21:33 14/12/2007

“Tín dụng Việt Nam tăng trưởng quá cao”

Minh Đức

Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong tài liệu phúc đáp VnEconomy về tăng trưởng tín dụng năm nay

WB: "Có những quan ngại cho rằng một chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể khiến giá cả của các mặt hàng không trao đổi được (non-tradeable goods) tăng cao".
WB: "Có những quan ngại cho rằng một chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể khiến giá cả của các mặt hàng không trao đổi được (non-tradeable goods) tăng cao".

Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong tài liệu phúc đáp VnEconomy về tăng trưởng tín dụng năm nay.

>>Ngân hàng: Đột biến dòng tiền ra

Thông tin từ WB cho thấy, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được kiềm chế lại trong những năm trước, giảm xuống còn 25% trong năm 2006. Tuy nhiên, mức tăng năm nay lại quá nhanh, đạt mức 40% tính đến tháng 8/2007.

Xét riêng, trong khi mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại quốc doanh đứng ở mức vừa phải, khoảng 23% thì tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng ở mức rất cao là 77% tính đến tháng 8/2007.

“Mức tăng trưởng tín dụng nhanh như vậy khiến người ta không khỏi lo ngại về chất lượng các khoản vay”, WB nhận định.

Ngoài ra, WB cũng đề cập đến một mức tăng trưởng tiền gửi cao ở cả khối ngân hàng quốc doanh lẫn cổ phần, ước đạt trung bình hơn 50% trong 12 tháng qua.

Với mức tăng trưởng tiền gửi cao hơn nhiều so với mức cho vay, các ngân hàng gặp phải tình trạng dư thừa vốn khả dụng kéo dài. Điểm này cũng đã được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề cập nhiều trong các báo cáo thường kỳ vừa qua.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm, dấu hiệu khan vốn VND bắt đầu xuất hiện trên thị trường mở; Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải tung ra khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ khả năng thanh toán của các ngân hàng.

Diễn biến trên khớp với tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trên thực tế, nhưng lại ngược với dự kiến chậm lại vào những tháng cuối năm của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu đạt mức tăng 30% chung cho cả năm.

Giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý nằm trong chủ quan và khả năng điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo WB, cho đến nay, công cụ chính để cắt giảm mức tăng trưởng tín dụng được sử dụng đến là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng mạnh tỷ lệ này (lên 10% từ tháng 6/2007, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được áp mức 8%). Sau điều chỉnh này, thị trường lại xuất hiện thông tin đề cập đến khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng nhà điều hành chính sách tiền tệ đã bác bỏ thông tin này.

Ở khả năng thắt chặt tín dụng bằng các công cụ khác, đến thời điểm này, các lãi suất chủ đạo như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên.

Và đến thời điểm này, khi tín dụng một năm tăng trưởng nóng, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu vào cuộc hoặc lên tiếng “bình luận”.