10:49 01/11/2007

“Thu ngân sách sẽ giảm dần phụ thuộc vào bên ngoài”

Nguyên Linh

Hỏi chuyện ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội

"Đúng là nguồn thu của chúng ta còn mang tính phụ thuộc vào bên ngoài".
"Đúng là nguồn thu của chúng ta còn mang tính phụ thuộc vào bên ngoài".
Hỏi chuyện ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội.

Thưa Chủ nhiệm, ông có thể đánh giá khái quát về cán cân thu chi năm vừa qua cũng như phương hướng sắp tới?

Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2007 nhìn chung có nhiều biểu hiện tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển nền kinh tế - xã hội năm vừa qua. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số điểm yếu kém, như kết quả thu ngân sách không cao, chỉ tăng 2,1% so với dự toán, trong đó thu về dầu thô, thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phí xăng dầu chưa đạt...

Việc chống thất thu thuế đã có tiến bộ, nhưng việc trốn thuế, gian lận thương mại, buôn lậu vẫn còn. Trong khi đó, chi quản lý hành chính vẫn tăng; việc giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm, tình trạng nợ xây dựng cơ bản chưa được khắc phục, một số địa phương vẫn còn chi vượt dự toán.

Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008 cần thu ngân sách hiệu quả hơn từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu, thu nội địa và từ đất đai. Điều này sẽ đảm bảo cân bằng cho việc giảm thu theo lộ trình cam kết cũng như chủ trương miễn, giảm một số loại thuế và phí cho khu vực sản xuất nông nghiệp và địa bàn khó khăn.

Về chi ngân sách, sẽ cơ cấu lại để chi ngân sách Nhà nước hợp lý và đạt hiệu quả cao hơn, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi cho cải cách tiền lương, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm soát chặt chẽ việc chi quản lý hành chính.

Thưa ông, ngân sách thì hạn hẹp trong khi các khoản cần chi lại rất nhiều, chúng ta có nên ưu tiên cho các vấn đề dân sinh bức xúc trước?

Đương nhiên là phải có ưu tiên cho các vấn đề dân sinh bức xúc như giáo dục, y tế và các chính sách xã hội khác. Năm nay, ngân sách dành cho các lĩnh vực này đều tăng.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là nhu cầu rất lớn trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách là hạn chế. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy mạnh xã hội hóa để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa tạo thêm gánh nặng cho ngân sách.

Trong những nhóm ưu tiên đó, theo ông đâu là các lĩnh vực cần được chi nhiều nhất để tránh việc đầu tư dàn trải?

Chúng ta đang phải cơ cấu lại vốn đầu tư cho phát triển. Trước đây do tiêu chí đầu tư chưa rõ nên cũng có đôi chỗ dàn trải nhưng từ năm 2008 cơ cấu đầu tư sẽ tập trung hơn. Nhà nước chỉ đầu tư cho những công trình hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn còn những công trình, hạng mục khác sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoặc các thành phần kinh tế khác tham gia.

Ngoài ra, không chỉ là vốn ngân sách mà có thể huy động các nguồn vốn khác, kể cả vốn công trái. Năm nay, nguồn vốn công trái dự kiến cũng lên tới gần 32.000 tỷ đồng. Trong đó, dành riêng cho giao thông và thủy lợi khoảng 27.000 tới 28.000 tỷ đồng, giáo dục khoảng 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, chúng ta cũng phát hành thêm công trái y tế để phát triển y tế tuyến huyện...

Có ý kiến cho rằng nguồn thu của chúng ta chưa bền vững mà chủ yếu dựa vào dầu thô và nhà, đất, ông có bình luận gì?

Đúng là nguồn thu của chúng ta còn mang tính phụ thuộc vào bên ngoài. Chẳng hạn như dầu thô, mỗi lần mà giá tăng lên thì thu tăng và ngược lại. Đối với xuất khẩu cũng thế, nếu xuất khẩu tăng thì nguồn thu cũng tăng. Xu thế là nguồn thu nội địa sẽ tăng lên, đặc biệt thu ngoài quốc doanh tăng rất mạnh. Năm 2007 vừa qua tăng tới 39%. Do có thay đổi tỷ trọng như vậy nên chúng ta sẽ giảm dần sự phụ thuộc.

Đối với nguồn thu từ nhà, đất, quan điểm của Ủy ban Tài chính-Ngân sách là nên giữ nguồn thu này ở một mức ổn định hoặc có tăng lên cũng chỉ để phục vụ đầu tư phát triển. Chúng ta không nên quá lạm dụng thu hồi đất để lấy đó là nguồn thu ngân sách bởi sẽ ảnh hưởng tới tư liệu sản xuất của người nông dân.

Hiện nay, chúng ta vẫn tính toán phân bổ ngân sách vào cuối mỗi năm, điều này có nên thay đổi cho phù hợp hơn với thực tế?

Chúng ta sẽ phải có thay đổi theo tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt phải xây dựng được ngân sách dài hạn (khoảng 30 năm) và trung hạn (từ 10 đến 15 năm). Trên cơ sở đó, chúng ta mới xây dựng ngân sách hàng năm. Còn một hướng khác là xây dựng ngân sách theo kết quả đầu ra.

Hiện nay, chúng ta đang tính theo nhu cầu, tức là đầu vào nhưng bây giờ sẽ bố trí ngân sách theo kết quả, hiệu quả công việc. Trong chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ này, sẽ chú ý tới việc sửa đổi Luật ngân sách để dần dần thay đổi theo hai hướng trên.

Nhiều đợt thanh tra, kiểm toán như việc công bố kết quả kiểm toán Đề án 112 mới đây cho thấy vẫn còn tình trạng tiêu tiền ngân sách như tiêu “tiền chùa”. Theo ông, để hạn chế chi tiêu ngân sách lãng phí, chúng ta sẽ phải làm gì?

Đề án 112 qua kiểm toán đã phát hiện một số sai phạm, thất thoát trong sử dụng vốn ngân sách. Tôi cho rằng đó là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng. Theo tôi, chúng ta phải tăng cường các biện pháp quản lý, nhất là trong quy trình đầu tư các công trình, dự án để hạn chế dần và đi đến chấm dứt những sai phạm trong sử dụng vốn ngân sách.