10:58 05/05/2012

Thực hư khoản lỗ 4.066 tỷ đồng của Habubank

Nguyễn Hoài

4.066 tỷ đồng khoản lỗ của Habubank sau khi xác định lại “bốc hơi” còn 1.860 tỷ đồng?

Habubank đang phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng với giá cắt cổ, trong khi SHB đang dư vốn khả dụng hàng nghìn tỷ đồng.
Habubank đang phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng với giá cắt cổ, trong khi SHB đang dư vốn khả dụng hàng nghìn tỷ đồng.
Chỉ cách chưa đầy một tuần trước khi đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) diễn ra (5/5), thị trường lại bàn tán xôn xao về một thông tin trong đề án sáp nhập SHB -Habubank.

Đó là khoản lỗ lũy kế của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) vừa được xác định là 4.066 tỷ đồng tại đại hội đồng cổ đông 2012 diễn ra vào 28/4, nhưng sau khi được tính toán lại chỉ còn là 1.829 tỷ đồng.

Trả lời những thắc mắc này, đại diện SHB cho rằng: con số lỗ khác nhau như vậy phụ thuộc vào cách hạch toán của ngân hàng.

“Sau đại hội đồng cổ đông Habubank, hai bên đã ngồi lại để dự kiến một số nội dung điều chỉnh để trình tại đại hội đồng cổ đông của SHB, trong đó có vấn đề về xử lý lỗ của Habubank. Trong đề án trình đại hội Habubank trước đó, khoản lỗ của Habubank sau sáp nhập sẽ được xử lý trong vòng 3 năm. Nhưng sau khi ngồi lại, phương án điều chỉnh được đưa ra là sau sáp nhập sẽ xử lý khoản lỗ đó xong ngay trong năm 2012”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết.

4.066 tỷ đồng “bốc hơi” còn 1.860 tỷ đồng?

Theo báo cáo đánh giá lại tài sản và các khoản dự phòng liên quan của Công ty Kiểm toán Ernst&Young thì Habubank chịu khoản lỗ lũy kế là 4.066 tỷ đồng.

“Đây là số lỗ dựa trên cơ sở trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản cho vay và đầu tư ở mức độ rủi ro cao nhất. Nguyên nhân chính khiến Habubank lỗ nhiều như vậy là bởi phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu của Vinashin ngay trong năm đầu lên tới 2.236,36 tỷ đồng, trong đó, trích lập dự phòng khoản vay Vinashin là 1.860 tỷ đồng và trái phiếu Vinashin là 376,26 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB giải thích.

Nhưng sau ngày 28/4, tức là ngày đại hội đồng cổ đông thường niên của Habubank, hội đồng quản trị hai bên đã họp lại và quyết định xây dựng phương án trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu Vinashin trong vòng 5 năm, do đó mỗi năm chỉ còn 447,2 tỷ đồng. Nhờ vậy, số lỗ lũy kế của Habubank tại thời điểm 29/2/2012 được xác định lại là 1.829 tỷ đồng sau khi chuyển sang SHB.

Nói cách khác, số lỗ 4.066 tỷ đồng không bỗng dưng “bốc hơi” mà được phân bổ dần trong 5 năm, thay vì một năm để tránh áp lực trả nợ vào một thời điểm, đồng thời, đảm bảo lợi ích các cổ đông và tạo thuận lợi cho sự phát triển cho ngân hàng sau sáp nhập.

Liệu với khoản nợ 1.829 tỷ đồng và phải trả trong năm 2012 thì SHB sau sáp nhập có gặp khó khăn không? Ông Hiển, cho rằng: trước khi có phương án sáp nhập, lợi nhuận của SHB năm 2011 trên 1.000 tỷ đồng, dự kiến lãi năm 2012 là 1.250 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh bình thường của Habubank trong các năm trước khi xảy ra khó khăn khoảng 600 tỷ đồng/năm. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng, dôi ra khoảng 21 tỷ đồng so với khoản lỗ Habubank chuyển sang sau sáp nhập là 1.829 tỷ đồng.

Phương án tài chính như thế nào?

Như nói trên, đối với khoản lỗ 1.829 tỷ đồng, SHB có thể lấy từ nguồn lãi dự tính để chi trả, nhưng làm thế nào để SHB có thể tạo ra khoản lãi để bù đắp? Và cổ tức của SHB trong năm 2012 là bao nhiêu?

Trả lời vấn đề này, ông Hiển “bóc tách” khoản lãi dự kiến của ngân hàng hợp nhất như sau: trước hết, thu hồi các khoản cho vay của Habubank trên thị trường 2 ước 263 tỷ đồng và khả năng đạt tới 100% sau khi các con nợ đều đã có cam kết phương án trả nợ cho Habubank hay SHB sau sáp nhập. Mặt khác, một nguồn tin cho biết, từ tháng 5/2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý dứt điểm các khoản nợ trên thị trường liên ngân hàng.

Thứ hai, Habubank còn có thể thu hồi thêm 560 tỷ đồng từ các khoản nợ quá hạn, nợ xấu đã được trích lập dự phòng và có tài sản đảm bảo đầy đủ.

Thứ ba, đối với số nợ Habubank mua trái phiếu của Vinashin thì có 30% sẽ được chuyển đổi thành trái phiếu doanh nghiệp Vinashin có bảo lãnh thanh toán của Chính phủ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép SHB sử dụng số giá trị 70% trái phiếu Vinashin để giao dịch vay mượn trên OMO với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động nhằm giảm tải chi phí tài chính cho ngân hàng này sau quá trình sáp nhập. Chưa kể, 70% giá trị trái phiếu Vinashin nói trên sẽ được phân bổ bù đắp dần trong 5 năm, nhằm tránh áp lực thanh khoản tại một thời điểm.

Một khoản phải thu khác với khả năng thu hồi tới 50% là các khoản ủy thác đầu tư của Habubank mà theo yêu cầu của kiểm toán đã trích lập dự phòng rủi ro có tài sản đảm bảo.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho SHB vay tái cấp vốn với giá trị 25% trên tổng dư nợ và trái phiếu Vinashin với lãi suất 10%/năm trong thời hạn 5 năm và được tăng, giảm tùy từng thời điểm. Nhờ đó, SHB có thêm một kênh vốn lãi suất thấp, giảm chi phí đầu vào để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Ông Hiển cho biết thêm, theo kế hoạch năm 2012, sau khi  sáp nhập, SHB sẽ đẩy mạnh phát triển tín dụng khu vực “tam nông” nhằm đưa dư nợ khu vực này tới 40%/tổng dư nợ để hưởng lợi từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước là: ngân hàng nào có dư nợ “tam nông” từ 40% sẽ được giảm 40% tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với quy định.

Ngoài ra, hiện tại, Habubank đang phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng với giá cắt cổ, trong khi SHB đang dư vốn khả dụng hàng nghìn tỷ đồng. Vì thế, một mặt, SHB sẽ sử dụng nguồn này để tái cấp vốn cho Habubank; mặt khác, sẽ cơ cấu lại các khoản vay của Habubank trên thị trường liên ngân hàng để tránh để Habubank lún sâu hơn vào nợ nần và giảm chi phí tài chính cho khu vực quan hệ giao dịch của Habubank.

Cũng theo phương án tài chính thì quyền lợi cổ đông ngân hàng này sau sáp nhập như sau: Đối với lợi ích cổ đông của SHB cũ theo danh sách chốt trước ngày sáp nhập sẽ được chi thêm 0,21% cổ phiếu trên một cổ phiếu có quyền sở hữu. Có nghĩa, đó chính là cổ tức mà cổ đông cũ của SHB được chia trong năm 2012. Còn đối với cổ đông sau sáp nhập (bao gồm cổ đông mới) thì mức cổ tức được chia tối thiểu bằng lãi suất huy động tại thời điểm đó.