09:52 09/04/2008

Vì sao Ủy ban Giám sát tài chính ba tháng nữa mới hoạt động?

Huỳnh Phan

“Tại sao anh được Thủ tướng bổ nhiệm rồi mà định ba tháng sau mới bắt tay vào làm việc?”

Ông Lê Đức Thúy trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: TT.
Ông Lê Đức Thúy trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: TT.
Giữa tuần trước, trong cuộc gặp giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh đã bức xúc chất vấn ông Lê Đức Thuý: “Tại sao anh được Thủ tướng bổ nhiệm rồi mà định ba tháng sau mới bắt tay vào làm việc, trong khi đây là lúc nước sôi lửa bỏng, đợi lạm phát tăng thế nào nữa?”.

>>Ông Lê Đức Thúy làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính

Ông Khánh sốt ruột là phải. Khoản 5, điều 3, trong quyết định 34 của Thủ tướng, có quy định: Ủy ban có nhiệm vụ phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng và nguy cơ rủi ro với thị trường tài chính quốc gia, thiết lập cơ sở dữ liệu, tổng hợp, xử lý và cung cấp các thông tin về thị trường tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã chẳng từng tuyên bố là Chính phủ điều hành tốt, nhưng dự báo kém đó sao.

Ông Thuý hẳn cũng sốt ruột lắm. Nhưng người đã xa rời bộ máy hành chính cả chục năm nay, như ông Khánh, đã quên mất sự phức tạp của thủ tục hành chính.

Kể từ khi Thủ tướng ký quyết định thành lập Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vào ngày 3/3/2008, chính bản thân ông Thúy cũng phải chờ đợi gần một tháng mới nhận được quyết định bổ nhiệm làm chủ tịch uỷ ban này (ngày 29/3).

Chắc ông Thuý cũng phải chờ đợi thủ tục dài ít nhất ngần ấy ngày để Thủ tướng có thể bổ nhiệm hai người phó của ông, sau khi Bộ Nội vụ hoàn tất những thủ tục thẩm tra cần thiết. Và bộ máy khoảng 25 – 30 người biên chế cho 5 ban giúp việc cho Ủy ban, chắc phải mất một tháng nữa mới có thể chọn đủ.

Sự sốt ruột của ông Khánh, mặt khác, cũng thể hiện một sự kỳ vọng. Chắc Chính phủ cũng kỳ vọng như vậy với mục tiêu mới là kiềm chế lạm phát chứ không phải ưu tiên tăng trưởng cao bằng mọi giá.

Có một chi tiết khá thú vị ở đây: hầu hết những biện pháp kiềm chế lạm phát Chính phủ vừa mới công bố đã được các chuyên gia “hiến kế” vào tháng 9 năm ngoái, gần như trùng với thời điểm bản đề án thành lập uỷ ban này được Ngân hàng Nhà nước trình chính phủ.

Trong cuộc họp báo Chính phủ cuối tháng trước, có một câu hỏi: tại sao đã có hội đồng (tư vấn tài chính - tiền tệ), lại còn sinh ra uỷ ban (giám sát tài chính) làm gì?

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết hội đồng gồm những người hoặc làm việc bán chuyên trách, hoặc làm việc bán thời gian, một tháng họp lại nhau một lần, khó có thể đảm nhiệm công tác tham mưu, tư vấn một cách kịp thời và bao quát.

Vả lại, trong hội đồng có cả đại diện của Bộ Tài chính lẫn ngân hàng Nhà nước, khi có những đề xuất về chính sách trái nhau trên cơ sở những lợi ích khác nhau, vai trò điều hoà của uỷ ban này trên cơ sở lợi ích chung là cần thiết.

Trên thế giới, trào lưu thành lập ủy ban giám sát tài chính đã bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, một số nước nhận thấy sự cần thiết phải có một cơ quan giám sát thống nhất và độc lập để giải quyết những vấn đề như sự thiếu nhất quán và thiếu hiệu quả của khuôn khổ giám sát tách biệt cũ. Cho đến nay, các quốc gia Scandinavia, Anh, Hàn Quốc, Úc, Nhật, Singapore, Canada, hay Đài Loan đã thành lập cơ quan này.

Ở Anh chẳng hạn, cơ quan này đưa ra các chuẩn mực hoạt động cho các công ty dịch vụ tài chính và áp đặt chế tài nếu có sự vi phạm. Còn ở Đài Loan, có nguồn lực tài chính, có quyền cấp phép chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, cũng như ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến những lĩnh vực kinh doanh này.

Đề án thành lập uỷ ban giám sát tài chính được hình thành sau khi Việt Nam có chuyến đi khảo sát mô hình này ở một số nước như Anh, Nhật, Đài Loan vào giữa năm ngoái. Ngoài nhiệm vụ phân tích, dự báo..., uỷ ban này có nhiệm vụ tư vấn chiến lược, định hướng phát triển thị trường tài chính, cũng như giám sát các hoạt động liên quan đến các dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán), kể cả điều kiện cấp phép.

Nếu hoạt động tham mưu tư vấn hiệu quả, ủy ban này có nhiều khả năng trở thành một cơ quan hành pháp như mô hình uỷ ban giám sát tài chính ở các nước khác. Để từ đó, bắt đầu một cuộc cơ cấu lại chức năng của các cơ quan tài chính – tiền tệ.

Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đóng vai trò một ngân hàng trung ương, như thông lệ quốc tế, để tập trung vào kinh doanh tiền tệ, điều hành tỷ giá và lãi suất. Còn Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một nhiệm vụ vĩ mô hơn là hoạch định và điều hành các chính sách tài chính cho cả nền kinh tế.