15:06 07/10/2008

Vì sao HSBC giữ giá mua cổ phần Techcombank?

Minh Đức

Trao đổi với Chủ tịch HSBC châu Á – Thái Bình Dương về những thông tin phía sau kế hoạch mua thêm cổ phần Techcombank

Ông Vincent Cheng tại sự kiện HSBC khai trương máy ATM đầu tiên ngoài trụ sở tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Ông Vincent Cheng tại sự kiện HSBC khai trương máy ATM đầu tiên ngoài trụ sở tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) vừa hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng 5% cổ phần của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này lên 20%.

Điểm đáng chú ý là giá mua thêm 5% cổ phần của Techcombank được HSBC trả cao hơn nhiều so với thị trường (60.891,52 đồng/cổ phiếu trong khi giá thị trường chưa bằng 1/2 mức giá này), bằng với mức giá của giao dịch nâng tỷ lệ sở hữu từ 10% lên 15% trong năm 2007.

Xung quanh vụ giao dịch trên, VnEconomy đã trao đổi thêm với ông Vincent Cheng, Chủ tịch HSBC châu Á - Thái Bình Dương.

Thưa ông, tại sao HSBC lại chấp thuận mức giá đó trong khi giá trên thị trường và bối cảnh thị trường đã có những thay đổi?

Tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần chiến lược là một phần trong thỏa thuận của chúng tôi với Techcombank, đồng thời củng cố cam kết dài hạn của chúng tôi trong quan hệ hợp tác với ngân hàng này.

Giá chúng tôi trả cho 5% cổ phần mới để tăng số cổ phần nắm giữ lên 20% bằng với giá chúng tôi đã trả để tăng cổ phần từ 10% lên 15% năm ngoái, tính trên cơ sở giá từng cổ phiếu. Tuy nhiên, tổng giá trị phải trả cho 5% cổ phần tăng thêm lần thứ hai cao hơn do việc Techcombank phát hành thêm cổ phiếu thông qua quyền mua cổ phiếu mới, chia cổ tức và cổ phiếu (ưu đãi) cho nhân viên. Việc Techcombank phát hành thêm cổ phiếu có nghĩa là HSBC đã mua số lượng cổ phiếu lớn hơn để có thể tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên 20%.

Trong việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Techcombank, không kể đến giá mua, chúng tôi nhìn nhận quan hệ hợp tác với Techcombank cao hơn quyền lợi về vốn cổ phần. Đây là cơ hội để chúng tôi hợp tác chặt chẽ với một ngân hàng được quản lý rất tốt tại một trong những nền kinh tế triển vọng nhất châu Á.

Thêm vào đó, HSBC đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam nắm giữ 20% cổ phần tại một ngân hàng trong nước. Chúng tôi đánh giá cao sự tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam đối với HSBC qua việc cho phép chúng tôi trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên nắm giữ 20% cổ phần trong một ngân hàng nội địa.

HSBC mong muốn gì từ việc gia tăng đầu tư này?

Chúng tôi nhìn nhận sự hợp tác với Techcombank như là một sự đầu tư chiến lược dài hạn. Techcombank là một nhân tố quan trọng trong chiến lược tăng trưởng song hành của chúng tôi tại Việt Nam, bao gồm đầu tư vào những hoạt động của mình và đầu tư vào đối tác chiến lược.

Như nhiều đối tác của chúng tôi đều biết, HSBC luôn đóng vai trò năng động trong quan hệ với những đối tác chiến lược của mình. Việc chúng tôi tăng đầu tư tại Techcombank sẽ thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên và chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ với những nguồn lực bổ sung nhằm giúp ngân hàng này phát triển, qua đó, góp phần vào sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.

Trong thời gian tới, nếu Chính phủ Việt Nam nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng nội địa lên trên 20%, HSBC có tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu ở Techcombank không?

Việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng nội địa lên bao nhiêu là quyết định của Chính phủ Việt Nam. Nhưng điều đáng lưu ý là trong chưa đến ba năm, chúng tôi đã có thể tăng gấp đôi cổ phần của mình ở Techcombank từ 10% lên 20% như hiện nay.

Ông nhận định thế nào về tiềm năng phát triển của những ngân hàng ở Việt Nam, đặc biệt là HSBC và Techcombank trong những năm tới?

Chỉ vài tuần trước, chúng tôi là một trong số những ngân hàng đầu tiên được trao giấy phép chính thức thành lập ngân hàng con 100% vốn ở Việt Nam. Chúng tôi hết sức phấn khởi vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HSBC mở rộng mạng lưới phân phối và đa dạng hoá các sản phẩm để phục vụ các khách hàng ở Việt Nam.

Mặc dù HSBC quyết tâm trong việc mở ngân hàng con và tăng sự hiện diện của mình ở Việt Nam, chúng tôi cũng hợp tác với Techcombank nhằm giúp họ phát huy các thế mạnh của mình và trong những lĩnh vực đem lại lợi ích cho cả hai bên.

* Tính đến tháng 7/2008, Techcombank có tổng giá trị tài sản đạt 53 nghìn tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD), có 160 chi nhánh ở 30 tỉnh thành, gần 3.800 nhân viên.

HSBC là một trong các ngân hàng nước ngoài lớn nhất Việt Nam với vốn đầu tư 30 triệu USD. Ngân hàng này hiện có hai chi nhánh đặt tại Tp.HCM và Hà Nội, cùng một văn phòng đại diện tại Cần Thơ, với hơn 1.000 nhân viên. HSBC đã nhận giấy phép và đang trong quá trình chuẩn bị thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.