00:46 24/02/2007

Vàng quay lại thời hoàng kim?

Minh Đức

Nhiều khả năng, thị trường vàng sẽ sôi động trở lại như thời hoàng kim cuối năm 2005 đầu năm 2006

Giá vàng đã tăng mạnh rồi giảm nhẹ trong ngày 22/2, nhưng nhiều dự báo đã đề cập đến mức giá mục tiêu trong ngắn hạn là 700 USD/oz - Ảnh: Reuters.
Giá vàng đã tăng mạnh rồi giảm nhẹ trong ngày 22/2, nhưng nhiều dự báo đã đề cập đến mức giá mục tiêu trong ngắn hạn là 700 USD/oz - Ảnh: Reuters.
Nhiều khả năng, thị trường vàng sẽ sôi động trở lại như thời hoàng kim cuối năm 2005 đầu năm 2006.

Trong khi thị trường vàng đầu tư trong nước tạm nghỉ lễ thì thị trường thế giới bước vào thời điểm sôi động nhất trong hơn sáu tháng qua. Biên độ lên tới 40 USD/ounce đã mở ra nhiều cơ hội và trả lại sự hấp dẫn vốn có của một thị trường đầy biến động này.

Ngày 21/2, giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất 9 tháng trước đó. Mức giá vượt trên 680 USD/oz cùng bước giá trên 10 USD qua một phiên thực sự là một biến động lớn so với không khí tẻ nhạt trên thị trường kéo dài những tháng qua.

Nguyên nhân chính của đợt biến động này được xác định từ tính “cơ hội” của sự căng thẳng trong vấn đề hạt nhân của Iran với Liên hợp quốc. Vấn đề này được hầu hết các bản tin trên thế giới đề cập đến như một lo ngại lớn, buộc nhiều nhà đầu tư tìm đến “hầm trú” an toàn là vàng.

Nguyên nhân thực tế hơn là kỳ vọng đồng USD giảm giá, giá dầu và nhu cầu vàng nguyên liệu tăng trở lại đang định hình trên thị trường.

Thông tin mà thị trường chờ đợi thời điểm này là phát biểu quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong đó thông tin định hướng là sự quan ngại về khả năng lạm phát của nước này gia tăng. Với khả năng này, vàng được xem là một công cụ để đối phó với rủi ro lạm phát tăng cao.

Về định hướng giá dầu, sau khi tới mức 61 USD/thùng, dự báo thị trường sẽ tiếp tục đón nhận mức giá mới khi thông tin về nguồn dầu dự trữ của Mỹ giảm mạnh cùng căng thẳng từ vấn đề hạt nhân Iran.

Giá vàng đã tăng mạnh rồi giảm nhẹ trong ngày 22/2, nhưng nhiều dự báo đã đề cập đến mức giá mục tiêu trong ngắn hạn là 700 USD/oz; thậm chí một số phân tích còn đề cập đến mốc lịch sử của 26 năm qua là 730 USD/oz (được xác lập vào ngày 11/5/2006).

Những dự báo trên có thể không hiện thực nhưng cho thấy giới đầu tư đang đặt nhiều niêm tin vào sự sôi động trở lại của thị trường vàng. Một khảo sát do VnEconomy vừa thực hiện cũng có một kết quả tương tự: Nhiều nhà đầu tư trong nước tin rằng vàng vẫn là một phương tiện đầu tư hấp dẫn trong năm nay.

Với diễn biến trong hai tuần trở lại đây, biên độ giao động của giá vàng lên tới 40 USD/oz, mức cao nhất đã phá vỡ ngưỡng kỹ thuật 680 USD, thị trường vàng đã thực sự tạo nên những cơ hội đầu tư rõ rệt với những chênh lệch lớn. Đây là môi trường quan trọng nhất để các dòng vốn quay trở lại thị trường, tạo nên không khí sôi động.

Trong nước, chênh lệch giá cũng đã có những bước lên tới 15.000 đồng/chỉ, mức cần thiết cho những khoản lợi nhuận níu kéo nhà đầu tư. Sự níu kéo này là cần thiết khi mà các dòng vốn đầu tư cá nhân trong nước đang bị lôi kéo mạnh từ thị trường chứng khoán.

Cuối năm 2006, nhiều nhà đầu tư trong nước tạm quay lưng với thị trường vàng. Cũng từ thời điểm đó, thị trường chứng khoán có sức hấp dẫn lấn át. Nhưng thị trường vàng giai đoạn đó như một “đám than đang vạc lửa”, chờ một làn gió mới để bùng nóng trở lại. Diễn biến giá trên thị trường thế giới những ngày vừa qua có thể là làn gió đó.