09:56 16/01/2009

Tỷ giá VND/USD: Nên vừa linh hoạt, vừa tránh gây sốc!

Xuân Vũ

Nhiều dự báo cho rằng, trong năm 2009 VND sẽ mất giá hơn so với USD, với tỷ giá VND/USD ở mức 17.800-18.000

"Khi hạ giá cũng phải tính đến mối tương quan giữa lãi suất VND với USD và tỷ giá của những ngoại tệ khác so với USD nếu không nó sẽ tác động xấu tới tâm lý người gửi tiền và hệ thống tài chính" - Ảnh: Từ Nguyên.
"Khi hạ giá cũng phải tính đến mối tương quan giữa lãi suất VND với USD và tỷ giá của những ngoại tệ khác so với USD nếu không nó sẽ tác động xấu tới tâm lý người gửi tiền và hệ thống tài chính" - Ảnh: Từ Nguyên.
Nhiều dự báo cho rằng, trong năm 2009 VND sẽ mất giá hơn so với USD, với tỷ giá VND/USD ở mức 17.800-18.000.

Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, chưa rõ thời điểm phục hồi, đồng thời các nước trong khu vực cũng đang thực thi chính sách phá giá đồng tiền bản địa để hỗ trợ xuất khẩu, thì việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cần phải linh hoạt hơn, nhưng cũng không gây “sốc” cho các doanh nghiệp và gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Đánh giá về dự báo của một số tổ chức trên thế giới về khả năng mất giá của VND so với USD, ông Thành nói:

- Ở vào thời điểm này khi nền kinh tế thế giới còn đang rất bất định thì mọi dự báo đều hết sức khó. Năm 2009, dự kiến lạm phát của Việt Nam dưới 10%, mặc dù không nghiêm trọng nhưng có hai vấn đề khác khá căng thẳng, kéo theo xu hướng USD tăng giá.

Đó là thâm hụt thương mại tuy giảm nhưng nhu cầu USD cao do các nguồn FDI, kiều hối, FII khó khăn và để bù đắp thâm hụt cộng với nguy cơ giảm phát nên Chính phủ chủ trương kích cầu, dẫn đến lãi suất VND giảm.

Tôi cho rằng, phải theo dõi sát tình hình thị trường, bởi khả năng phục hồi kinh tế, thương mại có thể diễn ra vào cuối năm 2009 hoặc năm 2010. Điều này có ảnh hưởng lớn tới dòng vốn ra - vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, khả năng phản ứng chính sách của Mỹ và các nước không đơn giản là khi khủng hoảng đi qua, bắt đầu có dấu hiệu nguy cơ lạm phát, ngân hàng trung ương các nước sẽ thắt chặt tiền tệ.

Như vậy, chính sách điều hành tỷ giá sẽ phải linh hoạt hơn?

Chính sách điều hành tỷ giá chắc chắn phải linh hoạt, trong đó có hai kịch bản: hoặc đồng tiền mất giá nhưng linh hoạt hơn hoặc một xu hướng linh hoạt quá mức. Linh hoạt trong chính sách tiền tệ bao giờ cũng tốt, như chúng ta đã thấy trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua.

Còn nếu giữ chính sách tỷ giá cố định trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới bất ổn, dòng chu chuyển vốn khó lường cùng với nền kinh tế “đô la hóa” cao của Việt Nam thì sẽ rất khó cho chính sách kiểm soát tiền tệ.

Linh hoạt sẽ tạo điều kiện kiểm soát cung tiền, đó là yếu tố thứ nhất.

Thứ hai, chúng ta đều biết cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt lớn và nguồn huy động cho nó sẽ khó khăn và đương nhiên tạo nên sức ép VND mất giá.

Thứ ba, linh hoạt mất giá để hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Như vậy có ba yếu tố khiến tỷ giá cần linh hoạt hơn - 3 tháng vừa qua ngân hàng cũng điều chỉnh theo hướng đó.

Có ý kiến cho rằng, cũng có thể để VND mất giá hơn nữa để hỗ trợ tốt hơn cho xuất khẩu.Ông nghĩ sao?

Đó chính là kịch bản thứ hai, trường hợp chính sách tỷ giá linh hoạt quá rộng.

Theo tôi, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng xuất khẩu. Bởi khi hạ giá cũng phải tính đến mối tương quan giữa lãi suất VND với USD và tỷ giá của những ngoại tệ khác so với USD nếu không nó sẽ tác động xấu tới tâm lý người gửi tiền và hệ thống tài chính.

Hạ quá thấp người gửi tiền ở trong nước thấy độ hấp dẫn VND không đủ họ sẽ chuyển sang USD. Vì vậy, tới đây VND mất giá bao nhiêu là cả một nghệ thuật của Ngân hàng Nhà nước, nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Hơn nữa, nước ta vẫn chịu áp lực lớn từ nhập khẩu, cho nên điều chỉnh phải dần dần không thể tạo ra một cú sốc ngay được.

Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp của ta hiện nay chưa biết “chơi” các công cụ phòng chống rủi ro về tỷ giá, cho nên một độ linh hoạt rộng quá mức cũng gây ra rủi ro lớn.

Chính sách tỷ giá thay đổi ảnh hưởng tới các nhóm đối tượng khác nhau. Theo ông, cơ quan quản lý sẽ cân đối những nhóm lợi ích này như thế nào?

VND mất giá, người dân sẽ gửi USD nhiều hơn, vì thế nhiều năm qua lãi suất tiền gửi VND luôn được duy trì ở mức cao hơn lãi suất USD.

Hiện tại, lãi suất tiền gửi VND khoảng 10%/năm, lãi suất USD khoảng 4%/năm, tỷ lệ mất giá VND 3-4%/năm, như vậy gửi VND trên lý thuyết vẫn có lợi hơn.

Một nhóm đối tượng khác là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngân hàng cho vay USD thu tiền đồng, tỷ giá được điều chỉnh có thể dẫn đến mất cân đối cơ cấu đồng tiền gây ra chu chuyển vốn phức tạp hơn là chuyện tiền gửi, nhập khẩu, xuất khẩu...

Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt tỷ giá theo hướng nào, thưa ông?

Tỷ giá linh hoạt không chỉ có lợi cho xuất khẩu, mà còn hạn chế đầu cơ, vì khi tỷ giá biến động cao, nhà đầu cơ sẽ thận trọng.

Quan trọng hơn cả là chính sách tỷ giá nhằm tăng xuất khẩu, một đồng tiền bị lên giá quá mức sẽ hạn chế xuất khẩu, kiềm chế tăng trưởng GDP, đồng thời tỷ giá điều chỉnh có thể làm tăng hay giảm hàng nhập khẩu, gây ra tăng giảm giá trong nước...

Chính sách tỷ giá thay đổi liên tục, doanh nghiệp có thể khó dự báo, hoạt động kinh doanh sản xuất khó khăn. Mỗi lần thay đổi tỷ giá, quan trọng là phải ổn định kinh tế vĩ mô, nhìn tổng thể có nhiều cái lợi hơn thiệt.