09:05 08/11/2010

Vàng “nổi loạn” và câu chuyện của Việt Nam

Nguyễn Hoài

Yếu tố lạm phát là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân đầu cơ tích trữ vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình

Trước cơn sốt vàng, rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo tình trạng “quả bóng vàng” sẽ xì hơi do giá trị của chúng bị định giá quá cao so với thực tế.
Trước cơn sốt vàng, rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo tình trạng “quả bóng vàng” sẽ xì hơi do giá trị của chúng bị định giá quá cao so với thực tế.
Ngay sau khi giá vàng thế giới lập kỷ lục 1.400 USD/ounce, giá vàng trong nước bán ra vọt lên 35,35 triệu đồng/lượng. Cơn sốt vàng tiếp tục leo thang đến bao giờ?

Vì Thông tư 22?

Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng giá vàng sáng ngày 6/11 mua vào 35,25 triệu đồng/lượng và bán ra 35,35 triệu đồng/lượng, tăng gần 350 nghìn đồng/lượng so với ngày 5/11.

Trong khi đó, ở bên kia bán cầu, vài ngày sau cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sau khi có thông tin FED tuyên bố bơm ra thị trường 600 tỷ USD, lập tức đẩy giá vàng giao ngay tại New York tiệm cận 1.400 USD/ounce, đạt kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.

Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước tăng giá, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng, yếu tố đầu tiên là do giá thế giới tăng.

Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn tính toán rằng, nếu giá trong nước chỉ cần cao hơn giá thế giới khoảng 80 nghìn - 150 nghìn đồng là có lãi và họ sẽ nhập về; ngược lại, nếu thấp hơn con số nói trên họ sẽ không nhập và nếu thấp hơn nữa, họ sẽ xuất ngược.

Đem giá vàng thế giới ngày 6/11 quy đổi ra VND qua cầu USD, tương đương 34,89 triệu đồng/lượng (đã tính thuế và phí) so với giá trong nước thì giá thế giới thấp hơn 450 nghìn đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước đã vượt quá xa so với giá thế giới và không loại trừ yếu tố làm giá từ những đầu mối nắm giữ cơ số vàng lớn.

Nguyên nhân tiếp theo được cho là từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22/TT-NHNN về quản lý hoạt động huy động và cho vay bằng vàng đối với các tổ chức tín dụng đã khiến cho nguồn cung vàng trên thị trường bị khan hiếm nên đẩy giá leo cao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định: việc ban hành Thông tư 22 là cần thiết nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Trong đó, một lượng vàng rất lớn từ dân cư sẽ được chuyển đổi thành tiền, để tái đầu tư cho nền kinh tế, sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Đồng thời, khi thực hiện chính sách này, hệ thống ngân hàng gần như đứng ngoài sự “nhảy múa” của vàng khi giá vàng thế giới lên xuống thất thường. Nhờ đó, rủi ro tín dụng bằng vàng sẽ không còn; đồng thời cũng triệt tiêu hành vi từ một số tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn bằng tiền chuyển đổi để quay vòng đầu cơ vàng, ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối cũng như tỷ giá.

Trước cơn sốt vàng, rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo tình trạng “quả bóng vàng” sẽ xì hơi do giá trị của chúng bị định giá quá cao so với thực tế, trong khi yếu tố “giá trị sử dụng” của vàng rất thấp.

Người Mỹ được gì?

Không phủ nhận rằng, giá vàng gần đây tăng chóng mặt là do giá trị đồng USD bị giảm sút nghiêm trọng khi chính phủ Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ với mong muốn phục hồi kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm.

Xung quanh chính sách này của Mỹ, giới phân tích tài chính nhận xét: sở dĩ Mỹ không lo sợ đồng USD giảm giá vì đồng tiền này hiện ngự trị trong toàn bộ nền kinh tế thế giới, từ dự trữ quốc gia đến dự trữ của các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IMF…), đồng thời đó còn là công cụ thanh toán chủ yếu trong giao thương quốc tế.

Còn theo ông Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), hiện nay số dự trữ vàng của Mỹ lên tới 8.000 tấn, khi USD giảm giá, cả thế giới sẽ lo sốt vó đi tìm các công cụ bảo toàn giá trị tài sản và vàng là sự chọn lựa số 1. Vì thế, khi thực thi phá giá đồng USD, Mỹ vẫn khôi phục được kinh tế, trong khi giá trị các khoản nợ và thâm hụt thương mại giảm và điều quan trọng hơn là tài sản quốc gia lại tăng lên nhờ vàng tăng giá.

Một số người bi quan rằng, có thể đây là khởi đầu cho cuộc chiến tiền tệ và sau đó là chiến tranh thương mại trong một tương lai không xa. Bởi lẽ, với chính sách này, xuất khẩu của Mỹ sẽ thành công và nhập khẩu thu hẹp lại, trong khi các nước trên thế giới sẽ là nơi tiêu thụ hàng hóa cho Mỹ. Hiện tại, rất nhiều nước có đồng tiền mạnh ra sức bảo vệ đồng tiền của mình nhằm tránh sa vào cái bẫy tiền tệ nói trên.

Những ngày này, ở đâu cũng râm ran dự đoán tương lai ảm đạm của nền kinh tế thế giới vì lo ngại xuất hiện những dấu hiệu tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930-1931. Và có vẻ như tất cả đang nín thở chờ đợi sự phục hồi của kinh tế Mỹ hơn là chứng kiến nhiều quốc gia đang nỗ lực bảo vệ giá trị đồng tiền của mình không cho tăng giá so với USD.
 
Câu chuyện của Việt Nam

Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hiện tại, số lượng vàng tích trữ trong dân lên tới 1.000 tấn. Mặc kệ số vàng nói trên là bao nhiêu, ma lực từ vàng vẫn khiến người dân bất chấp rủi ro, tiếp tục lao vào vòng xoáy đầu cơ, tích trữ, kể cả khi giá trong nước cao hơn giá thế giới cả nửa triệu đồng/lượng. Tại sao có hiện tượng như vậy?

Một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước thừa nhận rằng, mấu chốt vấn đề ở đây một phần là do giá vàng trên thế giới tăng nhưng ở Việt Nam, yếu tố lạm phát là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân đầu cơ tích trữ vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI năm 2008 tăng 22,97%, năm 2009 tăng 6,88% và 10 tháng đầu năm tăng 8,75%, tối ngày 6/11, tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ khẳng định CPI năm nay dưới 10%; cộng dồn, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, giá trị đồng tiền đã bị tổn thương ít nhất 38,53%, tính đến nay.

Lý thuyết kinh tế vĩ mô cho rằng, lạm phát thường là hệ quả của 3 yếu tố: tiền tệ, chi phí đẩy và cầu kéo. Đối với trường hợp Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đều nhấn mạnh lạm phát phần lớn là do yếu tố tiền tệ mà nguyên nhân sâu xa là bội chi ngân sách quá mức, nhưng không tạo thêm nhiều việc làm và của cải như kỳ vọng. Bởi thế, lực lượng tiền tệ này đã quay trở lại tấn công vào hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng, tác động xấu đến đời sống và làm trầm trọng thêm tâm lý găm giữ, tích trữ tài sản (vàng, USD) trong xã hội.

Từ thực tế này, có thể thấy, để vàng đóng góp giá trị thực sự cho nền kinh tế, một trong những vấn đề cốt lõi vẫn là kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất và ổn định giá trị đồng tiền. Còn nếu ngược lại, nền kinh tế sẽ phải sống chung với sự nổi loạn của vàng, chấp nhận thực tế dòng tiền bị rối ren, bên cạnh một chút lợi ích từ nghề... sản xuất, buôn bán két sắt mà vàng mang lại!