15:14 16/04/2013

Tín hiệu “tĩnh” cho một thị trường vàng chao đảo

Minh Đức

Hiếm khi thị trường vàng trong nước có diễn biến như sáng nay. Nhiều người mua và người bán dường như mất phương hướng

Nếu xu hướng giá trong nước nói trên tiếp tục thể hiện, các thành viên 
trúng thầu sáng nay sẽ lãi lớn, xét riêng khuôn khổ phiên này - Nguồn ảnh: DOJI.<br>
Nếu xu hướng giá trong nước nói trên tiếp tục thể hiện, các thành viên trúng thầu sáng nay sẽ lãi lớn, xét riêng khuôn khổ phiên này - Nguồn ảnh: DOJI.<br>
Mức giảm vài triệu đồng mỗi lượng sáng nay (16/4), chênh giá mua vào - bán ra doãng tới cả triệu đồng cho thấy một thị trường đang hoang mang, chao đảo trước tác động từ đà rơi trên thị trường thế giới.

Hiếm khi thị trường vàng trong nước có diễn biến như sáng nay. Nhiều người mua và người bán dường như mất phương hướng trong lựa chọn các quyết định nắm giữ, mua vào hay bán ra. Hay thị trường không có thanh khoản, các bên đều trở nên rất thận trọng.

Và khi chênh giá mua vào - bán ra của các đầu mối nới rộng lên tới cả triệu đồng, chính họ cũng đang hoảng sợ, e ngại rủi ro lớn khi bắt một con dao đang rơi, nhất là khi chênh lệch giá trong nước với thế giới bị đẩy lên kỷ lục trên cả 5 triệu đồng/lượng.

Nếu như ở thị trường chứng khoán, sự minh bạch về diễn biến giao dịch được nắm bắt từng giây, quy mô lệnh mua - bán, lượng đặt mua - bán, lượng khớp gắn với từng mức giá cập nhật liên tục tạo nên những chỉ báo sát thực về tinh thần mỗi phiên, thì ở thị trường vàng là sự mù mịt, có quá ít các cơ sở để nắm bắt.

Với hạn chế đó, cộng hưởng từ sự chao đảo trên thế giới, rất có thể cả người dân lẫn doanh nghiệp đều dễ mất phương hướng, thị trường trở nên hỗn độn. Có lẽ mọi con mắt đều đã đổ dồn về phiên đấu thầu 26.000 lượng của Ngân hàng Nhà nước sáng nay.

Mức giá sàn mà cơ quan này đưa ra sát với giá mua vào của các đầu mối, thấp hơn hẳn mức giá bán ra của họ trên thị trường (dù mức độ giao dịch thành công còn là một điểm cần chú ý). Có thể xem đây là phản ứng của Ngân hàng Nhà nước trước đà lao dốc rất mạnh của giá vàng quốc tế đêm qua, và chênh lệch so với giá trong nước bị doãng rộng.

Nhưng, trong bối cảnh quá đặc biệt, trước một tác động quá lớn từ bên ngoài, thu hẹp chênh lệch không còn là điểm ngắm của phiên đấu thầu này nữa. Thay vào đó, mức giá chào bán trở nên quan trọng hơn cả. Hay, trong sự chao đảo vào hoang mang có trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước phát đi một tín hiệu, tác động đến tâm lý chung, đến kỳ vọng của thị trường. Nó có giá trị định hướng.

Trấn tĩnh thị trường, giữ ổn định tâm lý chung trong tình huống bất thường và nhiều xáo trộn cũng là một yêu cầu của hoạt động bình ổn. Về khía cạnh này, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được.

Nhưng, đà rơi của giá vàng trong nước ngay sau đó bị chặn lại. Mức giá sàn chào thầu 38,67 triệu đồng/lượng trở thành một tham chiếu, để các thành viên trên thị trường nhìn vào và ứng xử. Có thể nó vô tình cũng trở thành một chốt chặn đối với các hoạt động bán ra, và ngược lại kích thích hoạt động mua; 38,67 triệu đồng/lượng trở thành “mức sàn” cho cả thị trường (?).

Thực tế ngay sau khi có kết quả trúng thầu, giá giao dịch của các đầu mối liên tục nhích lên. Diễn biến này có thể càng kích thích lực cầu để có đà tăng mạnh đầu giờ chiều nay. Hay có hay không hoạt động gom hàng đẩy giá? Còn mốc 41 triệu đồng/lượng đã tái lập, thậm chí có hơi hướng vượt.

Nếu xu hướng giá trong nước nói trên tiếp tục thể hiện, các thành viên trúng thầu sáng nay sẽ lãi lớn, xét riêng khuôn khổ phiên này. Tuy nhiên, mức giá chào bán tới 41 triệu hay đang cao hơn của các đầu mối thực tế có gắn với nhiều giao dịch thành công thực hay không còn phải xét.

Còn Ngân hàng Nhà nước, có thể ngay ngày mai (17/4) sẽ lại cung ra lượng hàng quy mô lớn hơn hẳn để thể hiện vai trò điều tiết của mình.