17:01 28/05/2014

Vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đấu thầu vàng?

Minh Đức

Đã hơn hai năm qua thị trường vàng trong nước không còn liên thông với thị trường thế giới

Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối một lần nữa khẳng định, Ngân hàng Nhà 
nước luôn bám sát tình hình thị trường, sẵn sàng can thiệp và đủ nguồn 
lực để can thiệp.
Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối một lần nữa khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát tình hình thị trường, sẵn sàng can thiệp và đủ nguồn lực để can thiệp.
Theo lý giải của lãnh đạo vụ chức năng, Ngân hàng Nhà nước chưa nối lại hoạt động đấu thầu vàng trong đợt biến động vừa diễn ra, do “thị trường đã tự cân bằng được”.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5/2014, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, từ giữa tháng 5 thị trường vàng trong nước có biểu hiện “hơi bất thường”.

Trong khi giá vàng thế giới gần như không thay đổi, giá trong nước lại có bước tăng khá mạnh, khoảng 2 triệu đồng/lượng trong khoảng chục ngày giữa tháng 5. Và dù giá thế giới vừa có mức giảm mạnh hơn 20 USD/oz, nhưng giá trong nước giảm chậm và nhẹ. Theo đó, chênh lệch giá quy đổi lại doãng rộng.

Trước diễn biến trên, ông Nguyễn Quang Huy nhận định, dù chênh lệch giá trong nước với thế giới có cao hơn, nhưng về cơ bản cung - cầu trên thị trường trong nước vẫn cân bằng. Khi thị trường tự cân bằng được, Ngân hàng Nhà nước chưa phải trực tiếp can thiệp bằng đấu thầu.

Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối một lần nữa khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát tình hình thị trường, sẵn sàng can thiệp và đủ nguồn lực để can thiệp. Quyết định can thiệp chỉ đưa ra khi thị trường có bất ổn hoặc không tự cân bằng được. Trong tình huống đó, thời điểm tổ chức đấu thầu, theo các bước triển khai trước đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo cụ thể.

Như trên, sau đợt tăng khá mạnh từ ngày 13/5, cuối tuần qua và đầu tuần này giá vàng trong nước tương đối ổn định trong khuảng 36,5 - 36,7 triệu đồng/lượng. Sự ổn định này khiến chênh lệch giá so với thế giới doãng rộng sau mức giảm hơn 20 USD/oz vừa diễn ra.

Đã hơn hai năm qua thị trường vàng trong nước không còn liên thông với thị trường thế giới, do việc cấm các sàn giao dịch vàng cũng như ngừng hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp. Cũng trong khoảng thời gian đó, chênh lệch giá có những thay đổi lớn tại nhiều thời điểm: cao điểm chênh tới 7 triệu đồng, phổ biến từ 2 - 3 triệu đồng và có lúc thu hẹp chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Từng đề cập nhiều trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước có quan điểm là giữ ổn định thị trường vàng trong nước, tránh những xáo trộn bất lợi tới ổn định vĩ mô và các cân đối tiền tệ, nhất là hạn chế sự chi phối của vàng đối với hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.

Sự ổn định đã được xác lập khi thị trường đã ít đi những biến động nóng sốt trong hai năm qua. Thị trường vàng trong nước không còn liên thông với thế giới như trước, có tính độc lập cao hơn và ổn định hơn, và theo đó chênh lệch giá cũng có nhiều thay đổi khi giá trên thị trường thế giới biến động mạnh.