21:51 14/02/2014

Vì sao Eximbank lỗ lớn quý 4/2013?

Minh Đức

Bất ngờ bởi sau nhiều năm ngân hàng này mới thể hiện một mức lỗ khá lớn như vậy trong phạm vi một quý

Đầu năm 2013, Eximbank đặt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng.<br>
Đầu năm 2013, Eximbank đặt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng.<br>
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2013 với kết quả đáng chú ý.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, tổng lợi nhuận trước thuế quý 4/2013 của Eximbank bất ngờ âm 328,1 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trong quý âm 221,62 tỷ đồng.

Bất ngờ bởi sau nhiều năm ngân hàng này mới thể hiện một mức lỗ khá lớn như vậy trong phạm vi một quý. Kết quả của quý vừa qua theo đó đã kéo tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2013 chỉ đạt 827 tỷ đồng. Cuối tháng 10/2013, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị còn dự tính phấn đấu lợi nhuận cả năm ở con số khoảng 1.600 tỷ đồng; xa hơn, chỉ tiêu đề ra đầu năm là 3.200 tỷ đồng.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất, dễ nhận thấy có hai tác động chính dẫn tới kết quả kinh doanh nói trên.

Một là, Eximbank ghi nhận khoản lỗ khá lớn trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, tới 229,66 tỷ đồng. Báo cáo không nêu cụ thể, song khoản mục này có thể hiểu bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng.

Năm 2013, với yêu cầu quyết liệt trong tất toán trạng thái vàng, một số ngân hàng thương mại chịu lỗ trong hoạt động chuyển đổi vốn từ vàng và tất toán sau đó, gắn với rủi ro giá; Eximbank có thể xem là một điển hình và hạch toán vào cuối năm. Tuy nhiên, mức lỗ ở khoản mục này chỉ là tương đối về hạch toán, thực tế nguồn vốn chuyển đổi và hoạt động kinh doanh vàng đã gián tiếp tạo các khoản thu khác cho ngân hàng, đặc biệt là về tín dụng…

Hai là, quý 3/2014, Eximbank ghi nhận chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khá lớn, lên tới 120,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2012 chỉ là 39,3 tỷ đồng.

Việc gia tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý vừa rồi của Eximbank có thể gắn với quan điểm khác so với trước của ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, có tác động trực tiếp đến lợi nhuận.

Ngoài ra, một yếu tố nữa không thể hiện rõ trong báo cáo kết quả kinh doanh là có khả năng có thay đổi về cơ chế cho chi phí hoạt động so với những năm trước, gắn với chính sách nhân sự, chi trả lương - thưởng…

Liên quan đến chính sách nhân sự, quý 4/2013 tại Eximbank cũng ghi nhận sự cắt giảm khá lớn. Tính đến 31/12/2013, tổng số cán bộ nhân viên của ngân hàng chỉ còn 5.362 người, trong khi cùng kỳ năm trước là 5.800 người.

Bên cạnh kết quả kinh doanh cơ bản và diễn biến nhân sự nói trên, năm 2013, tăng trưởng tín dụng của Eximbank khá thấp so với nhiều thành viên trong hệ thống cũng như so với mức bình quân của cả ngành, chỉ đạt hơn 11%, trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng khá mạnh từ 1,32% cuối 2012 lên 1,98% cuối năm 2013, đặc biệt nợ có khả năng mất vốn tăng từ 792,803 tỷ đồng lên 1.073,8 tỷ đồng trong cùng so sánh.