09:42 17/01/2008

Vàng “chia” vốn chứng khoán

Minh Đức

Những ngày vừa qua, mối liên hệ giữa thị trường vàng với thị trường chứng khoán thể hiện rõ nét

Trong ngày 7/1, khi giá vàng vượt trên 1,6 triệu đồng/chỉ, thị trường ghi nhận một đợt bán ra kỷ lục với con số được đề cập đến trên 3.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán kỳ sôi động.
Trong ngày 7/1, khi giá vàng vượt trên 1,6 triệu đồng/chỉ, thị trường ghi nhận một đợt bán ra kỷ lục với con số được đề cập đến trên 3.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán kỳ sôi động.
Những ngày vừa qua, mối liên hệ giữa thị trường vàng với thị trường chứng khoán thể hiện rõ nét. Nguồn vốn dịch chuyển từ hai thị trường này càng năng động càng cho thấy tính ngắn hạn trong dòng vốn đầu tư cá nhân hiện nay.

Ghi nhận tại hầu hết các công ty chứng khoán những ngày đầu năm 2008, lượng nhà đầu tư tới giao dịch khá nhộn nhịp, nhưng không phải đặt lệnh mua - bán chứng khoán mà tập trung nộp - rút tiền từ tài khoản. Diễn biến này có từ những biến động lớn và hấp dẫn của giá.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đầu mối, lượng vốn trong dân cư hiện nay rất lớn, không “cạn kiệt” như một số lo ngại ở mùa chứng khoán suy thoái. Đáng chú ý là khi cơ hội đầu tư trên sàn niêm yết trở nên khó khăn, tính thanh khoản trên thị trường OTC giảm sút, thì một lượng vốn lớn từ thị trường chứng khoán đã chảy sang thị trường, đón đầu cơn lốc giá đầu năm.

Trong ngày 7/1, khi giá vàng vượt trên 1,6 triệu đồng/chỉ, thị trường ghi nhận một đợt bán ra kỷ lục với con số được đề cập đến trên 3.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán kỳ sôi động. Lượng vốn này lập tức tạo cơ sở để nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tin vào khả năng một phiên tăng điểm sau đó, bởi một phần lớn sẽ trở lại sàn niêm yết khi giá chứng khoán xuống sâu.

Tương tự, trong ngày 15/1, giao dịch trên thị trường vàng lại đột biến, khi giá vàng liên tiếp lập kỷ lục mới; chỉ tính riêng lượng vàng bán ra của Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội ước tính đã vọt tới 2.000 lượng/ngày – bằng cả công suất sản xuất của đầu mối lớn nhất nước là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn.

Trong khi thị trường vàng sôi động, thu hút một lượng vốn tham gia thì thị trường chứng khoán lại trải qua một chuỗi “thử lửa” căng thẳng, khối lượng và giá trị giao dịch duy trì khó khăn. Nhìn sang thị trường vàng, có thể khẳng định nguyên nhân khan vốn khiến thị trường chứng khoán sụt giảm có thể bị loại trừ. Thay vào đó, có thể xác định một nguyên nhân khác rằng thị trường vàng đang tạo ra những cơ hội hấp dẫn, đặc biệt là tính thanh khoản cao (không bó hẹp T+3 như ở thị trường chứng khoán niêm yết) và nhà đầu tư có tâm lý yên tâm hơn khi đầu tư tranh thủ cơ hội nóng sốt đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư lướt sóng chủ yếu phụ thuộc vào thời hạn thanh toán T+3, nên trường hợp thấy rủi ro vẫn phải khoanh tay. Thực tế, nhiều nhà đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán đã buộc phải trở thành nhà đầu tư dài hạn, kẹt vốn bất đắc dĩ vì thị trường suy giảm quá lâu và sâu. Trong khi trên thị trường vàng, giao dịch có thể thực hiện ngay khi có dấu hiệu rủi ro.

Nhưng rủi ro trên thị trường vàng cũng rất lớn và diễn ra chóng vánh. Thực tế, trong ngày 15/1 nói trên, nhà đầu tư chen lấn mua vàng vào khi giá vàng thế giới vọt gần 910 USD/oz, giá trong nước vọt trên 1,77 triệu đồng/chỉ, thì ngay trong ngày 16/1, giá vàng thế giới bất ngờ giảm tới gần 20 USD/oz, giá trong nước giảm tới trên 40.000 đồng/chỉ, nhiều nhà đầu tư lỗ nặng.

Trước đó, khi giá vàng đạt đúng kỳ vọng mốc 900 USD/oz, nhiều nhà đầu tư vốn “xuất thân” từ chứng khoán đã nhanh chóng thoái vốn, thu lãi và trở về thị trường chứng khoán, chờ mốc 800 điểm của VN-Index bị phá để gom hàng.

Chỉ trong những ngày vừa qua, giá vàng đã liên tiếp gây sốc và bộc lộ một khả năng rủi ro lớn. Tất nhiên, cũng như đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng cũng cần dài hạn. Nhưng cả về dài hạn, sự hấp dẫn giữa hai kênh đầu tư này đang được nhiều nhà đầu tư cân nhắc.

Theo ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank), nếu cuối năm 2008, giá vàng trong nước có thể đạt tới 1,8 triệu đồng/chỉ, tăng khoảng 0,1 triệu đồng/chỉ so với mức giá hiện nay thì tổng lãi thu về chỉ ở khoảng 7%, đó là chưa tính tới những khả năng rủi ro và khó lường của kênh đầu tư này. Mức lãi đó so với lãi suất tiết kiệm khoảng 9,3%/năm (có ngân hàng áp dụng tới trên 10% đối với kỳ phiếu) thì có một chênh lệch đáng chú ý.

Trong những ngày qua, dù giá vàng biến động mạnh nhưng chênh lệch lợi nhuận ngắn hạn vẫn không thể tạo ra 10% và còn đòi hỏi vốn lớn. Còn nếu so với đầu tư chứng khoán, nếu xác định đầu tư đúng, chỉ cần một phiên tăng trần trên sàn Hà Nội.

Tất nhiên, trong bối cảnh chứng khoán ảm đạm, thị thường vàng nóng sốt sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhưng khi thị trường chứng khoán sôi động trở lại thì đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn với khả năng tạo chênh lệch lớn nhuận lớn nhất so với các kênh truyền thống là gửi tiết kiệm, đầu tư vàng. Tất nhiên, đi cùng với đó là khả năng chấp nhận rủi ro.