18:46 14/08/2010

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Sao phải sợ Thông tư 13?

Nguyễn Hoài

Thông tư 13/TT-NHNN bị các ngân hàng thương mại kêu khó thực hiện do chuẩn mực quá cao

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.
Thông tư 13/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động các tổ chức tín dụng vừa mới ban hành, nhưng bị các ngân hàng thương mại kêu khó thực hiện do chuẩn mực quá cao.

Tuy nhiên, "thông tư này cũng chỉ mới dừng ở tầm thấp, có tính tập dượt chứ đâu phải ở tầm cao, thậm chí, một số chuyên gia còn phê bình Ngân hàng Nhà nước rằng, một số chuẩn mực và tỷ lệ quy định tại thông tư này còn thấp", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói về vấn đề này.

Thưa Thống đốc, nhiều ngân hàng thương mại nói rằng, rào chắn kỹ  thuật để đảm bảo an toàn hệ  thống do Ngân hàng Nhà nước dựng lên tại Thông tư 13 quá cao, khiến họ rất khó kinh doanh, Thống đốc có ý kiến gì?

Mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo an toàn hệ  thống ngân hàng và hệ thống thanh toán. Quá  trình hội nhập của Việt Nam đi từ thấp đến cao, những quy định trong Thông tư 13 cũng không nằm ngoài mục đích là đưa hoạt động ngành ngân hàng vươn tới những chuẩn mực cao hơn.

Khi hệ thống hoạt động an toàn thì ai là người có lợi? Đầu tiên phải là tổ chức tín dụng, kế tiếp là lợi ích cho xã hội vì hệ thống ngân hàng an toàn thì tổn thất cho xã hội sẽ rất ít. Nhờ đó mà hoạt động quản lý cũng thuận lợi hơn.

Hơn nữa, thông tư này cũng chỉ mới dừng ở tầm thấp, có tính tập dượt chứ đâu phải ở tầm cao, thậm chí, một số chuyên gia còn phê bình Ngân hàng Nhà nước rằng, một số chuẩn mực và tỷ lệ quy định tại thông tư này còn thấp. Từ 1/1/2011 khi thực hiện luật mới, chuẩn mực còn cao hơn.

Các ngân hàng thương mại không tranh thủ điều kiện của Thông tư 13 để nâng chuẩn quản trị an toàn của mình lên thì cũng phải xem lại mình. Tại sao họ lại sợ?  

Thưa Thống đốc, để dự trữ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giữ lại 20% nguồn vốn huy động, nay lại loại bỏ nốt nguồn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức vốn chiếm 15% tổng nguồn vốn huy động ra khỏi nguồn vốn, tại sao Ngân hàng Nhà nước lại khắt khe đến vậy?

Nguồn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế  không phải ít, có thể họ muốn gửi có kỳ hạn, nhưng vì lý do gì đó bên trong nên họ để “không kỳ hạn”.

Cứ hình dung, tiền gửi không kỳ hạn kể cả của Kho bạc, có thể gửi sáng nhưng trưa rút đi, và bất kỳ lúc nào cũng mất thanh khoản nếu không có dự trữ tốt.

Hoặc tiền gửi thanh toán cũng vậy. Ngày xưa, loại tiền gửi thanh toán không bao giờ nằm trên tài khoản nhiều vì tất cả giám đốc tài chính doanh nghiệp phải sử dụng triệt để nguồn tiền này và di chuyển như chong chóng thì mới đem lại lợi nhuận cao. Còn việc nói là có một tỷ lệ đọng lại khoảng 10% - 15% thì cái đó có thể đúng nhưng không phải vì thế mà coi đó là cơ số ổn định.  

Một thực tế ở Agribank là số tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc, Bảo hiểm Xã hội, tổ chức kinh tế hiện tới 133 nghìn tỷ đồng. Có ý kiến: nếu không được kinh doanh, không những lãng phí mà còn mất an toàn, Thống đốc giải thích như thế nào?

Tôi cũng phân vân về vấn đề này.

Vì tiền gửi kho bạc là phải tập trung tại Kho bạc hoặc gửi Ngân hàng Nhà nước còn những nơi không thuận tiện thì gửi ngân hàng thương mại. Lâu nay các ngân hàng thương mại đặc biệt là Agribank cũng muốn coi đó là một phần trong tổng nguồn huy động vì nó chiếm một tỷ trọng lớn, nhưng tới đây, khi thực hiện Luật Ngân hàng Nhà nước mới thì tiền gửi Kho bạc phải mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước, ngoại trừ trường hợp không thuận tiện thì do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Phải thấy rằng, tiền gửi Kho bạc cũng chỉ mang tính tạm thời. Hiện nay có khoản 56 nghìn tỷ đồng tiền gửi kho bạc tại các ngân hàng thương mại, so với đầu năm tăng khá đột biến. Một đặc điểm của chúng là tính không ổn định, nếu giải ngân nhanh thì ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng báo động đỏ.

Điều này cũng đúng thôi, không lẽ Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất cao rồi đem chôn tiền ở ngân hàng? Như thế không những không giải quyết được gì nhiều cho nền kinh tế mà còn phát sinh tiêu cực.

Ở các nước không bao giờ có chuyện đó. Đã là tiền gửi Kho bạc thì không thể coi đó là nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Những gì thuộc về lịch sử thì phải chấp nhận nhưng trong một tương lai làm ăn chắc chắn và hội nhập thì phải đàng hoàng.  

Còn đối với tiền gửi không kỳ hạn của Bảo hiểm Xã hội thì tại sao cũng phải loại bỏ khỏi nguồn vốn kinh doanh?

Cũng đừng vội mừng khi nhận số tiền gửi này. Hiện số dư của nhóm này khoảng 100 nghìn tỷ đồng và họ làm giá quá trời. Cũng vì một phần như vậy mà lãi suất rất khó kéo xuống. Chưa kể với số lượng lớn như vậy, nếu họ di chuyển từ ngân hàng này đến ngân hàng khác (do làm giá) thì các ngân hàng còn “hẻo” nữa.

Các anh cứ xuống mấy ngân hàng Vietinbank hay Agribank mà hỏi xem có đúng thế không?

Nếu đột ngột không cho phép đưa tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức vào kinh doanh sẽ gây hẫng hụt và ngân hàng thương mại sẽ không cân đối được nguồn, Ngân hàng Nhà nước tính sao, thưa Thống đốc?

Đối với vấn đề này, chúng tôi có hai hướng: nếu ngân hàng Trung ương còn chỉ tiêu tiền cung ứng thì hỗ trợ các ngân hàng thương mại hoặc cho họ lộ trình để loại bỏ khoản mục này khỏi nguồn vốn kinh doanh.

Nhưng tôi khẳng định, trong vài năm nữa, dòng tiền này phải được quản lý chặt chẽ và không thể  để như trước. Đừng quên vụ việc Tết Nguyên  đán vừa rồi, Kho bạc rút đột ngột 10 nghìn tỷ đồng, Bảo hiểm Xã hội rút 10 nghìn tỷ đồng, nếu ngân hàng Trung ương không can thiệp kịp thời thì hệ thống “có chuyện to”, lúc đó ai chịu?

So với các nguyên tắc Basel thì  mức độ tiệm cận của Thông tư 13 như thế nào?

So với nguyên tắc Basel I và II thì còn lâu lắm mới bằng. Thế giới họ đã đi đến Basel III rồi còn mình thì vẫn thế này đây. Hiện tại, Việt Nam có tới gần 100 tổ chức tín dụng, nội có ngoại có, liên doanh có, sao cứ phải đá ở sân “nội” mãi được?