu cơ tung tin đồn đẩy giá lên. Bởi thực tế giá vàng trong nước đã hoàn toàn tách rời giá thế giới. Khi Nhà nước ổn định thị trường trở lại, những người đầu cơ theo tâm lý bầy đàn sẽ khó tránh khỏi tổn thất tài sản.

Vì  thế, từ ngày 11/11, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp giấy phép để doanh nghiệp nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường. Tôi đã làm việc với lãnh đạo các ngân hàng thương mại nói trên và họ đã sẵn sàng cơ số ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu vàng.  

Có  thông tin rằng, chính các công ty kinh doanh vàng cũng thừa cơ đẩy giá vàng lên cao. Thống đốc nhận xét gì về thông tin này?

Trong thương trường, việc tính toán giá vàng lên/xuống để cân nhắc bán/mua với giá hợp lý là chuyện bình thường.

Chẳng hạn, nếu dự báo giá xuống 23 triệu đồng/lượng trong khi giá hiện tại là 26 triệu đồng/lượng, thì không ai dại gì mua giá 25 triệu đồng/lượng mà họ chỉ mua với giá 24 triệu đồng/lượng.

Thống đốc có thể cho biết rõ số lượng vàng cần nhập khẩu và tương ứng với số lượng ngoại tệ cần bỏ ra là bao nhiêu?

Về việc nhập khẩu bao nhiêu tấn thì Ngân hàng Nhà nước không hạn chế số  lượng, miễn là đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu.

Ngay trong ngày 11/11, đã có mấy chuyến máy bay chở  vàng ra Hà Nội, sẵn sàng can thiệp vào thị trường.  

Nhưng dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng sẽ đẩy nhập siêu lên mức cao hơn, Thống đốc lý giải thế nào về bất cập này?

Tất nhiên là có thể có tác động đến nhập siêu nhưng không ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán tổng thể. Bởi lẽ, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, cầu  ảo vàng của thị trường không lớn đến mức có thể tác động gay gắt đến nhập siêu.

Số  ngoại tệ này đã được các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như các công ty vàng bạc khác là thành viên của các ngân hàng chủ động chuẩn bị, không phải đi “vét” ở thị trường tự do như nhiều người lầm tưởng nên không ảnh hưởng gì nhiều đến cân đối cung cầu ngoại tệ.  

Có  thông tin “người dân rút tiền gửi VND đi mua vàng”, Thống đốc nói gì về thông tin này?

Tôi vừa làm việc với tổng giám đốc các ngân hàng thương mại và đúng là có hiện tượng này, nhưng chỉ là một bộ  phận nhỏ, không ảnh hưởng gì đến nguồn tiền gửi VND vào hệ thống ngân hàng.

Còn tất nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo mà vẫn tái diễn hiện tượng này thì họ phải gánh chịu thiệt hại thôi.

Cần thấy, trong lúc thị trường vàng bất ổn, người dân phải tỉnh táo, xâu chuỗi thông tin và bình tĩnh nhìn nhận để quyết định nên hay không nên mạo hiểm theo kiểu “bầy đàn”. Đã đầu tư thì đừng vô cảm trước việc giá vàng thế giới chỉ hơn 23 triệu đồng/lượng trong khi ở Việt Nam thì nhảy vọt lên gần 30 triệu đồng/lượng!

Tiện  đây, tôi cũng muốn chia sẻ với người dân rằng, khi nắm giữ tài sản thì phải tìm cách bảo quản giá trị của chúng bằng những kênh đầu tư một cách an toàn và có lợi, tránh lãng phí của cải bằng cách đầu cơ theo phong trào một cách không cần thiết, đồng thời tạo nên sự bất ổn cho thị trường.  

Để tránh lặp lại tình trạng “đầu cơ làm giá”, Ngân hàng Nhà nước có kiến nghị gì đối với các bộ ngành liên quan cùng hợp lực xử lý, tránh tổn thất cho người dân?

Thực ra, mặt hàng “vàng” hiện đã cho phép lưu thông theo cung cầu, dĩ nhiên là dưới góc độ lưu thông bình thường, còn nếu có hành vi đầu cơ lũng đoạn thị trường thì với chức năng của mình, cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công Thương có quyền xử phạt tại chỗ.

Vì  thế, trong vấn đề bình ổn thị trường vàng thì các ngành khác phải hợp lực vào cuộc. Ngân hàng Nhà nước chỉ có chức năng xem xét ổn định về mặt cung cầu với số lượng lớn thông qua biện pháp kinh tế mà thôi.