17:49 12/05/2010

Tình hình nợ công và trách nhiệm của Quốc hội

Anh Quân

TS. Trần Văn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nói về cảnh báo dư nợ quốc gia sát trần cho phép

TS. Trần Văn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - Ảnh: Anh Quân.
TS. Trần Văn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - Ảnh: Anh Quân.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 7/5, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đưa ra cảnh báo, mức dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia đã tăng sát mức trần cho phép, khiến điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009.

Chuyên đề: Quản lý nợ công

Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang căng thẳng, có thể sẽ tạo nên những lo ngại nhất định về tình hình an ninh tài chính trong năm 2010.

Để làm rõ một số nội dung bạn đọc quan tâm, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Văn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Cảnh báo vì trách nhiệm

Vừa rồi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có đưa ra cảnh báo, mức dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia đang tiến sát mức trần cho phép. Nhưng hiện tại, dường như chưa có văn bản nào nói đến mức trần này?

Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tài chính - Ngân sách mới đây, nhiều ý kiến cho rằng năm nay và trong những năm tới, việc điều hành chính sách tài khóa sẽ khó khăn hơn do sau hai năm chống lạm phát và suy giảm kinh tế, nguồn lực tài chính quốc gia cũng phần nào hao hụt đi do thực hiện các gói kích thích kinh tế và môt loạt các chính sách an sinh xã hội.

Do đó, một số chỉ tiêu vĩ mô quan trọng khó giữ vững được như giữ bội chi ngân sách dưới 5%, nợ chính phủ tăng nhanh và chỉ sau 2 năm đã vượt mốc 40% GDP.  Năm 2009 là năm ta chấp nhận mức bội chi cao sau hàng chục năm giữ ổn định ở khoảng 5% GDP.

Nói chung, mức trần an toàn nợ Chính phủ bằng 50% GDP là do chúng ta tự quy định, có tham khảo một số tổ chức quốc tế.  Theo tôi được biết thì không có một quy định cứng nào ở mức như thế. Nhưng dựa theo khả năng hấp thụ, khả năng trả nợ, nói chung là về tiềm lực kinh tế tài chính của đất nước mà đánh giá.

Cũng cần nói thêm là nhiều quốc gia có mức nợ công khá cao, châu Âu chẳng hạn, nợ công có thể lên đến trên 60%, có nước trên 100% GDP.

Trong khi, theo báo cáo của Chính phủ, các chỉ tiêu về dư nợ Chính phủ, cũng như nợ nước ngoài tính đến 31/12/2009 vẫn trong giới hạn cho phép. Cụ thể, dư nợ Chính phủ bằng 41,9% GDP, dư nợ nước ngoài chiếm 38,9% GDP.

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nợ Chính phủ đang tăng cao, từ 33,8% GDP năm 2007 lên 36,2% năm 2008, năm 2009 chiếm 41,9% GDP và sẽ tăng lên 44,6% GDP vào năm nay. Ông đánh giá thế nào về các con số này?

Nói chung, cũng phải hết sức suy nghĩ. Nhưng trên thực tế, các định chế tài chính quốc tế vẫn đánh giá nợ công của Việt Nam ở mức an toàn.

Chính phủ cũng đang cố gắng giảm bội chi dần xuống mức dưới 5% GDP. Tại nghị quyết kỳ họp tháng 4 vừa rồi, Chính phủ đã đặt mục tiêu quyết tâm giảm bội chi xuống mức khoảng 6%, thay vì 6,2% như Quốc hội đã thông qua.

Cũng còn nhiều yếu tố khác nữa, nếu nền kinh tế phát triển tốt, thu ngân sách tốt và có vượt thu ngân sách, như năm vừa rồi vượt thu ngân sách vào khoảng 3,5% GDP, thì nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn lãi cũng sẽ trong tình trạng tốt hơn.

Ông có thể nói rõ các tiêu chí kiểm soát nợ công hiện đang như thế nào?

Có nhiều yếu tố liên quan đến mức độ an toàn của nợ công, gồm cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối, dự trữ tài chính, quỹ tích lũy để trả nợ…, chứ không đơn giản chỉ là căn cứ trên tỷ lệ nợ công so với GDP như chúng ta vẫn nói từ trước đến nay.

Ví dụ như kiểm soát nợ nước ngoài thì có các tiêu chí như tổng dư nợ nước ngoài so với GDP, nợ nước ngoài khu vực công so GDP, nghĩa vụ trả nợ so với giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, nghĩa vụ trả nợ chính phủ so với thu ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối so tổng dư nợ ngắn hạn, nghĩa vụ nợ dự phòng chính phủ so với thu ngân sách nhà nước.

Việc quản lý nợ công hiện nay đã có các quy định cụ thể, Luật Quản lý nợ công đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 12 ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.

Quản lý nợ công hiện nay đã ở chuẩn mực cao hơn, cho nên không đáng ngại lắm.

Vậy theo ông, khi cảnh báo về nợ công tiến sát đến ngưỡng giới hạn an toàn tức là tiêu chí nào đang có nguy cơ vượt an toàn?

Khi phát biểu vấn đề này, ý của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là nếu cứ tiếp tục bội chi cao và đầu tư không hiệu quả, dàn trải quá thì nguy cơ rủi ro từ nợ công là lớn. Chẳng hạn một công trình dự án vốn 100 tỷ đồng, mỗi năm chỉ bố trí 10 tỷ đồng thì 10 năm mới hoàn thành. Nhưng nếu đầu tư tập trung trong vòng 3 năm xong, thì 7 năm còn lại đã có thể trả lãi và nợ gốc rồi.

Nếu cách bố trí, sử dụng vốn hợp lý, có hiệu quả, đầu tư tốt thì trả được nợ. Còn nếu không hiệu quả thì không trả được nợ và sẽ mắc nợ.

Vậy nên hiểu thế nào về cảnh báo của Ủy ban Tài chính Ngân sách tại kỳ họp vừa rồi?

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ của Hy Lạp và ảnh hưởng dây chuyền của nó tới tài chính toàn cầu, Ủy ban đưa ra những cảnh báo về tình hình nợ công của nước ta với yêu cầu cơ cấu lại chi ngân sách, khắc phục bội chi do cơ cấu, ban hành các chính sách.

Trong khi phải tiếp tục vay để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nếu không giải quyết được việc cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi, lựa chọn các công trình then chốt để đầu tư, thì khả năng nợ Chính phủ vượt ngưỡng 50% là dễ xảy ra.

Đó cũng chính là trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, ngoài việc giám sát thực thi pháp luật trong hiện tại, còn phải nghiên cứu, tổng hợp, phân tích để đưa ra những dự báo, xu hướng phát triển trong tương lai, để các đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định, nhất là đối với các vấn đề quan trọng của đất nước như ngân sách nhà nước.

Với trách nhiệm của mình, Ủy ban thấy cần phải cảnh báo rằng, chúng ta vẫn đang tiếp tục vay nợ ở mức cao, chúng ta cần chú ý đến việc này, và phải sử dụng có hiệu quả vốn vay, thế thôi. Chứ, Ủy ban không khẳng định là đã đến mức báo động, hoặc đến mức trần mà không thể vượt qua được.

Xin lưu ý rằng nợ công có thể vượt mức 50% GDP mà vẫn đảm bảo an toàn tài chính, nếu chúng ta chi tiêu hợp lý và hiệu quả. Vì sắp tới, chúng ta còn có những khoản vay lớn, như đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM vốn khoảng 50 tỷ USD, rồi quy hoạch thủ đô Hà Nội giai đoạn đến 2020 phải đầu tư 30 tỷ USD… Trong vòng 10 năm nữa, riêng hai khoản đó đã rất nhiều rồi.

ICOR cao đáng ngại hơn nợ công

Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu quan tâm đến rủi ro nào trong nợ công, thưa ông?

Theo tôi được biết thì các đại biểu quốc hội lo ngại hiệu quả sử dụng đồng vốn vay, hơn là con số tuyệt đối nợ công.

Bởi vị nước chúng ta còn nghèo, tích lũy của nền kinh tế còn thấp, thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên, dành cho đầu tư phát triển rất hạn chế. Cho nên bắt buộc chúng ta phải vay để phát triển.

Vì vậy, nếu vay mà tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển thì chắc chắn sẽ thu hồi được để trả nợ thôi.

Cũng liên quan đến hiệu quả đầu tư, khi Quốc hội quyết cả hai chỉ tiêu tổng đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng GDP, có nghĩa là đã quyết cả hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV). Bởi vậy, nếu nói đầu tư không hiệu quả liệu có trách “oan” Chính phủ?

Có những nơi, lĩnh vực, đầu tư tạo hiệu quả rất nhanh, ví dụ như đầu tư vào các vùng trọng điểm kinh tế chẳng hạn, sẽ rất khác. Nhưng nếu đầu tư cho vùng sâu, vùng xa thì khả năng hoàn vốn sẽ chậm hơn.

Nhưng vì chính sách của chúng ta là phát triển đồng đều, hài hòa các vùng miền, để đảm bảo an sinh xã hội thì vẫn phải đầu tư. Những năm suy giảm, đời sống của bà con khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo khó khăn hơn thì nhà nước càng phải đầu tư. Cho nên, cũng phải tính đến cả yếu tố này nữa.

Cũng cần nói thêm là tỷ trọng đầu tư của nhà nước nên giảm dần để các thành phần khác cùng tham gia vào, vừa giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, vừa san sẻ trách nhiệm cho các thành phần kinh tế khác.

Vay thương mại cũng không vấn đề gì

Gần đây, những khoản vay của Việt Nam đã có mức lãi suất cao hơn, cả qua kênh trái phiếu huy đồng bằng VND, trái phiếu ngoại tệ và vay ODA. Đây có phải là điều đáng lo ngại cho tình hình nợ công?

Theo tôi vẫn không có vấn đề gì cả. Vì việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đối với cả các khoản nợ trong và ngoài nước vẫn đầy đủ, đúng hạn, không xảy ra nợ quá hạn. Công tác quản lý nợ, các văn bản pháp lý ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn, tiến tới chuẩn mức theo thông lệ quốc tế.

Chính phủ cũng thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nợ chính phủ, nợ quốc gia trên cơ sở phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị quản lý…

Kho bạc Nhà nước tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua các hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ... theo quy định của Chính phủ. Do trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường vốn thông qua đấu thầu trực tiếp công khai nên lãi suất phải theo điều kiện cụ thể của thị trường và tùy thuộc vào thời gian vay.   

Theo kế hoạch trả nợ nước ngoài của Bộ Tài chính, trong vòng hơn 10 năm tới đây, Việt Nam phải trả cả lãi và gốc khoảng 1 tỷ USD/năm, riêng năm 2016 sẽ trả gần 2 tỷ USD. Đây có phải mức cao không, thưa ông?

Theo tôi là không cao, vẫn trong khả năng trả nợ của chúng ta. Ví dụ như nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2008 so với tổng thu ngân sách chỉ bằng 3,5%.

Có hai tác động lớn từ việc tăng nợ công, đó là lãi suất và chính sách thu thuế. Những diễn biến gần đây như tăng lãi suất, tăng thu ngân sách có phản ánh phần nào tác động của tăng nợ công không, thưa ông?

Tất nhiên, khi Chính phủ vay tiền để phát triển cơ sở hạ tầng, khi bỏ tiền vào các công trình dự án, doanh nghiệp tham gia đầu tư sẽ được thanh toán khối lượng phải làm nghĩa vụ với nhà nước, thế nào cũng có thuế giá trị gia tăng, và thuế thu nhập doanh nghiệp khi kinh doanh có lãi. Như thế thì cũng có thể nói nó sẽ gián tiếp làm tăng thu ngân sách.

Còn khi Chính phủ vay thị trường trong nước là chính, qua các định chế tài chính cũng là gián tiếp vay trong dân thôi. Lãi suất phụ thuộc vào khả năng cung cầu về vốn và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Hiện nay lãi suất huy động phổ biến ở mức khoảng 11,5%, phù hợp với các điều kiện của thị trường cũng như các mục tiêu ngắn và dài hạn của Chính phủ.

Vừa rồi Chính phủ đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí để hạ mặt bằng lãi suất xuống để thúc đẩy sản xuất.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, Việt Nam có chịu rủi ro nào không, theo ông?

Theo tôi, chắc không có rủi ro nào, vì chúng ta không liên quan nhiều đến các quốc gia chịu khủng hoảng hiện nay. Hơn nữa, do quy mô nền kinh tế của chúng ta nhỏ, tỷ lệ vay nợ như vậy nhưng con số tuyệt đối cũng nhỏ so với quốc tế. Nợ nước ngoài của chúng ta chủ yếu đến từ Nhật Bản, ADB, và WB…