08:51 03/12/2007

Tìm giải pháp chống “vỡ” quỹ bảo hiểm y tế

Đình Nam

“Để tránh bội chi quỹ bảo hiểm y tế, cần hạn chế tối đa tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện”

"Mới chỉ tính nửa đầu năm 2007, riêng bộ phận bảo hiểm y tế tự nguyện đã bội chi 700 tỷ đồng".
"Mới chỉ tính nửa đầu năm 2007, riêng bộ phận bảo hiểm y tế tự nguyện đã bội chi 700 tỷ đồng".
Nội dung cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Hơn nửa năm kể từ khi thay đổi cách thức thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện, số người tham gia loại hình này đã tụt từ 3 triệu xuống khoảng 700.000 người. Nguyên nhân nào đã khiến chúng ta “thất bại” trong việc thực hiện các quy định mới của bảo hiểm y tế tự nguyện?

Sở dĩ chúng ta “thất bại” trong việc thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện thời gian qua là do khâu vận động, tuyên truyền còn yếu. Chính vì thế, để thúc đẩy hoạt động này, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường trách nhiệm của các cấp ngành địa phương và các bộ, ngành liên quan.

Ngoài ra cũng do nguyên nhân quy định các điều kiện đối với người mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện làm bó buộc người tham gia. Chẳng hạn có trường hợp vận động cả gia đình tham gia mua nhưng không vận động đủ 10% số hộ trong xã mua thẻ. Hay như trường hợp có đủ điều kiện kinh tế để tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện nhưng lại không vận động đủ số người xung quanh tham gia...

Vì vậy, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội đang đưa ra 3 phương án nhằm sửa đổi quy định này và dựa trên 5 nguyên tắc cần thống nhất là: Đảm bảo tính cộng đồng, nhân đạo; cân đối thu chi, không vì lợi nhuận; hạn chế tối đa sự lựa chọn ngược; đảm bảo sự công bằng trong xã hội và kế thừa, phát triển dựa trên nội dung của Thông tư đã đề ra.

Quỹ bảo hiểm y tế vẫn “vỡ”, dù thời gian qua, mức đóng bảo hiểm y tế được nâng lên, số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện giảm mạnh đã giảm bớt chi tiêu của quỹ bảo hiểm y tế?

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, riêng năm 2006 quỹ bảo hiểm y tế đã bội chi khoảng 1.800 tỷ đồng. Sang năm 2007, tốc độ bội chi còn khủng khiếp hơn. Cụ thể là mới chỉ tính nửa đầu năm 2007, riêng bộ phận bảo hiểm y tế tự nguyện đã bội chi 700 tỷ đồng.

Thêm vào đó, số người tham gia khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ngày một tăng nhanh. Năm 2006 có 60 triệu lượt người thì đến năm 2007 có 80 triệu người tham gia khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Theo tôi, quỹ bảo hiểm y tế thâm hụt cũng do một phần khâu chi trả. Cụ thể là phương thức thanh toán hiện tại là theo phí dịch vụ (khuyến khích cơ sở y tế sử dụng nhiều dịch vụ). Vì sử dụng dịch vụ nào thì quỹ bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ đó.

Làm thế nào để chống “vỡ” quỹ bảo hiểm y tế một cách hiệu quả nhất?

Bảo hiểm y tế mang tính chất xã hội, không mang tính lợi nhuận nhưng cũng phải dựa trên cơ sở đảm bảo y tế về mặt thu chi của quỹ. Để chống vỡ quỹ chỉ có biện pháp bảo hiểm y tế toàn dân thực hiện mới có thể cân đối thu chi. Vì vậy, điều quan trọng là bảo hiểm y tế tự nguyện phải lấy số đông tham gia (hạn chế tối đa tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện).

Bên cạnh đó, tránh lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế; hạn chế tình trạng kê đơn, chẩn đoán cận lâm sàng, chi theo dịch vụ mà thay vào đó là chi theo khoán quỹ, định suất sẽ tốt hơn. Còn có nhiều cách để quản lý quĩ tốt. Chẳng hạn như cần chuẩn hóa các xét nghiệm, không thể để tình trạng ở huyện xét nghiệm, lên tỉnh lại xét nghiệm và lên trung ương làm thêm một loạt xét nghiệm tương tự nữa...

Vậy theo ông, phương án điều chỉnh cách thức thực hiện bảo hiểm y tế nào khả thi nhất trong thời điểm hiện nay?

Theo tôi nên dung hòa cả giữa phương án bỏ quy định tỷ lệ 10% dân cư trên địa bàn và 100% số thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Hoặc là bỏ quy định 10% dân cư trên địa bàn, giữ quy định 100% số thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

Mặt khác, phải khách quan, đa dạng đối tượng đóng, mức đóng và điều chỉnh theo sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ đa dạng mức đóng chứ không nên đa dạng mức hưởng. Bởi như thế sẽ dễ dẫn đến xu hướng thương mại hóa trong lĩnh vực khám chữa bệnh.