07:00 05/06/2007

Trị giá tính thuế nhiều vướng mắc

Nguyên Linh

Đã có nhiều trường hợp khiếu kiện rằng có sự chênh lệch lớn giữa tính toán của hải quan với thực tế

Theo nhiều phản ánh từ cán bộ hải quan chuyên trách, hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ kiểm tra xác định trị giá còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế - Ảnh: TTXVN.
Theo nhiều phản ánh từ cán bộ hải quan chuyên trách, hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ kiểm tra xác định trị giá còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế - Ảnh: TTXVN.
Xác định trị giá hải quan phục vụ tính thuế, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu tiếp tục là khâu có nhiều vướng mắc hàng đầu trong thủ tục hải quan cũng như việc thực hiện Luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi), Luật Quản lý thuế mới.

Đó là tình hình chung được rút ra trong hội nghị chuyên ngành mới đây của Tổng cục Hải quan.

Theo báo cáo, tính từ đầu năm 2006, từ khi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) có hiệu lực, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản nghiệp vụ mới giúp các hải quan địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ xác định trị giá hải quan và thu thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc cần khắc phục.

Vì sao hiệu quả công tác còn thấp?

Theo nhiều phản ánh từ cán bộ hải quan chuyên trách về công tác trị giá tại cả cấp Tổng cục lẫn địa phương, những khó khăn có liên quan đến việc thu thập, khai thác thông tin; hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác xác định trị giá còn chưa hợp lý; hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ kiểm tra xác định trị giá chưa đáp ứng yêu cầu thực tế...

Chính vì vậy, hiệu quả công tác xác định trị giá của toàn ngành còn thấp. Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Hải quan thì tỷ lệ hồ sơ các lô hàng bác bỏ trị giá khai báo chỉ chiếm khoảng 27% trên tổng số tờ khai tham vấn.

Qua công tác kiểm tra trị giá khai báo, cơ quan hải quan đã phát hiện các lô hàng nghi ngờ trị giá khai báo, từ đó tổ chức tham vấn và bác bỏ những lô hàng có trị giá khai báo thấp, bất hợp lý, đặc biệt là những mặt hàng nhạy cảm có thuế suất cao như: ôtô, xe gắn máy.

Tuy nhiên, cũng đã xảy ra một số trường hợp công chức hải quan chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ, chưa thu thập đủ nguồn thông tin nên hoạt động xác định trị giá chưa chính xác, thậm chí còn gây phiền hà cho doanh nghiệp. Điều đó thể hiện qua tỷ lệ bác bỏ trị giá khai báo sau khi tham vấn còn thấp tính trên tổng số hồ sơ đã tham vấn.

Ngược lại, cũng có trường hợp cán bộ hải quan ở cơ sở chưa tổ chức tham vấn hoặc có tham vấn nhưng không bác bỏ trị giá khai báo của các lô hàng có trị giá thấp, mặc dù đã có đủ thông tin, do đó làm thất thu ngân sách. Thậm chí có trường hợp hải quan đã bác bỏ trị giá sau khi tham vấn và xác định giá theo quy định nhưng số thuế nộp bổ sung còn tồn đọng.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, có một thực tế là việc triển khai thực hiện theo các phương pháp xác định giá tính thuế theo Hiệp định trị giá GATT hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn, hiệu quả chưa cao, tình trạng gian lận, trốn thuế qua giá vẫn còn nhiều do sự thiếu đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Vì vậy, để bảo đảm việc xác định giá tính thuế phù hợp với nguyên tắc của quốc tế, cần sửa đổi quy định về cơ sở định giá tính thuế trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành để nâng cao tính pháp lý, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong thời gian gia nhập WTO.

Hoàn thiện quy trình xác định trị giá

Trên thực tế hiện nay, trị giá khai báo của doanh nghiệp sẽ được coi “không phù hợp” và hải quan có quyền yêu cầu giải trình hoặc tham vấn trong khá nhiều trường trường hợp.

Chẳng hạn, trị giá khai báo thấp hơn 90% mức giá chào bán công khai trên Internet hoặc 90% giá trên thư chào hàng công khai, hoặc trị giá khai báo thấp hơn 90% so với giá bán hàng hóa đó sang một nước thứ ba; trị giá khai báo của hàng hóa nhập khẩu thấp hơn trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự được xuất khẩu trong vòng 30 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang kiểm tra; trị giá khai báo thấp hơn giá chào bán xuất khẩu công khai trên Internet; trị giá khai báo thấp hơn giá bán trên thị trường nội địa sau khi trừ đi các khoản thuế và các chi phí phát sinh (thông thường không quá 30% giá bán) và trị giá khai báo thấp hơn mức giá kiểm tra của Tổng cục Hải quan.

Với những chủ trương này, đã có nhiều trường hợp khiếu kiện rằng có sự chênh lệch lớn giữa tính toán của hải quan với thực tế. Chẳng hạn về quy định “thấp hơn giá bán trên thị trường nội địa” là giá nào? Giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng, giá bán cho nhà phân phối, giá đại lý bán ra hay giá bán sỉ ngay tại kho ở Việt Nam?

Thêm vào đó, Luật Quản lý thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 cũng đặt ra những vấn đề mới đối với công tác xác định trị giá và thu thuế xuất nhập khẩu. Nhiều ý kiến trong ngành đã kiến nghị hoàn thiện hơn nữa các quy trình xác định trị giá tính thuế, chống gian lận thương mại về giá cho phù hợp với khung pháp lý mới.

Chẳng hạn giải pháp hoàn thiện cơ sở dữ liệu trị giá được thu thập và tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, phục vụ tốt công tác tham vấn và quản lý giá. Hệ thống dữ liệu cần được xây dựng theo các nhóm hàng trong đó tập trung xác định các nhóm hàng trọng điểm.

Mặt khác, phải cụ thể hoá trách nhiệm của từng cán bộ, công chức tham gia quy trình xác định trị giá hải quan. Hiện nay, một nguyên nhân làm giảm hiệu quả của công tác xác định trị giá chính là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị trong một cục hải quan và giữa các cục hải quan.

Do đó, các cục hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị chức năng thuộc cơ quan Tổng cục cũng được yêu cầu tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin để hỗ trợ cho nhau trong công tác này.