10:01 21/02/2008

Việt Nam và 4 dấu hiệu khủng hoảng tài chính

Thùy Trang

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều dấu hiệu yếu kém từng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng 1997 đang xuất hiện ở Việt Nam

Hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn chịu sự chi phối bởi các ngân hàng thương mại không được kiểm soát một cách hiệu quả với lượng nợ xấu khá lớn.
Hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn chịu sự chi phối bởi các ngân hàng thương mại không được kiểm soát một cách hiệu quả với lượng nợ xấu khá lớn.
Liệu Việt Nam có đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính?

Xét về mặt ngắn hạn, câu trả lời được Giáo sư David Dapice, Chuyên gia kinh tế trưởng Chương trình “Việt Nam cùng các cộng sự” đưa ra là “Không”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều dấu hiệu yếu kém từng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng 1997 đang xuất hiện ở Việt Nam.

Những lập luận cho nhận định trên được các giáo sư, chuyên gia của Đại học Harvard danh tiếng nói tới trong bài viết “Lựa chọn thành công” đã được chúng tôi đề cập gần đây. Đây là một công trình nghiên cứu có chất lượng không chỉ bao trùm các vấn đề mang tính chiến lược phát triển lâu dài mà còn đề cập nhiều ý tưởng về các biện pháp cho những vấn đề nóng hổi mang tính thời sự hiện nay.

Lịch sử có lặp lại?

Nhóm chuyên gia nhìn nhận Việt Nam đã có nhiều thay đổi qua 20 năm với thành tích tăng trưởng cao và rất nhiều người dân Việt Nam đã thoát nghèo. Họ nói: “Với tư cách một quốc gia, Việt Nam ngày càng nhận được sự nể trọng và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong cộng đồng quốc tế”.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những thành quả đó, Việt Nam cần hành động một cách quả quyết nhằm ngăn chặn những nguy cơ làm suy giảm tốc độ tăng trưởng. Một trong những nơi có thể xảy ra là hoạt động của hệ thống tài chính. Bên cạnh yếu tố lạm phát thì vấn đề trung tâm được các chuyên gia đề cập đến chính là hiệu quả đầu tư.

Các chuyên gia nhận xét: “Trong khi khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tạo ra hơn 90% việc làm trong khu vực công nghiệp và gần 70% sản lượng công nghiệp thì phần lớn tín dụng và đầu tư của Nhà nước lại được dành cho khu vực kinh tế quốc doanh”. Và “giao dịch nội gián đã trở thành hiện tượng phổ biến trên thị trường chứng khoán, trong đó nạn nhân là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đồng thời, các giám đốc và những người “chủ” doanh nghiệp vẫn tiếp tục lợi dụng kẽ hở của thị trường để trục lợi cho mình”.

Đề cập đến những dấu hiệu chủ yếu đang xuất hiện ở Việt Nam cũng từng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Giáo sư Đại học Harvard đưa ra 4 dấu hiệu chính.

Đầu tiên, mặc dù thị trường chứng khoán đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua nhưng hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn chịu sự chi phối bởi các ngân hàng thương mại không được kiểm soát một cách hiệu quả với lượng nợ xấu khá lớn.

Thứ hai, đầu tư quá mức (gần 40% GDP) và hệ số ICOR 4,4 (có nghĩa là Việt Nam hiện cần 4,4 đơn vị đầu tư để tạo ra một đơn vị tăng trưởng) là rất cao so với các nước khác trong khu vực ở những giai đoạn phát triển tương đương như Việt Nam bây giờ (hệ số ICOR trung bình của các nước trong khu vực là khoảng 3).

Thứ ba, một lượng tiền lớn có nguồn gốc tham nhũng, rửa tiền, và đầu tư nước ngoài đang đổ vào thị trường bất động sản và chứng khoán, tạo nên bong bóng tài sản.

Thứ tư, thâm hụt thương mại tăng nhanh và tỷ giá dao động bất thường là những dấu hiệu của những rủi ro ngầm ẩn. Việt Nam cũng đang tích luỹ một lượng lớn nợ ngoại tệ không được phòng vệ.

Theo nhóm chuyên gia, tất cả những rủi ro trên chưa dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính là nhờ Việt Nam vẫn chưa tự do hóa tài khoản vốn, dư nợ nước ngoài ngắn hạn của Việt Nam còn ở mức kiểm soát được, và lượng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục đổ vào giúp cân đối lại phần nào cán cân tài khoản vãng lai.

Tuy nhiên, trong số 10 triệu chứng dẫn đến khủng hoảng 1997, thì các chuyên gia thống kê được có 8 triệu chứng Việt Nam bị “dính”, gồm: thâm hụt tài khoản vãng lai, bong bóng tài sản, vay ngoại tệ không phòng vệ, hệ số ICOR cao, đầu tư công kém hiệu quả, kiểm soát bất cẩn đối với ngân hàng, nợ xấu cao, vay nợ chéo trong tập đoàn; và chỉ có 2 triệu chứng là không có, gồm: nợ nước ngoài ngắn hạn và tự do hóa tài khoản vốn.

Sứ mệnh khó khăn

Trong khi các chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ thống tài chính hiện đại vào một thời điểm tương đối thuận lợi khi thị trường vốn quốc tế, đặc biệt ở châu Á đang có tính thanh khoản rất cao, thì cũng có không ít những góp ý được nêu ra.

Theo các chuyên gia, chênh lệch lãi suất của trái phiếu quốc tế đầu tiên của Việt Nam được phát hành cuối năm 2005 (được kỳ vọng sẽ là cơ sở để các tập đoàn nhà nước vay vốn trên thị trường quốc tế) luôn thấp hơn mức EMBI trung bình (chỉ số EMBI của JP Morgan đo lường khoảng chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ và của các nền kinh tế mới nổi).

Điều này có nghĩa là các nước đang phát triển như Việt Nam có thể vay vốn từ thị trường quốc tế với mức lãi suất thấp, và đây thực sự là một cơ hội cho Việt Nam nếu việc tài trợ bằng vốn vay nước ngoài được thực hiện một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định sẽ có một nguy cơ là Chính phủ và các công ty trong nước trở nên phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay nước ngoài.

Theo phân tích của nhóm chuyên gia, các doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng vốn một cách kém hiệu quả. Nếu tình trạng này tiếp diễn và các doanh nghiệp này lại được phép tiếp cận với thị trường vốn quốc tế thì một rủi ro thực tế là Việt Nam sẽ phải trả một cái giá khá đắt cho những khoản vay không mang lại mấy giá trị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý rằng ngay cả trong giai đoạn thị trường thuận lợi thì Nhà nước vẫn phải thận trọng trong việc giữ nợ ở mức kiểm soát được để tránh những cú sốc chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Các chuyên gia cũng nhận xét cải cách khu vực ngân hàng ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ.

Song để phát triển bền vững thì Việt Nam cần có một ngân hàng trung ương thực thụ, có thẩm quyền và khả năng điều tiết, giám sát hệ thống ngân hàng,và điều hành chính sách tiền tệ. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi ngân hàng trung ương phải được độc lập trên các phương diện cơ bản, bao gồm độc lập về mặt tài chính, nhân sự, công cụ, và mục tiêu.